Trồng nấm giữ rừng

Nâng cao thu nhập đối với hộ gia đình sống vùng rừng là một giải pháp rất quan trọng để không tạo áp lực lên rừng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên. Ðây là sự hướng đến của Tổ chức JICA Nhật Bản đối với người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà.
 
TS. Nguyễn Bình Nguyên (bên trái) và anh Senty tại nhà trồng nấm Đông cô. Ảnh: M.Đ
TS. Nguyễn Bình Nguyên (bên trái) và anh Senty tại nhà trồng nấm Đông cô. Ảnh: M.Đ
Chúng tôi theo chân TS. Nguyễn Bình Nguyên, chuyên gia về các loài nấm và là Giám đốc Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long (NNL) cùng ông Tôn Thất Minh, đại diện của Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững – Hợp phần Đa dạng sinh học tại tỉnh Lâm Đồng do Tổ chức JICA tài trợ. Nơi chúng tôi đến tham quan là mô hình trồng nấm Hương, còn gọi là nấm Đông cô (Lentinula Edodes) của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương. Chủ hộ KonSa Senty ở thôn Dà Bla dẫn chúng tôi vào nhà trồng nấm phía sau. Với tổng diện tích 55 m2, công suất tối đa đặt được 5.000 cục phôi, nhưng trước mắt anh đã đặt 3.000 cục. Chúng tôi cũng mục sở thị nơi sản xuất và cung cấp phôi – Công ty NNL. Ở đây, quy trình kỹ thuật khép kín rất công phu. Phôi làm bằng mùn cưa gỗ cao su, cám gạo…, sau gần 3 tháng qua các khâu như đóng phôi, hấp phôi, cấy giống… Đặc biệt, theo TS. Nguyên, phôi này hoàn toàn không có chất vô cơ; quá trình chăm sóc nấm phát triển và thu hoạch cũng hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Vì vậy, sản phẩm nấm Hương hoàn toàn an toàn về mặt đảm bảo sức khỏe đối với người tiêu dùng. 
 
Mỗi cục phôi có giá bán 10.000 đồng, được Dự án trực tiếp thanh toán cho bà con nông dân. Với hộ anh Senty, bắt đầu mang phôi về là ngày 20/5/2018 đợt 1. Công ty NNL chịu trách nhiệm hỗ trợ hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Ngày 4/6/2018, anh Senty đã thu hoạch lứa nấm đầu tiên, chỉ sau 20 ngày. Đến nay, với 3.000 cục phôi, gia đình anh đã thu được khoảng 900 kg nấm, một sản lượng theo TS. Nguyên là đã rất cao đối với loại nấm Hương. Nấm được Công ty mua 70.000 đồng/kg, trả tiền trực tiếp cho các hộ sản xuất. 
 
Với mỗi cục phôi cho 0,3 kg nấm trong 2,5 tháng, hộ anh Senty có thu nhập trung bình mỗi tháng 10 triệu đồng (sau khi đã trừ các khoản chi phí). 
 
Cũng tham gia liên kết hợp tác với Công ty NNL bằng phương thức này, hộ vợ chồng anh Y Sãi KaSa và KaNiê thôn Đarahoa hiện đang trồng 3.000 cục phôi/50 m2. Anh KaSa đầu tư nhà trồng kỹ càng hơn, từ mái che, nền láng xi măng và cách phun nước đều, độ ẩm giữ rất tốt nên phôi sử dụng được lâu hơn. Anh đưa phôi từ Công ty NNL về thời gian sau Senty nhưng đến nay đã thu hoạch được 700 kg nấm Đông cô.
 
Giá trị đem lại cho các hộ đồng bào từ sản xuất nấm Hương rất lớn. Nếu so sánh với trồng cà phê, trồng nấm có thu nhập cao hơn nhiều; trong lúc công chăm sóc nhẹ nhàng, không mất nhiều thời gian, lâu lâu chỉ nhúng phôi cho hút no nước lại đặt lên giá đỡ. Mặt khác, đầu tư cũng ít tốn kém, chỉ bỏ tiền làm nhà sản xuất lần đầu, sau đó cứ khoảng 2,5 tháng lại đổi phôi mới. Bà con cũng không phải đi xa lên rẫy, chịu nắng mưa mà trồng nấm ngay bên nhà nên làm được nhiều việc nhà, nhất là phụ nữ. Chị KaNiê vừa bồng con vừa bày tỏ niềm vui: “Rất thích thú việc trồng cây nấm này. Thích nhất là không phải hít mùi thuốc trừ sâu”. Còn anh Senty cho biết: Trước đây, gia đình anh trồng khoảng 8 sào cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn hạt tươi, bán chỉ được 32 triệu đồng, nhưng phải mất 3 lần bón phân tốn 20 triệu đồng, 1 lần xịt thuốc bảo vệ thực vật mất 12 triệu đồng nữa, chưa kể công cán, lỗ nặng.  
 
Hiện, rất nhiều hộ cũng muốn hợp tác sản xuất nấm với Công ty NNL. Tuy nhiên, Giám đốc Nguyễn Bình Nguyên cho biết, mặc dù người dân đã trồng nấm Hương cho kết quả tốt, năng suất cao, đảm bảo các yêu cầu, nhưng trước mắt chỉ tiếp tục giao phôi cho các hộ đang có kinh nghiệm trồng, còn muốn nhân rộng đến các hộ mới Công ty đang tìm đầu ra sản phẩm nấm. Nấm của Công ty NNL hiện cung ứng thị trường thành phố Hồ Chí Minh tại hệ thống siêu thị. Nấm Đông cô có chứa khá nhiều đạm và đặc biệt giàu khoáng chất, cung cấp vitamin B, bảo vệ tim mạch, phòng ngừa và điều trị bổ sung với một vài loại bệnh ung thư, ngăn chặn độc tố của vi khuẩn lao, giúp giảm cân, giữ thon dáng và chăm sóc làn da hoàn hảo…Thế nhưng, TS. Nguyễn Bình Nguyên tâm tư: Mặc dù người Việt rất thích nấm Đông cô Việt Nam vì không có chất bảo quản nhưng công vận chuyển cao, do đó người bán rất khó bán so với nấm Trung Quốc do giá rẻ hơn rất nhiều. Người bán cũng muốn bán nấm Trung Quốc vì nhờ chất bảo quản nên giữ được lâu. Thực tế, chợ là nơi tiêu thụ mạnh nhất nhưng điều kiện bảo quản không đảm bảo nên nấm Hương cũng khó ra chợ. Trong lúc đó, nấm Đông cô của Lâm Đồng là xứ lạnh khi về các xứ nóng càng rất khó bảo quản. TS. Nguyễn Bình Nguyên thông qua truyền thông rất muốn người dùng Việt Nam cần nhận thức rõ vấn đề chất lượng. Hiện tại, nấm Đông cô Việt Nam tươi sạch, chất lượng tốt thông thường giá 160 nghìn đồng/kg, nấm Đông cô Trung Quốc giá rẻ khoảng một nửa. Với mô hình trồng nấm của các hộ dân Lâm Đồng đã rõ về hiệu quả và đạt ý nghĩa nhiều mặt. Nên chăng, các ngành chức năng của địa phương chung tay hưởng ứng bằng những giải pháp thực sự thiết thực, trong đó, xây dựng chuỗi liên kết, từ hỗ trợ phát triển nhân rộng mô hình sản xuất, quản lý thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm… 
 
MINH ÐẠO
 
Nguồn: Báo Lâm Đồng