Từ đầu năm đến nay, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (VQG) đón được hơn 3.500 lượt khách, tăng so với cả năm 2012 và 2011 (3.000 lượt khách). VQG đang thực hiện chương trình sinh hoạt dã ngoại với chủ đề Giáo dục môi trường hướng đến đối tượng trẻ là các em học sinh.
Trước sân Trung tâm Du khách có một nhóm thanh niên – học sinh vui đùa với các trò chơi dân gian như bắt thỏ, thợ săn… Đây là 40 em học sinh khối lớp 8 và 9 của Trường THCS Đạ Nhim, là những thành viên trong Câu lạc bộ Xanh của trường. Anh Trần Nhật Tiên – cán bộ VQG cho biết: “Các em vào đây tìm hiểu môi trường bằng cách tham gia các trò chơi cùng cán bộ và tình nguyện viên của VQG. Sau đó, các em vào Trung tâm Du khách tìm hiểu về VQG Bidoup – Núi Bà, về môi trường, động vật hoang dã…; tìm hiểu phong tục, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm của VQG…”.
Tham gia vui chơi cùng các em học sinh có Saika Shimizu – một tình nguyện viên người Nhật. Saika 27 tuổi và gần hoàn thành thời gian 2 năm hoạt động tình nguyện tại Việt Nam. Cô cho biết, trước khi sang Việt Nam, cô đã làm việc tại Trung tâm Đa dạng Sinh học ở Nhật Bản được 3 năm. Cô chọn Việt Nam, vì đã từng làm việc với người Việt Nam. Cô biết, người Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng, thiên nhiên và văn hóa Việt Nam rất phong phú và cô muốn tìm hiểu qua chuyến công tác tình nguyện này. Hằng ngày, Saika tham gia diễn giải môi trường và thuyết minh cho khách du lịch đến tham quan VQG. Vốn tiếng Việt của Saika khá tốt đã giúp cô hòa đồng và hướng dẫn được các em học sinh cách chơi và luật chơi, khiến các em rất thích thú.
Theo thầy Cao Minh Phương – Tổng phụ trách đội của Trường THCS Đạ Nhim: Mô hình sinh hoạt CLB Xanh của trường được thực hiện từ năm học trước, qua sự liên kết với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF, gồm khoảng 30 nội dung sinh hoạt về các hoạt động tìm hiểu động vật hoang dã, tìm hiểu môi trường, có những hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường như: Không săn bắt động vật quý hiếm, không xả rác, không dùng thuốc trừ sâu… Hoạt động của CLB Xanh rất phù hợp với đối tượng học sinh sống trong địa phận VQG có đông đồng bào dân tộc thiểu số và sống chủ yếu bằng hoạt động nương rẫy, nên trường tổ chức cho các em tham gia ngoại khóa và tìm hiểu môi trường tại VQG. Đây là các em trong CLB Xanh khối lớp 8 và lớp 9, lần sau sẽ đến lượt các em của khối lớp 6 và 7.
Các em học sinh cũng rất tò mò và thích thú được sử dụng các nhạc cụ truyền thống của đồng bào, lại có hướng dẫn viên K’Vâng vừa đi tour về nhiệt tình hướng dẫn, nên không khí ở Trung tâm Du khách càng thêm hào hứng. K’Vâng là người K’Ho ở Liên Đầm (Di Linh), lấy vợ và về định cư tại xã Lát (Lạc Dương). Anh phụ trách đưa khách đi tuyến Đạ Plá và tuyến Bidoup 2 ngày một đêm với điểm nhấn là văn hóa và nông nghiệp. Anh tận tình chỉ dẫn cho khách các hoa văn thể hiện mắt chim, hàng rào, cây cối… trên các sản phẩm thổ cẩm của người Cil, K’Ho và sự khác biệt với hoa văn của các dân tộc khác. K’Vâng tự hào rằng: “Khách vào Vườn không những được tham quan, được tìm hiểu mà còn được trải nghiệm thực sự đời sống âm nhạc của đồng bào qua các loại nhạc cụ, chứ không phải chỉ xem và “cấm sờ vào hiện vật” như các phòng trưng bày khác… K’Vâng rất thích công việc của mình. Với anh, đó là công việc vừa giữ gìn được rừng và môi trường rừng, lại vừa giới thiệu được với du khách bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh khẳng định: “Bảo vệ được rừng mới bảo vệ được buôn làng”.
Em Phan Thị Cẩm Vân – học sinh lớp 8A1 tâm sự, các em đã học được rất nhiều qua buổi dã ngoại tại VQG: được tham gia các trò chơi dân gian, được tìm hiểu về VQG và biết được tính đa dạng sinh học của Vườn…, biết được lợi ích của các loài động vật, thực vật đối với cuộc sống…; đặc biệt là được tìm hiểu các sản phẩm dệt và nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số… Ông Nguyễn Lương Minh – Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường VQG cho biết thêm: Chương trình đưa học sinh vào VQG Bidoup – Núi Bà sinh hoạt ngoại khóa và tham gia tìm hiểu môi trường sẽ được tổ chức thường xuyên từ tháng 11 hàng năm, bước đầu là học sinh ở Đà Lạt và trong tỉnh Lâm Đồng. Mục đích của chương trình là nhằm mở rộng đối tượng du khách đến tham quan VQG, hỗ trợ cộng đồng ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, tìm hiểu tính đa dạng sinh học của VQG. Ngoài ra, còn giúp du khách và cộng đồng nhận dạng tính đặc sắc của văn hóa bản địa thông qua tư liệu tại phòng trưng bày và gặp gỡ già làng trong các tour du lịch. Mong muốn của chúng tôi là cùng cộng đồng tham gia bảo vệ VQG và giữ gìn môi trường rừng ngày càng thuần khiết, bằng cách tuyên truyền thông qua thế hệ trẻ, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và hạn chế các tác động tiêu cực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của VQG…
LÊ HOA
Theo: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà