Thông tin mới nhất về loài Voọc mông trắng tại Khu BTTN đất ngập nước Vân Long-Ninh Bình

Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long với tổng diện tích 2.736 ha trong đó ¾ là diện tích núi đá, ¼ là diện tích đất ngập nước. Là vùng đất ngập nước tự nhiên còn sót lại có diện tích lớn nhất vùng sinh thái đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây có hệ động thực vật rất phong phú. Đặc biệt là nới cư trú tự nhiên của quần thể Voọc mông trắng (Trachypithecus fracoisi delacouri) – một trong 25 loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm và còn số lượng rất ít của Việt Nam.

Thông tin mới nhất về loài Voọc mông trắng tại Khu BTTN ngập nước Vân Long đã được Hội động vật frankfurt Cộng hoà Liên bang Đức (FZS) và các nhà khoa học Việt Nam công bố sau kết quả phối hợp điều tra, nghiên cứu và theo dõi sự phát triển của quần thể của loài này. Số lượng ban đầu là 43 cá thể đến nay đã đạt trên 100 cá thể; quần thể được chia làm 12 đàn phân bố tại các khu vực riêng biệt trải rộng trong KBT, đàn lớn nhất có số lượng là 20 cá thể, đàn nhỏ nhất có số lượng là 4 cá thể, khi có đàn mới tách thì con đực sẽ chủ động tách ra và sẽ có từ 2-3 con cái theo tới một khu vực nhất định nào đó được con đực chọn và đàn mới tách gần nhất gồm 6 cá thể được tách cánh đây 6 tháng, thông thường các con cái trong đàn sẽ sinh đẻ vào tuổi thứ 5, việc sinh đẻ phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện tự nhiên như nguồn thức ăn, chế độ thời tiết, không khí,… trong đó đặc biệt là nguồn thức ăn tự nhiên.

Năm 2011, sách KỶ LỤC VIỆT NAM xác nhận Khu BTTN ngập nước Vân Long có số lượng Voọc Mông trắng nhiều nhất tại Việt Nam. Sự phát triển của loài này đã phản ánh sự lỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình và đặc biệt là sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ của Ban Quản lý Khu BTTN ngập nước Vân Long đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu để bảo tồn loài đặc hữu quý hiếm này./.

Theo: Tổng cục Lâm nghiệp