Viên ngọc xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên

Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà Lê Văn Hương cho biết: Tôi thực sự tâm đắc với câu nói của ông Jeffrey Mc Neely – Trưởng nhóm Khoa học Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên quốc tế: “Mỗi một loài mất đi làm phá vỡ một mắt xích của sự sống đã phát triển hơn 3,5 tỷ năm qua”. Do vậy, cùng với tăng cường bảo vệ rừng, với ý thức: “Đến thăm Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy gì ngoài những tấm ảnh. Không giết gì ngoài thời gian”, chúng tôi còn lưu ý vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn, bảo vệ văn hóa truyền thống tốt đẹp và nâng cao ý thức “bảo vệ rừng bằng văn hóa”… Sologan của Vườn là “Giữ gìn thiên nhiên, giữ gìn văn hóa là giữ gìn tương lai”!… Nghe Giám đốc thổ lộ, chúng tôi tin đó cũng là tâm nguyện của ông trong hơn 15 năm gắn bó với Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. 
 
Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes)
Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes)
 
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (gọi tắt là Vườn/VQG BDNB) nằm ở trung tâm cao nguyên Lang Biang, trên địa bàn huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 35 km. Nơi đây được mệnh danh là “Mái nhà của Tây Nguyên”. Tên Vườn được ghép từ tên hai đỉnh núi cao nhất cao nguyên Lang Biang là đỉnh Bidoup (cao 2.287 mét, đỉnh núi cao nhất của tỉnh Lâm Đồng) và đỉnh Núi Bà (cao 2.167 mét). Đây là một trong năm VQG lớn nhất Việt Nam với diện tích gần 70 nghìn ha. Ngày 9/6/2015, tại kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO tại Paris, Cộng hòa Pháp, cao nguyên Langbiang với vùng lõi là VQG BDNB đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 tại Việt Nam. Mới đây, ông Lê Văn Hương – Giám đốc VQG báo tin vui mới: Trong tháng 10 năm 2019, Hội đồng các Bộ trưởng Môi trường ASEAN họp tại Lào sẽ trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN cho Vườn. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vườn Di sản ASEAN là một danh hiệu do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trao tặng để khuyến khích những nỗ lực bảo tồn các khu vực đa dạng sinh học (ĐDSH) có tầm quan trọng hoặc mang tính độc đáo đặc biệt tại các quốc gia thành viên ASEAN. Về vai trò, ý nghĩa của Vườn Di sản ASEAN, Giám đốc “Đa Tử Trà Hương” (Polyspora huongiana) – tên gọi một loài chè quý mà Giám đốc VQG BDNB có công tìm ra và được đặt theo tên ông – cho biết thêm: Ngày 18/12/2003, các Bộ trưởng về Môi trường của ASEAN đã hợp tác và cùng ký kết Tuyên bố ASEAN về việc thành lập các Vườn Di sản. Các nước thành viên ASEAN đã nhất trí: “Hợp tác chung là cần thiết để bảo tồn và quản lý các Vườn Di sản ASEAN nhằm đảm bảo cho sự phát triển và thực hiện bảo tồn khu vực và kế hoạch hành động quản lý cũng như các cơ chế bổ sung cho nỗ lực của các quốc gia nhằm thực hiện các biện pháp bảo tồn”. Theo đó, Chương trình Vườn Di sản ASEAN được triển khai từ năm 2006, là một trong những chương trình quan trọng do Trung tâm ASEAN về Đa dạng sinh học (ACB) khởi xướng ngay từ khi mới thành lập. Mục tiêu chương trình là: Bảo vệ ĐDSH và quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực ASEAN góp phần cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Trong đó, Trung tâm ASEAN về Đa dạng sinh học có nhiệm vụ như là thư ký của Chương trình Vườn Di sản ASEAN và có trách nhiệm xem xét các nguyên tắc: Duy trì các quá trình sinh thái quan trọng và các hệ thống hỗ trợ tự nhiên; Bảo tồn đa dạng di truyền; Duy trì đa dạng các loài động thực vật trong môi trường tự nhiên; Đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên; Cung cấp cơ hội cho giải trí ngoài trời, du lịch, giáo dục và nghiên cứu để làm cho mọi người nhận ra tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, khu vực ASEAN đã có 44 địa danh được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Trong đó, Việt Nam có 7 VQG được công nhận: gồm các VQG Ba Bể (2003), Chư Mom Ray (2003), Hoàng Liên (2003), Kon Ka Kinh (2003), U Minh Thượng (2012), Bái Tử Long (2017), Vũ Quang (2018) và sắp tới thêm Bidoup – Núi Bà. 
 
Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae)
Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae)
 
KHU VỰC ƯU TIÊN BẢO TỒN SỐ MỘT TRÊN NAM TRƯỜNG SƠN
 
Việt Nam được biết đến là một trung tâm ĐDSH của thế giới, với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú. Trong đó, VQG BDNB là một trong bốn trung tâm ĐDSH của Việt Nam, một trong 221 vùng chim đặc hữu quốc tế (EBA) với 3 vùng chim quan trọng (IBA). Vườn là khu địa lý sinh học của các loài cây hạt trần và cũng là khu vực ưu tiên bảo tồn số một trong chiến lược bảo tồn ĐDSH các dãy núi chính Nam Trường Sơn (WWF, 2003) bởi các giá trị ĐDSH vô cùng phong phú, độc đáo với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và quốc tế. 
 
VQG BDNB thành lập theo Quyết định 1240/QĐ-TTg ngày 19/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ với 9 chương trình hoạt động, trong đó chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn ĐDSH được xem như là chương trình quan trọng hàng đầu. Với diện tích hơn 70 nghìn ha, trải dài từ đai độ cao 600 m tới 2.287 m, khu vực VQG BDNB là “miền giữa” của một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn và có giá trị bảo tồn cao, kéo dài từ VQG Chư Yang Sin (Đắc Lắc) ở phía bắc qua VQG BDNB ở trung tâm, sang Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa), xuống VQG Phước Bình (Ninh Thuận) với tổng diện tích rừng liền vùng lên tới vài trăm ngàn ha. Đây là điều kiện lý tưởng cho sự phối kết hợp bảo vệ rừng, bảo vệ ĐDSH của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Không những thế với tính phân bậc địa hình, tính phân hóa đông – tây làm cho khu vực rộng lớn này chứa đựng những giá trị to lớn về ĐDSH, được xem là mẫu chuẩn cho nghiên cứu khu vực Đông Nam Á. 
 
VQG BDNB là khu vực có giá trị cao về cảnh quan tự nhiên, ĐDSH với nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng á nhiệt đới với các kiểu rừng: Kiểu rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới; Kiểu phụ rừng rêu (rừng lùn đỉnh núi); Kiểu rừng thưa cây lá kim (Thông 3 lá) hơi khô á nhiệt đới núi thấp; Kiểu rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre với lá rộng; Kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi vừa. Ngoài ra, Vườn còn là lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, Sêrepok và sông Krông Nô đảm bảo chức năng phòng hộ đầu nguồn cho các đập thủy điện quan trọng: Đa Nhim, Suối Vàng, Trị An, Đa Dung.
 
Pơ-mu (Fokienia hodginsii)
Pơ-mu (Fokienia hodginsii)
 
ÐA DẠNG SINH HỌC VỚI NHIỀU LOÀI ÐẶC HỮU
 
Ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (VQG BDNB), sự đa dạng về môi trường sống tạo nên sự đa dạng phong phú của các loài sinh vật. Đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng di truyền đã góp phần khôi phục các giống bản địa vì đây chính là nguồn nguyên liệu quý để lai tạo và cải tạo các giống vật nuôi, cây trồng. 
 
VQG là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là các loài thú như Mang Lớn, Mang Trường Sơn, Báo gấm; Vượn đen má vàng…, đồng thời, với sự có mặt của nhiều loài đặc hữu hẹp của khu vực Langbiang/Việt Nam như Thông hai lá dẹt, Mi Lang Biang, Sẻ Thông họng vàng… khu vực này không chỉ có tầm quan trọng ở phạm vi quốc gia, mà còn trên phạm vi toàn cầu. 
 
Theo báo cáo về Luận chứng kinh tế kỹ thuật VQG BDNB năm 2004 ghi nhận 1.468 loài thực vật có mạch trên cạn, thuộc 673 chi và 161 họ thuộc 4 ngành với 91 loài đặc hữu, 62 loài hiếm/hoặc có giá trị, có 29 loài thực vật liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam (1992) và Danh lục đỏ của IUCN (2004). Ngoài ra, báo cáo ghi nhận 14 loài thực vật hạt trần thuộc 12 chi và 5 họ. Đây được đánh giá là nơi có tính đa dạng và sự hội tụ cao nhất các loài cây hạt trần Việt Nam. Qua nhiều lần đánh giá, kết quả điều tra tháng 3/2014 ghi nhận: Tổng số loài thực vật của Vườn là 1.945 loài, thuộc 815 chi và 180 họ. Trong đó, 10 họ giàu loài nhất với tổng số là 847 loài thuộc 297 trên tổng số 815 chi, chiếm 43,57% tổng số loài ghi nhận được. Gần đây đã phát hiện thêm 1 loài mới Billoliivia kyi thuộc họ Gesneriaceae, nâng tổng số lên 1.946 loài. Nếu so với báo cáo thống kê của VQG BDNB (2008), số lượng loài ghi nhận được tăng lên đáng kể, trật tự các họ giàu loài nhất cũng có sự thay đổi, song nhóm 5 họ giàu loài nhất vẫn là các họ: Lan (Orchidaceae), Đậu (Fabaceae), Cúc (Asteraceae), Hòa thảo (Poaceae) và họ Cà phê (Rubiaceae). 
 
Cùng với sự đa dạng thực vật, VQG BDNB còn thể hiện tính đa dạng động vật. Khu hệ thú hiện nay có 111 loài thuộc 28 họ và 12 bộ. Trong đó nhóm thú lớn gồm 7 bộ, 16 họ, 48 loài; nhóm thú nhỏ gồm 5 bộ, 12 họ, 63 loài. Về nhóm thú lớn: Bộ Linh trưởng (Primates) gồm 3 họ, 9 loài và tất cả các loài này đều nằm trong danh lục Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 8 loài thuộc danh lục Sách Đỏ quốc tế IUCN (2009). Các loài linh trưởng thường sống trong rừng hỗn giao ở sườn núi Bidoup, Núi Bà và Hòn Giao. Loài thường gặp nhất là Vượn má vàng, là loài vượn rất quý hiếm, loài đặc hữu của Nam Đông Dương. Chúng sống ở các tiểu khu 59, 103, 90, 89, 53,77, 60, 48 và 47, 26 và 80. Bộ Ăn thịt (Carnivora) có số loài và số họ chiếm ưu thế lớn nhất trong nhóm thú lớn, bao gồm 6 họ với khoảng 26 loài được ghi nhận với một số loài được xếp vào danh lục Sách Đỏ Việt Nam (2007), Sách Đỏ quốc tế IUCN (2009) và công ước CITES. Hiện nay, tần suất bắt gặp các loài thú ăn thịt là rất thấp. Bộ Móng guốc chẵn (Artiodactyla) gồm 4 họ với 7 loài, trong đó có 2 loài vừa có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Sách Đỏ quốc tế IUCN (2009) là Bò tót, Sơn dương. Ngoài ra còn có 1 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 là: Mang Ấn Độ, Hoẵng. Bộ Thỏ chỉ có duy nhất 1 loài Thỏ nâu được ghi nhận và cũng là loài còn tương đối nhiều, có khả năng phát triển tự nhiên tốt nhưng cần hạn chế săn bắt. Theo đánh giá của TS. Andrew Tilker từ Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz, Đức, VQG BDNB là khu vực rất quan trọng (key site) không những cho bảo tồn loài Mang Lớn (Muntiacus vuquangensis), mà còn cho các loài thú khác đã biến mất ở Việt Nam.
 
Tai đất ấn (Aeginetia indica).
Tai đất ấn (Aeginetia indica)
 
Đối với nhóm thú nhỏ: ghi nhận 9 loài thuộc 3 bộ (bộ Chuột voi, bộ Chuột chù và bộ Nhiều răng). Sự phân bố của chúng tuân theo các đai độ cao khác nhau. Bộ Dơi có khoảng 19 loài thuộc 4 họ. Trong đó 1 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 là Dơi mũi ống cánh lông và 1 loài đặc hữu của cao nguyên Đà Lạt là Dơi mũi ống Đà Lạt. Có 4 loài dơi rất phổ biến là các loài Dơi lá đuôi, Dơi muỗi nâu, Dơi nâu và Dơi đốm hoa. Bộ gặm nhấm có 39 loài thuộc 4 họ được ghi nhận. Trong đó có 3 loài thuộc họ Sóc có tên trong danh lục Sách Đỏ Việt Nam 2007 là Sóc bay đen trắng, Sóc bay trâu và Sóc đen. Trong bộ Gặm nhấm, chiếm ưu thế hơn cả về thành phần loài và số lượng cá thể là các loài thuộc họ Chuột với nhiều loài đặc hữu cho khu vực cao nguyên miền Trung Việt Nam hoặc thậm chí là cho riêng khu vực cao nguyên Đà Lạt. 
 
VQG BDNB có sự đa dạng và tính đặc hữu cao về khu hệ chim. Theo Tổ chức Birdlife International, Vườn là một trong 221 vùng chim đặc hữu với 3 vùng chim quan trọng là Cổng Trời, Langbiang và Bidoup. Đồng quan điểm đó, GS. Frank Rheindt từ Trường Đại học Tổng hợp Singapore, VQG BDNB là nơi có số lượng loài chim đặc hữu cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc điểm thành phần và cấu trúc khu hệ chim có khá nhiều điểm khác biệt so với những khu hệ chim rừng ở vùng đồng bằng, bình nguyên, vùng chân núi khác của Việt Nam. Đây là khu vực có những mẫu chuẩn về cảnh quan địa phương còn gìn giữ sự đa dạng cao của các loài chim, trong đó có những loài bản địa và loài hiếm và rất hiếm. Các kết quả nghiên cứu ghi nhận khu hệ chim có 301 loài thuộc 53 họ, 16 bộ. Trong 16 bộ chim thì bộ Sẻ là có số lượng họ và loài chiếm ưu thế nhất với khoảng 30 họ, 180 loài, chiếm 57% tổng số họ và 67% tổng số loài chim ghi nhận. Khu hệ chim có sự phân hóa theo đai độ cao tương đối rõ rệt. Đây là một trong những nền tảng cơ sở phục vụ cho việc xác định các biện pháp và phương thức bảo tồn và bảo vệ ĐDSH chim của VQG BDNB nói riêng, của cao nguyên Đà Lạt và vùng phụ cận nói chung. 
 
Ngoài ra, khu hệ Bò sát ở VQG BDNB có 91 loài nằm trong 2 bộ chính là bộ Có vảy Squamata và bộ Rùa Testudines. Khu hệ Lưỡng cư gồm 78 loài thuộc 2 bộ là bộ Không đuôi Anura và bộ Không chân Gymnophiona. Theo kết quả nghiên cứu trước đây đã ghi nhận 22 loài cá nước ngọt thuộc 6 họ, 14 giống…
 
Một kết quả đáng khích lệ là thông qua các khảo sát, đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng với sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu của VQG BDNB, trong thời gian qua, từ VQG BDNB đã phát hiện và công bố hơn 30 loài động, thực vật mới cho khoa học. Trong đó đa số các loài đều là những loài có giá trị bảo tồn rất cao như: về thực vật có Polyspora huongiana, Camellia duyana, Camellia cuongiana, Camellia capitata, Camellia inusitata thuộc họ Chè (Theaceae); Garcinia hopii thuộc họ Bứa (Clusiaceae); Ophlopogon tristylatus thuộc họ Măng tây ((Asparagaceae); Dendrobium truongcuongii thuộc họ Lan (Orchidiaceae); về động vật có các loài ếch mới: Leptobrachium leucops, Leptolalax bidoupensis; các loài thằn lằn mới: Cyrtodactylus bidoupimontis…
 
Mi Langbiang (Crocias langbianis)
Mi Langbiang (Crocias langbianis)
 
CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
 
Từ khi thành lập đến nay, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (VQG BDNB) luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, tổng cán bộ, công chức có 114 người (1 tiến sĩ, 14 thạc sĩ, 59 đại học, 41 trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Cán bộ chủ yếu đào tạo trong nước thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của Lâm Đồng và các lớp tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ, chuyên môn.
 
Thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học tại VQG, các cán bộ tham gia đã tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để phục vụ công tác chuyên môn. Một số cán bộ có năng lực và ngoại ngữ tốt được đào tạo, tập huấn ngắn hạn ở các nước Mỹ, Nhật, Úc… thông qua các chương trình hợp tác quốc tế của VQG với kinh phí do đối tác tài trợ. Bidoup Núi Bà được đánh giá là một trong các VQG có nguồn nhân lực mạnh nhất trong hệ thống các VQG, đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình hoạt động liên quan đến bảo tồn, du lịch, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế hướng tới phát triển bền vững. 
 
Trong các đề tài khoa học của VQG đã thực hiện, đáng chú ý là các đề tài: Đề tài “Điều tra, đánh giá phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng” của Th.s Tôn Thất Minh bước đầu phát hiện và mô tả được 6 bộ, 14 họ, 23 chi và 65 loài với 30 loài nấm ăn được, 35 loài nấm độc. Đề tài đóng góp cơ sở dữ liệu làm tiền đề xây dựng cẩm nang các loài nấm ăn được và nấm độc cho Lâm Đồng. Đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm phục hồi một số loài cây lá kim bản địa quý hiếm” do Th.s Lê Cảnh Nam làm chủ nhiệm đã xác định vùng phân bố, một số đặc điểm sinh học, sinh thái của cây thông lá dẹt (Pinus kremfii) và thông Đà Lạt (Pinus dalatensis); triển khai nhân giống, trồng thử nghiệm hai loài cây này với diện tích hơn 3 ha tại VQG BDNB. Đề tài “Xây dựng hồ sơ Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang, tỉnh Lâm Đồng” là đề tài hợp tác với địa phương, được thực hiện dưới sự phối hợp giữa Viện Sinh thái tài nguyên và sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với VQG BDNB đã được UNESCO công nhận Langbiang là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới trong tổng số 20 khu dự trữ sinh quyển được công nhận ngày 9/6/2015. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ địa không gian (GPS, RS, GIS) để quản lý tài nguyên thiên nhiên Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang. Đề tài đã xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ địa không gian để phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng và khai thác khoáng sản trái phép để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan quản lý nhằm có giải pháp xử lý kịp thời.
 
Đặc biệt, Đề tài KHCN cấp tỉnh “Thực nghiệm các giải pháp phòng chống cháy rừng trên địa bàn VQG BDNB, tỉnh Lâm Đồng” được thực hiện bởi ông Lê Văn Hương – Giám đốc VQG, là kết quả kết tinh từ những trăn trở của ông đối với việc bảo vệ tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng. Bằng phương pháp sinh thái thực nghiệm, đề tài đã thực hiện thực nghiệm trên các kiểu rừng dễ cháy với các kiểu lập địa khác nhau. Kết quả ghi nhận 89 loài thực vật tham gia vào quá trình cháy, trong đó có 18 loài thực vật rất dễ bắt cháy khi gặp nguồn nhiệt dẫn đến cháy rừng. Kết quả phân tích các mối tương quan về vật liệu cháy đã thiết lập được các mô hình toán học. Trên cơ sở kết quả của các nghiên cứu đạt được, đề tài thiết lập ra bảng phân loại mức độ cháy theo khối lượng vật liệu cháy và hệ số khả năng bắt cháy K. Đồng thời bổ sung vào quy trình kiểm soát cháy rừng đối với rừng thông ba lá Lâm Đồng và đề xuất các giải pháp phòng chống cháy rừng đối với VQG BDNB. Kết quả nghiên cứu của đề tài không những được hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá cao mà còn được đăng trên Tạp chí Lửa rừng ở Mỹ (International Forest Fine News (IFFN) No. 36 (January-July 2007, 76-86).
 
Hợp tác nghiên cứu là trọng tâm trong chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học tại VQG BDNB. Đến nay, Vườn đã có hợp tác nghiên cứu sâu rộng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
 
Hợp tác với các tổ chức trong nước, Vườn đã hợp tác với Viện Sinh thái học miền Nam thành lập ô định vị tại với diện tích 25 ha theo tiêu chuẩn của Trung tâm Nghiên cứu Rừng nhiệt đới Hoa Kỳ. Đây là ô định vị có diện tích lớn đầu tiên tại Đông Dương nhằm cung cấp các dữ liệu nghiên cứu cơ bản và lâu dài trong các lĩnh vực ĐDSH, sinh thái rừng. Từ đó, phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH, quản lý và phục hồi rừng, tác động của biến đổi khí hậu lên tính ĐDSH và chức năng của hệ sinh thái rừng tự nhiên… Hợp tác thực hiện đề tài KHCN cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp bảo tồn cảnh quan đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang”. Đề tài đã xây dựng các cơ chế/đề xuất các khuyến nghị về chính sách nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn thiên nhiên và văn hóa tại Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang thông qua sự kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học và không gian văn hóa.
 
Hợp tác với Trung tâm nhiệt đới Việt Nga tiến hành khảo sát địa chất, địa mạo và các đặc trưng ĐDSH với những nghiên cứu bài bản do các nhà khoa học của Nga và Việt Nam thực hiện để xuất bản ấn phẩm “Đa dạng sinh học tại VQG BDNB”.
 
Hợp tác với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện Đề tài “Phân lập và chọn lọc vi sinh vật sinh enzyme ngoại bào từ một số khu vực của VQG BDNB để xây dựng phương pháp bảo tồn lưu giữ nguồn sinh vật phục vụ cho các ứng dụng trong phát triển các chế phẩm phục vụ phát triển nông lâm nghiệp bền vững”. Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao cả về tính ứng dụng, tính khoa học và khả năng nhân rộng.
 
Bên cạnh đó, hàng năm, có hàng ngàn sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu của các trường đại học trong nước đã đến nghiên cứu về các đặc trưng ĐDSH của Vườn. Kết quả nghiên cứu càng khẳng định giá trị quan trọng, độc đáo của hệ sinh thái nơi đây. 
 
Về hợp tác với các tổ chức ngoài nước, Vườn có lịch sử hợp tác hơn 10 năm với Đại học Columbia, Hoa Kỳ trong nghiên cứu vòng năm một số loài cây lá kim để ứng dụng trong lâm nghiệp, sinh thái học và nghiên cứu biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ hợp tác này đã xác định tuổi của nhiều cây rừng tại VQG, trong đó có cây Pơ-mu cổ thụ hơn 1.300 năm tuổi. Ngoài ra, hai bên cũng thành lập phòng nghiên cứu vòng năm tại VQG BDNB và nghiên cứu tại một số nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hiện nay, Vườn cũng đã và đang có biên bản ghi nhớ hợp tác với gần 20 viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn thế giới như: Hoa Kỳ (Trường Đại học Wisconsin Madison, Viện Toán học Mahatan); Pháp (Vườn Thực vật Brest); Đức (Trường Đại học Trier, Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz); Canada (Đại học Laval); Hà Lan (Bio Ditection BV), Úc (Vườn Thực vật Hoàng gia Úc); Nhật Bản (Đại học Tokyo, Đại học Kuysu); Singapore (Vườn Thực vật quốc gia Singapore); Đài Loan (Trung tâm Bảo tồn thực vật Cecilia Koo). Thông qua các chương trình hợp tác, không những đã góp phần đánh giá hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, xây dựng chiến lược bảo tồn, phát triển bền vững, mà còn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho VQG.
 
Đánh giá công tác nghiên cứu khoa học đã cho thấy có những bước tiến vượt bậc. Số lượng và chất lượng cán bộ không ngừng được nâng cao, các công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện thường xuyên và có chất lượng. Trong giai đoạn 10 năm qua, đã có hơn 20 bài báo quốc tế được công bố từ VQG BDNB với sự tham gia của các cán bộ Vườn. Các nghiên cứu đã ghi nhận thêm gần 500 loài thực vật bậc cao có mạch (từ 1.468 loài lên 1.946 loài). 
 
C_c__o_n_HS_SV_tham_quan__VQG_Bi_doup
N_i_B
nh_T_D_H_DSCN1965.jpg" alt="Các đoàn học sinh, sinh viên tham quan VQG Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Thanh Dương Hồng">
Các đoàn học sinh, sinh viên tham quan VQG Bidoup – Núi Bà. Ảnh: Thanh Dương Hồng
 
MỘT ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI LÝ TƯỞNG 
 
VQG BDNB sở hữu khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan, tài nguyên tự nhiên – đa dạng sinh học phong phú là tiền đề cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái như leo núi, khám phá thiên nhiên, chèo thuyền, xe đạp mạo hiểm… Đặc biệt vị trí nằm giữa 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước là Đà Lạt và Nha Trang, là điều kiện tự nhiên vô cùng lợi thế cho việc thu hút du khách. Mặt khác, Vườn cũng là nơi quần cư lâu đời chủ yếu của người dân tộc bản địa với đặc trưng văn hóa độc đáo, đặc sắc tạo nên những điểm đến thú vị. 
 
Hiện nay, các tộc người Cil và Lạch vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống được du khách trong và ngoài nước rất quan tâm. Đây chính là các tài nguyên nhân văn quan trọng cần được bảo tồn và đưa vào khai thác hợp lý để tạo ra ưu thế so sánh với các điểm du lịch khác trong cả nước và khu vực. Đồng thời, để phát triển bền vững du lịch sinh thái thì không thể tách rời với nhiệm vụ bảo vệ rừng và nâng cao đời sống/nhận thức cho người dân. Xác định điều đó, hàng năm, Vườn đã bố trí kinh phí khoảng 35 tỷ đồng từ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng để giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho người dân sống trong và xung quanh VQG. Đồng thời, các chương trình giáo dục môi trường và tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác QLBVR cũng đã tạo ra các chuyển biến tích cực về nhận thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng sống gần rừng. Mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được thực hiện tại Vườn trong thời gian qua đã cho thấy ưu điểm trong việc phát huy lợi thế của địa phương để tạo công ăn việc làm cho người bản địa, cải thiện sinh kế và giảm áp lực vào rừng. Người dân gắn bó với rừng là giải pháp hiệu quả để quản lý rừng bền vững tại VQG. Thêm vào đó, các di tích lịch sử và các công trình kiến trúc hiện được bảo tồn tại thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận cũng là những sản phẩm du lịch đặc thù có thể liên kết khai thác cùng với các tour du lịch tham quan VQG BDNB. 
 
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của Vườn, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho VQG BDNB”, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ xây dựng Trung tâm du khách và 3 tuyến du lịch sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế tại Vườn. Đồng thời đã thu thập các câu chuyện và văn hóa sử dụng rừng của cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng nên các bài diễn giải môi trường để thu hút khách. Bên cạnh đó, JICA và tổ chức WWF cũng đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về tiếng Anh, kỹ năng hướng dẫn du lịch, kỹ năng cứu thương, nấu ăn… cho cộng đồng để tham gia vào các hoạt động du lịch của đơn vị. VQG hiện đã xây dựng và đang hoàn thiện Vườn thực vật (Botanic Garden) để tạo thêm sản phẩm du lịch mới thu hút khách tham quan.
 
Thành phố Đà Lạt đang chuyển động trở thành điểm đến hấp dẫn và bổ ích của Việt Nam, của khu vực Đông Nam Á đối với du khách bốn phương. Làm nên điều đó không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của VQG BDNB – vùng lõi của KDTSQ thế giới Langbiang, Vườn Di sản của ASEAN. Với tầm nhìn chiến lược trong phát triển du lịch bền vững của UBND tỉnh Lâm Đồng, với lòng yêu mến đối với “viên ngọc xanh” quý báu của nhân loại, VQG BDNB sẽ không ngừng được phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững, góp phần tạo thêm động lực phát triển mới cho ngành du lịch của Lâm Đồng.
Nguồn: Báo Lâm Đồng