Tê tê là động vật hoang dã, đặc điểm dễ nhận là toàn thân và đuôi (trừ bụng) phủ một lớp sừng, xếp thành nhiều hàng như ngói lợp, có thể cuộn tròn khi gặp nguy hiểm.
Sách đỏ Việt Nam xếp tê tê vào nhóm động vật có mức độ đe dọa bậc V (bị đe dọa tuyệt chủng).Tê tê cũng nằm trong danh mục II của CITES (việc buôn bán phải được kiểm soát để tránh tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng) và có tên trong nhóm nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng của Sách đỏ quốc tế (IUCN)…
Gần đây, Hà Tĩnh và những địa phương có quốc lộ 1A đi qua đã liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn bán tê tê trái phép. Thâm nhập vào đường dây buôn bán, vận chuyển tê tê, phóng viên phát hiện khá nhiều thủ đoạn tinh vi hòng qua mặt cơ quan chức năng…
Bài 1: Những bà trùm phố núi
Hàng tấn tê tê đã được đưa từ biên giới Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu Cầu Treo (Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh) và các chủ hàng đều là phụ nữ.
Tê tê vẫn được người dân địa phương gọi là trút. Đến khu vực giáp danh Cửa khẩu Cầu Treo hỏi về “trút” không ai không biết. Những chủ hàng buôn trút giàu có và nổi tiếng khắp vùng.
Vạch mặt ‘sơn nữ’ buôn thú quý, Tin tức trong ngày, Tê tê,rừng,bà trùm,tinh vi,qua mặt
Buôn bán tê tê không chỉ có đàn ông.
Theo chân một người bạn ở thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn), chúng tôi đã có dịp tiếp cận với các chủ hàng tê tê lớn nhất thị trấn. Nhà Thanh X. to, đẹp nhất nhì nơi đây, được trang trí bằng những bức tranh đá có giá trị, nhiều con thú giả bằng da thật đã được sấy khô (trong đó có tê tê). Tiếp chúng tôi là “bà trùm” Thanh X. còn khá trẻ, xinh đẹp và khéo ăn nói, không lạnh lùng hay dữ tợn như tôi từng tưởng tượng.
Nghe anh bạn tôi hỏi “muốn mua mấy con bị thương hoặc chết về làm thịt và lấy vẩy”, Thanh X. cho biết nhà hiện không có trút và chỉ bán buôn, nhưng cũng hẹn chiều quay lại, rồi giới thiệu một số chủ hàng khác cho chúng tôi. Theo lời Thanh X., chỉ riêng thị trấn nhỏ này đã có tới hơn chục nữ trùm buôn bán tê tê.
Theo người dân địa phương, việc buôn bán tê tê không dành cho đàn ông, vì giống này chỉ hợp “vía” phụ nữ (?). Điểm danh tất cả chủ hàng lớn nhỏ trên địa bàn thì tất cả đều là phụ nữ. Họ là những người giàu có, quyền lực và chỉ huy toàn bộ đường dây.
Đường tê tê qua Cửa khẩu
Đặt chân tới Cửa khẩu Cầu Treo, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ gần chợ và gặp Tú – một “chân rết” của Thanh X., đón hàng từ Lào sang Việt Nam. Trong quán đó có 10 cửu vạn bốc vác hàng lậu qua biên giới, đều do Tú quản lý. Tú đồng ý cho chúng tôi cùng vượt biên qua đường rừng, nhưng dặn cẩn thận đừng để Bộ đội biên phòng phát hiện.
Cuộc vượt biên diễn ra không mấy khó khăn vì chúng tôi đi với toàn “thổ địa”. Băng qua một ngọn đồi, cả nhóm đã đến đất Lào. Quan sát từ trên cao, chúng tôi thấy một xe ôtô đang chờ sẵn tại một nơi kín đáo, gần cầu Nam Tuồng. Tú đến nói chuyện với chủ hàng ngồi trong xe, rồi ra kiểm đếm.
Đám cửu vạn tỏ ra thuần thục khi sắp tê tê vào bao bì, buộc gùi thật chặt. Theo Tú, số lượng tê tê lần này về không nhiều, chỉ khoảng 2 tấn. Trước đây cô thường đón 3-5 tấn, nên công việc nặng nề hơn nhiều. Đường về Việt Nam không giống lúc đi.
Thấy tôi thắc mắc, Tú giải thích: “Trong rừng có rất nhiều đường vòng qua Cửa khẩu, cửu vạn đi nhiều thành đường mòn. Đường xa nhất khoảng 22 km, xuống trung tâm xã Kim Sơn 1 (Hương Sơn); đường gần nhất là đường Âm, lúc đi sang Lào. Khi có hàng thì đi đường Nhà Bằng để đảm bảo an toàn, lại không vất vả”.
Tê tê được vận chuyển xuống gần Quốc lộ 8A thì dừng lại, chờ Tú gọi ôtô của chủ hàng đến chở về thị trấn. Khi chiếc xe tải con xuất hiện, đám cửu vạn vội lao xuống vệ đường, cho tê tê vào xe.
Chiếc xe vun vút đổ đèo chở 2 tấn tê tê biến mất. Trở lại vào quán, Tú cho biết mình chỉ là người làm thuê, việc vận chuyển tê tê dễ dàng như thế là do bà chủ đã làm luật, chỉ cần kín kẽ là xong (?). Công việc chỉ có thế, bình quân thu nhập của Tú vào khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ở đây, nhiều người cũng là “chân rết” như Tú, nhưng cho các chủ khác nhau.
Theo: 24H.COM.VN
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà