Tỉnh lộ 723 (Quốc lộ 27C) lâu nay vẫn được mệnh danh là cung đường nối biển và hoa. Từ khi được khai thông và đưa vào hoạt động, cung đường này không chỉ mang ý nghĩa về giao thông, rút ngắn khoảng cách giữa thành phố hoa Đà Lạt với phố biển Nha Trang và các tỉnh, thành ở miền Trung, miền Bắc; mà còn là một cung đường hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ và sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và hệ động thực vật phong phú phân bố dọc tuyến đường.
Cung đường với nhiều đoạn cong tuyệt đẹp và hệ thực vật phong phú. Ảnh: Py Trần |
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, khí hậu ôn hòa, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nên tuyến đường 723 đã ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm. Trên tuyến đường này, nếu đã một lần trải nghiệm qua đây, du khách sẽ thấy thật sự thú vị vì được hòa mình trong không gian núi non hùng vỹ; được ngắm nhìn sự đổi thay của hệ thực vật phong phú, đa dạng phân bố và hiển hiện rất rõ nét từ cao xuống thấp theo địa hình; được trải nghiệm sự thay đổi thú vị của khí hậu chuyển từ lạnh, sang nóng. Các bản làng trải dọc hai bên cung đường với những nếp nhà, văn hóa, cách thức sinh sống thường ngày của bà con cũng vô cùng đa dạng và mang đến nhiều điều thú vị.
Tuyến đường này còn đi xuyên qua Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà – vườn quốc gia có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất tại Việt Nam hiện nay. Du khách sẽ có cảm giác lạ lẫm khi được tắm mình trong làn sương mờ mờ ảo ảo trải suốt cung đường thuộc địa phận huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng và màn sương như bức rèm sẽ dần được vén ra khi hạ độ cao xuống dần vùng đất của tỉnh Khánh Hòa. Dọc cung đường, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình, ven đường thỉnh thoảng có thác nước trong vắt chảy len lỏi từ trên đỉnh núi xuống dưới thung sâu, tạo thêm sự huyền ảo cho cảnh sắc núi rừng.
Trẻ em vui chơi dưới tán hoa mai anh đào vào mùa xuân. Ảnh: N.Thi |
Nếu muốn trải nghiệm, khám phá văn hóa dân tộc, nổi bật có làng Đạ Blah và một số ngôi làng thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. Tại đây, du khách được thưởng thức các đặc sản của đồng bào, văn hóa sống, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa, tập quán canh tác nông nghiệp, các loại cây trái đặc trưng của vùng này. Phong cảnh làng dân tộc, kiến trúc nhà ở của đồng bào cũng là điểm thu hút du khách.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương, tập trung chủ yếu từ trung tâm xã Đạ Sar đến K’Long K’Lanh có một số điểm du lịch đã bắt đầu hình thành, mỗi năm đang thu hút hàng nghìn lượt du khách đến nghỉ dưỡng, tham quan và tìm hiểu văn hóa. Thú vị hơn nữa là du khách sẽ được ghé thăm các trang trại nông nghiệp công nghệ cao của người dân canh tác dọc hai bên đường; buổi tối có thể thưởng thức những điệu múa cồng chiêng; tìm hiểu, khám phá về hệ động thực vật phong phú thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà với nhiều tour du lịch trải nghiệm của Vườn.
Vườn Quốc gia Bidoup là khu bảo tồn sinh học, khu dự trữ sinh quyển, có diện tích rộng và độ đa dạng sinh học vào bậc nhất ở Việt Nam hiện nay. Cảnh sắc của Vườn vô cùng đa dạng và được bảo tồn cực kỳ tốt. Nếu đi từ Đà Lạt xuống hướng Nha Trang, đến Cây xăng số 3 vào lúc trời trong, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ đỉnh núi Bidoup và hình dung được cung đường lên đỉnh núi khá dễ dàng.
Những ngôi làng thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà vẫn còn giữ nếp sống, sinh hoạt truyền thống của đồng bào thiểu số. Ảnh: N.Thi |
Anh Oliver Wood, quốc tịch Mỹ cho biết: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng thật sự thú vị khi khám phá cung đường 723 với rất nhiều điều thú vị từ văn hóa bản làng đến hệ động thực vật đa dạng. Vùng này có cảnh quan thiên nhiên núi rừng đẹp, nếp sống sinh hoạt giàu bản sắc truyền thống,… nếu được bảo tồn và có thêm những điểm dừng chân, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp hơn sẽ thật sự là điểm đến thú vị, mới lạ và hấp dẫn”.
Đây còn được coi là cung đường đẹp và hấp dẫn bởi có hệ thực vật báo hiệu đổi mùa rõ rệt với các loại hoa, loài cây đặc trưng như mai anh đào, cây lá phong, cây thông 2 và 3 lá, cây hồng ăn trái…
Để phát triển và đưa du lịch vùng này vào chuyên nghiệp, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã có văn bản thống nhất điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại một số các điểm dân cư nông thôn thuộc trung tâm 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais của huyện Lạc Dương, thuộc Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch kết hợp hệ thống các điểm dân cư nông thôn dọc tuyến đường tỉnh DT 723 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1287. Việc điều chỉnh này là để đảm bảo rõ định hướng, tính chất của quy hoạch đã được phê duyệt, bao gồm việc: Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bản sắc của vùng đồng bào dân tộc bản địa; hình thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đa chức năng kết hợp với các loại hình tham quan, vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên; hình thành các điểm dân cư nông thôn đồng thời là làng xóm văn hóa hấp dẫn với đối tượng du khách có nhu cầu tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; duy trì hành lang bảo vệ cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến Quốc lộ 27C.
Hy vọng, đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy du lịch vùng phát triển một cách bài bản, bởi trên thực tế, những năm qua, 3 xã dọc tuyến đường này đã trở thành địa điểm thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ sở để huyện Lạc Dương rà soát, hoàn thiện các điều chỉnh, xác định rõ trình tự, thủ tục, kiên quyết và mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý xây dựng dọc tuyến Quốc lộ 27C cũng như nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống bản địa.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”