Ngày 12/11/2016, tại Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành tiêu hủy mẫu vật động vật hoang là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật.
Kể từ khi gia nhập Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế thực thi có trách nhiệm Công ước này. Trong những năm gần đây, ngoài việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý buôn bán động vật hoang dã, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra và bắt giữ hàng chục tấn ngà voi, hàng trăm kg sừng tê giác và nhiều mẫu vật khác như xương hổ, vảy tê tê, rùa nước ngọt., v.v. Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và được cộng đồng thế giới đánh giá cao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Hội đồng tiêu hủy quốc gia tiến hành tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi, trên 70kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương gấu, xương hổ bằng phương pháp nghiền và đốt hoàn toàn. Hội đồng tiêu hủy chỉ đạo việc tiến hành lấy mẫu giám định ADN ngà voi, sừng tê giác theo quy định của CITES trước sự chứng kiến của đại diện các cơ quan nhà nước, các đại sứ quán tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế và các cơ quan Thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.
Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, xương gấu thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong chống tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã và không cho phép tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định: “Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác là biện pháp xử lý cuối cùng về mẫu vật các loài hoang dã bị buôn bán trái pháp luật thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã khác, đồng thời là thông điệp trong chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng không tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc phi pháp“.
Ngài John E. Scanlon, Tổng thư ký Công ước quốc tế về Buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã nhận định “Việt Nam tiến hành tiêu huỷ ngà voi, sừng tê giác tại thời điểm một tháng sau Hội nghị Các nước thành viên Công ước CITES lần thứ 17, và ngay trước thềm Hội nghị Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã. Sự kiện ngày hôm nay góp phần tăngcường nhận thức cho cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế về những tác động tiêu cực từ nạn buôn bán trái pháp luật ngà voi và sừng tê giác gây ra, đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam nói riêng, cam kết của cộng đồng quốc tế nói chung trong việc chấm dứt vấn nạn này. Cộng đồng toàn cầu hoan nghênh các quyết định cứng rắn tại Hội nghị CITES COP17. Và đây chính là thời điểm để chúng ta hành động, triển khai thực hiện các quyết định đó.”
Tại sự kiện, Ngài Giles Lever, Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam nhấn mạnh“Nước Anh hoan nghênh lần tiêu hủy đầu tiên của Việt Nam đối với các sản phẩm bất hợp pháp từ buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã. Cùng với những vụ bắt giữ ngà voi nhập lậu trong gần đây, sự kiện này là dấu hiệu tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc chống lại nạn buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã. Chúng tôi hi vọng sự kiện ngày hôm nay là bước khởi đầu tốt đẹp nhằm tiến xa hơn nữa trong việc kiểm kê, phân tích và tiêu hủy những sản phẩm từ động vật hoang dã là từ buôn bán trái pháp luật hiện đang lưu trữ.”
TS. Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài hoang dã, Tổ chức Humane Society International phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ Việt Nam trong việc lần đầu tiên tiêu huỷ mẫu vật ngà voi, sừng tê giác bị tịch thu từ buôn bán trái pháp luật, và mong rằng sự kiện sẽ giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn sự cấp thiết trong việc bảo tồn các loài động vật này. Cộng đồng quốc tế cần chung tay để giúp thế giới trân trọng loài voi và tê giác, thay vì đặt cao giá trị của những chiếc sừng và ngà”.
Việc Việt Nam tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác trước thềm Hội nghị Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã hoang dã diễn ra vào ngày 17/11/2016. Hội nghị thể hiện quyết tâm chính trị của nước chủ nhà trong thực hiện có trách nhiệm cao các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
Theo: Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam
Tin liên quan
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).