VƯỜN QUỐC GIA BIDOUP – NÚI BÀ Trung tâm đa dạng sinh học của Ðông Nam Á

Ðánh giá này được chia sẻ từ nhiều nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam tại Hội thảo “Nghiên cứu đa dạng thực vật và hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (gọi tắt là Vườn) và các khu vực lân cận – Các phương pháp tiếp cận hiện đại” diễn ra tại Ðà Lạt. 
 
Ba bên ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: M.Đạo
Ba bên ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: M.Đạo
GS Tetsukazu Yahara – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật châu Á, Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản kết luận: “Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà là một trong những khu rừng thú vị nhất ở châu Á về tính đa dạng loài, có nhiều mẫu rừng phong phú”. Theo ThS Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn, từ năm 1932 lâm phần này đã được thành lập là Khu bảo tồn Lang Biang. Còn Vườn hiện nay được thành lập năm 2014 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 70.038 ha; trong đó, diện tích có rừng chiếm hơn 91%. So với các VQG ở Việt Nam, giá trị của Vườn là kéo dài liền mảnh với 300.000 ha nhờ liên kết với các VQG và khu bảo tồn xung quanh. Tính đa dạng hệ sinh thái của Vườn là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình 20.850 ha; rừng kín hỗn giao cây lá rộng – lá kim 14.038 ha; rừng thưa cây lá kim á nhiệt đới 20.614 ha; rừng lùn đỉnh núi 402 ha; rừng rêu và kiểu sinh thái khác. Hiện đã ghi nhận 1.945 loài thực vật có mạch thuộc 180 họ; trong đó, 91 loài đặc hữu, 205 loài quý hiếm, bị đe dọa có tên trong Sách đỏ hoặc Danh lục đỏ. Có 111 loài động vật có vú thuộc 28 họ; trong đó, 88 loài quý hiếm, bị đe dọa có tên trong Sách đỏ hoặc Danh lục đỏ; 301 loài bò sát và 78 loài lưỡng cư…
 
Qua kết quả khảo sát đa dạng thực vật tại Vườn và khu vực lân cận, TS Shuichiro Tagane (Đại học Kagoshima) cho biết, ông đã lấy gần 10.000 mẫu ở Việt Nam, trong đó 2.764 mẫu của Vườn để mang về Nhật Bản nghiên cứu. Kết quả, mức độ ĐDSH rất cao. Bidoup – Núi Bà là khu vực quan trọng của Đông Nam Á. Ông thu thập được 3 loài mới ở đây và đang tiếp tục mô tả. Còn GS Yahara cho biết, đã thu thập tại Vườn 2.558 mẫu, tuy chủ yếu là lá chưa có hoa và quả nhưng đã khẳng định được tính đa đạng và sẽ là hướng nghiên cứu mở ra phương pháp hiệu quả xác định các loài (gen, dữ liệu,…). GS cũng tìm được loài mới của Vườn mà các khu vực khác không có. Hầu hết các loài chỉ thấy một lần, một số chỉ thấy dưới 10 cá thể. Riêng loài Dẻ, GS và nhóm cộng sự phát hiện ở Bidoup-Núi Bà có 50 loài mới/200 loài ở Việt Nam. Áp dụng phương pháp nghiên cứu mới của GS Yoshihisa Suyama và các GS Nhật Bản, TS Nguyễn Văn Ngọc và Hoàng Thị Bình (Đại học Đà Lạt) đã công bố sự đa dạng của loài Dẻ ở Việt Nam nói chung, vùng Lâm Đồng và đặc biệt là Bidoup – Núi Bà nói riêng. Cụ thể, thế giới có khoảng 1.000 loài Dẻ với 9 chi, riêng Việt Nam có 250 loài 6 chi và Lâm Đồng đã có đến 5 chi. Lâm Đồng là khu vực tập trung lớn nhất Đông Nam Á về Dẻ, với 74 loài đã định danh và 20 loài chưa định danh được; trong đó, có gần 40% loài mới…
 
Nhiều cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu khác nhau, các GS, TS khác của Nhật Bản và Việt Nam tiếp tục khẳng định tính đa dạng của thực vật tại Bidoup-Núi Bà và vùng lân cận. GS Kaoru Kitajima (Đại học Kyoto) khẳng định: “Khí hậu liên quan quan trọng đối với ĐDSH. Bidoup – Núi Bà không chỉ đa dạng của vùng mà có thể của cả thế giới, ngay cả vùng Amazon”. Tuy nhiên, hiện không ít khó khăn, thách thức đối với ĐDSH. Giám đốc Lê Văn Hương cho biết: Việc mất và suy thoái ĐDSH do nhiều nguyên nhân như: khai thác trái phép, lấn chiếm mở rộng đất canh tác, săn bắt, phát triển cơ sở hạ tầng, cháy rừng, khai thác quá mức lâm sản ngoài gỗ. Đó còn là cơ sở dữ liệu ĐDSH chưa đầy đủ; thiếu nguồn lực cho công tác bảo tồn…
 
Với tính chất đặc biệt ĐDSH và giá trị của vùng sinh thái cùng những khó khăn mà Bidoup – Núi Bà đang đối diện, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp. Ông Hương cam kết luôn mở cửa đón sự hợp tác nghiên cứu chặt chẽ với các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cùng nhau bảo tồn song hành với phát triển như 9 chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt. Năm năm qua, Vườn nổi lên như là trung tâm nghiên cứu rừng nhiệt đới của khu vực, là tiền đề và sự khẳng định đang đi đúng hướng. Nhiều vấn đề các nhà khoa học đặt ra như: xây dựng trung tâm dữ liệu lưu trữ loài; quan trắc và nghiên cứu khí hậu tác động qua lại giữa sinh thái và khí hậu để từ đó xây dựng những mô hình giả lập kiểm soát được thực vật; ứng dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện đại để nghiên cứu thực vật một cách tổng thể; công bố tập sách về hoa và quả để phục vụ công tác bảo tồn .v.v… Trong khuôn khổ hội thảo, các trường Đại học Nhật Bản và Đại học Đà Lạt, VQG Bidoup – Núi Bà đã ký kết Biên bản ghi nhớ về nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ nhân lực, nguồn lực tài chính… Ngay sau khi ký kết, phía Nhật Bản đã tài trợ lắp đặt một trạm quan trắc tại Vườn để thu thập, theo dõi những biến đổi khí hậu… Hy vọng, VQG Bidoup – Núi Bà là trung tâm nghiên cứu thực vật lớn của châu Á như kỳ vọng của các nhà khoa học.
 
MINH ÐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng