Trồng thêm rừng cho Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà

Bên lề Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Luật BV&PTR của tỉnh Lâm Đồng, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Hương – Phó Trưởng ban thường trực BQL Khu Dự trữ, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà về nội dung thực hiện trồng rừng thay thế của UBND tỉnh tại Vườn, một nhiệm vụ hết sức có ý nghĩa là góp phần bảo tồn và phát triển hệ sinh thái (HST) rừng nơi đây.
Ông Lê Văn Hương: HST rừng (Forest ecosystem) là một HST mà thành phần nghiên cứu chủ yếu là sinh vật rừng (bao gồm các loài cây gỗ, cây bụi, thảm tươi, hệ động vật và vi sinh vật rừng, trong đó cây gỗ đóng vai trò chủ đạo) và môi trường vật lý của chúng như khí hậu, đất. Mất rừng, suy thoái rừng dẫn đến sự sụt giảm các giá trị của HST cung cấp cho đời sống của con người, đồng thời gây nên những hậu quả nghiêm trọng như hạn hán, lũ lụt, xói mòn đất nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung. Để khôi phục các HST rừng đã bị mất đi trong quá khứ, giải pháp hữu hiệu nhất đó là trồng cây, gây rừng.
Ông Lê Văn Hương giải thích khoa học khai thác về nhựa thông tại Vườn trước đây
Ông Lê Văn Hương giải thích khoa học khai thác về nhựa thông tại Vườn trước đây
PV: Vậy thưa ông, Vườn đã triển khai thực hiện chủ trương trồng rừng thay thế của tỉnh như thế nào?

Ông Lê Văn Hương: Ngay từ đầu năm, Vườn đã chủ động rà soát lại các diện tích đất trống, đồi trọc hiện còn trong toàn bộ lâm phần được giao quản lý. Chủ trương của UBND tỉnh về trồng rừng thay thế trên diện tích rừng đặc dụng là cơ hội để gia tăng giá trị dịch vụ HST tại Vườn và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Và từ tháng 1/2016, Vườn cũng đã chủ động tổ chức gieo ươm 500.000 cây thông ba lá để trồng rừng ngay sau khi dự án được phê duyệt.
PV: Cho đến thời điểm hiện nay là cuối tháng 8 năm 2016, việc thực hiện dự án trồng rừng thay thế đã đạt được kết quả như thế nào thưa ông?

Ông Lê Văn Hương: Căn cứ vào dự án trồng rừng thay thế đã được phê duyệt, Vườn được giao nhiệm vụ trồng 185,82 ha rừng thông ba lá tại Đưng K’nớ, Lát, Đạ Sar, Đạ Chais, huyện Lạc Dương và xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Toàn bộ diện tích đất trống đồi trọc đã được xử lý thực bì, cuốc hố, lấp hố. Tính đến ngày 23/8, hơn 85% diện tích đã được trồng theo đúng quy trình của Bộ NN&PTNT. Vườn sẽ thực hiện xong việc trồng cây trước ngày 10/9.
PV: Theo ông, những khó khăn và trở ngại chính trong quá trình thực hiện dự án là gì; và với vai trò là đơn vị chủ đầu tư, Vườn đã khắc phục như thế nào để hoàn thành?

Ông Lê Văn Hương: Khó khăn lớn nhất đối với đơn vị là quá trình bảo vệ diện tích rừng đã trồng. Bởi, rừng mới trồng dễ bị cháy, sâu bệnh hại, trâu bò giẫm đạp hoặc bị phá hoại để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Trở ngại chính cho các dự án trồng rừng thay thế hiện nay là tiến độ cấp vốn chậm so với tiến độ thi công tại hiện trường vì trồng rừng có những đặc thù riêng. Nếu quy định hoàn thiện xong giai đoạn phê duyệt hồ sơ dự án giống như xây dựng cơ bản mới tạm ứng 20% giá trị dự toán như hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng vốn phục vụ thi công của các đơn vị chủ đầu tư.
Để đạt được kết quả của dự án, Vườn phải thực hiện ngay một số giải pháp là: tăng cường công tác tuyên truyền cho cộng đồng tại các thôn, bản để người dân hiểu rõ các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng mới trồng. Hai là thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng trong ba năm tiếp theo. Ba là tăng cường trách nhiệm của các cán bộ tham gia chỉ đạo và thực hiện dự án trồng rừng thay thế, đồng thời thường xuyên kiểm tra diện tích rừng đã trồng cho đến khi rừng khép tán.
PV: Xin cảm ơn ông.

MINH ĐẠO (thực hiện)
Nguồn: Báo Lâm Đồng