TTO – Sáng nay 25-10, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) họp báo công bố con tê giác bị sát hại ở vườn quốc gia Cát Tiên tháng 4 năm ngoái là cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam.
Sau nhiều tháng tìm kiếm của các chuyên gia nước ngoài, cùng sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ gửi từ Mỹ sang, WWF kết luận năm 2010 đánh dấu mốc tuyệt chủng loài tê giác Java một sừng ở nước ta.
Xương con tê giác Java cuối cùng ở Cát Tiên tháng 4-2010 – Ảnh: ĐỨC TUYÊN |
Đại diện WWF, rừng quốc gia Cát Tiên, Bộ NN&PTNT và Huyện ủy Cát Tiên tại buổi họp báo – Ảnh: Hương Giang |
Buồn. Đau xót. Phẫn nộ. Đó là cảm xúc bao trùm cuộc họp báo. Các tình nguyện viên và nhân viên của WWF đã mặc áo phông in dòng chữ: “Tê giác Java tuyệt chủng ở Việt Nam năm 2010. Ra đi nhưng không bị quên lãng” để tưởng nhớ con tê giác cuối cùng.
Kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF và vườn quốc gia Cát Tiên thu thập từ năm 2009-2010 cho thấy tất cả mẫu phân này đều thuộc về xác cá thể tê giác được tìm thấy tại vườn vào tháng 4-2010.
“Thật đau lòng khi những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài này” – bà Trần Minh Hiền, giám đốc WWF Việt Nam, nói.
Với câu hỏi đau đáu từ cử tọa “trách nhiệm thuộc về ai?”, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu đã tạm thời từ chối trả lời trong khi bà Hiền khẳng định: “Anh Thành (tức ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên – PV) là người bảo vệ trực tiếp nhưng riêng anh Thành quan tâm thì không thể. Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao hơn trong việc bảo tồn. Ở những vùng đã được quy hoạch bảo tồn, mục tiêu bảo tồn phải cao nhất chứ không phải là kinh tế”.
Trong khi đó, người quản lý chương trình Loài ở khu vực Mekong của WWF là ông Nick Cox và giáo sư Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, đều gióng hồi chuông cảnh báo về công tác bảo tồn những gì còn sót lại của VN như hổ, voi, sao la…
“Nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều loài nữa sẽ bị tuyệt chủng ở VN là điều không tránh khỏi. Các khu bảo tồn tại VN cần có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn”, ông Nick Cox nói.
Tại cuộc họp báo, nhân viên của WWF mặc áo phông in hàng chữ: “Tê giác Java tuyệt chủng ở Việt Nam năm 2010. Ra đi nhưng không bị quên lãng” – Ảnh: Hương Giang |
Ông Trần Thế Liên, vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên của Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết tổng cục đang cùng các cơ quan chức năng soạn thảo chiến lược quản lý hệ thống khu rừng đặc dụng với diện tích 2,2 triệu ha trên toàn quốc.
Ông Liên thừa nhận hệ thống rừng đặc dụng hiện đang ít được quan tâm và nguồn tài chính đến chủ yếu từ các tổ chức quốc tế. “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ ban hành cơ chế tài chính bền vững cho các khu rừng đặc dụng; đồng thời chuẩn hóa đội ngũ cán bộ vì không phải ở đâu cán bộ kiểm lâm cũng có đủ trình độ và năng lực”, ông Liên nói.
Bẫy dây sắt tìm thấy ở Vườn QG Cát Tiên (ảnh WWF) |
Đầu lâu con tê giác Java cuối cùng của VN – Sừng đã bị săn trộm cắt (ảnh WWF) |
Simon Mahood, thành viên nhóm nghiên cứu tê giác của WWF và chú chó Chevy được đưa từ Mỹ sang để truy tìm dấu vế t của tê giác (ảnh WWF) |
HƯƠNG GIANG
Theo: Báo Tuổi trẻ
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà