Vườn quốc gia Bidoup núi bà một chặng đường hình thành và phát triển

Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Đa Nhim và Langbian được thành lập từ 1986 thành Ban quản lý Rừng đặc dụng Bidoup – Núi Bà vào năm 1993 sau đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup Núi Bà (2002) và thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà theo Quyết định số 1240/QÐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Thủ Tướng Chính phủ về việc “Chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup-Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà”.

Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà nằm trên địa bàn hành chính Huyện Lạc Dương và một phần Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng với diện tích 63.938 ha vùng lõi (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 33.582 ha; Phân khu phục hồi sinh thái: 22.854 ha; Phân khu dịch vụ, hành chính: 7.502 ha) và 33.966 ha vùng đệm. Được các nhà khoa học đánh giá là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới của Việt Nam đặc trưng cho vùng cao nguyên, là một địa điểm lý tưởng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen. Có nhiều loài đặc hữu của vùng bán đảo Đông Dương và Việt Nam trong đó có một số loài đặc hữu hẹp của Lâm Đồng
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà thực hiện 9 chương trình hoạt động được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với kết quả như sau:

1/ Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tổ chức học tập Luật bảo vệ và phát triển rừng cho hơn 6.000 lượt người. Mở 2 lớp thực thi pháp luật cho 60 kiểm lâm viên. Hàng tháng tham gia họp giao ban với chính quyền Xã và tham gia các buổi họp thôn. Phối hợp với địa phương và các đơn vị chủ rừng lân cận đã phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm với kết quả: 133 vụ lấn chiếm đất rừng (43,3ha); 33 vụ tái lấn chiếm đất rừng (7,1ha); 9 vụ làm nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, 34 vụ khai thác gỗ (tịch thu trên 62,7m3); 13 vụ khai thác lâm sản phụ; 8 vụ khai thác khoáng sản và 30 vụ săn bắt động vật rừng.
Tổng diện tích giao khoán QLBVR hàng năm của Vườn là : 32.418,24ha cho  999 hộ và 5 đơn vị tập thể bao gồm: Kế hoạch Tỉnh: 1.252ha, Dự án 661: 16.355ha. QĐ 304/TTg là 1.826,4ha; chi trả dịch vụ môi trường rừng 12.984,84ha.
2/  Chương trình Phòng chống cháy rừng:
Vườn đã triển khai và thực hiện tốt phương án PCCC rừng mùa khô hàng năm thông qua các hoạt động phổ biến những quy định về công tác PCCC rừng cho trên 5.000 lượt người tham gia, hợp đồng tổ đội trực PCCCR, làm lán canh lửa, hợp đồng khoán phòng cháy bảo vệ rừng luôn đạt 95 – 100% kế hoạch được giao.
3/ Chương trình phục hồi sinh thái:
Trồng và chăm sóc 58,0ha rừng trồng, nuôi dưỡng 696ha rừng trồng giai đoạn II, tỉa thưa 50,8ha nuôi dưỡng rừng trồng.                 
4/ Chương trình Nghiên cứu khoa học:
Thực hiện 3 đề tài khoa học: Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây lá kim bản địa quý hiếm; Điều tra, đánh giá phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng và Thực nghiệm các giải pháp phòng chống cháy rừng trên địa bàn Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tỉnh Lâm Đồng.
Hợp tác với các trường Đại học Khoa học Tự Nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên và các Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, Viện sinh thái nhiệt đới, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga trong công tác nghiên cứu, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn.
5/ Chương trình tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên:
Tổ chức tập huấn bảo tồn đa dạng sinh học cho 100% cán bộ công chức của Vườn; tham quan các VQG trong nước. Tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng và học sinh địa phương. In và phát hàng ngàn tài liệu bướm, tờ rơi cho nhân dân.
Thông qua các kỳ Festival hoa Đà Lạt và xây dựng Website để giới thiệu Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà.
6/  Chương trình hợp tác quốc tế:
Một số dự án tại VQG Bidoup-Núi Bà đã mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo tồn và nâng cao nhận thức bảo tồn. Cụ thể là:
Tham gia dự án Thí điểm hành lang đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng do ADB tài trợ đã đầu tư hàng trăm con bò, heo và trên 15.000 cây cà phê cho nhân dân xã Đa Chais, Đa Nhim; nuôi dưỡng 6,0ha rừng dẻ tự nhiên và 35,0ha rừng thông trồng.
Dự án do Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) tài trợ đã thực hiện xong giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nhằm nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ Vườn quốc gia.
Vườn quốc gia là một trong 6 đơn vị chủ rừng tại Lâm Đồng tham gia dự án “Thí điểm phương pháp quản lý rừng đa mục đích tỉnh Lâm Đồng” do Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF) tài trợ.
Phối hợp với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Đồng quản lý rừng và động vật hoang dã VQG Bidoup – Núi Bà”.
Ký kết và thực hiện dự án Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Ký Biên bản ghi nhớ với Đài thiên văn địa cầu Lamont-Doherty, Đại học Columbia, Mỹ về việc ”Xây dựng Trung tâm nghiên cứu quốc tế các hệ sinh thái rừng nhiệt đới vùng cao tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà”.
Cử 13 lượt người tham gia tập huấn, hội thảo quốc tế tại Mỹ, Nhật, Thái Lan, Philipin, Cam phu chia…
7/  Chương trình phát triển du lịch sinh thái:
Đang xin chủ trương thành lập Trung tâm du lịch sinh thái VQG Bidoup – Núi Bà và phối hợp cùng các dự án FLITCH, JICA để xây dựng dự án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2009 – 2020 VQG Bidoup – Núi Bà.
8/ Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn vùng đệm:
Xây dựng dự án đầu tư phát triển vùng đệm giai đoạn 2009 – 2012.
9/ Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuât:
Xây dựng được 7 trạm kiểm lâm, 2 chốt QLBVR. Lập quy hoạch khu hành chính dịch vụ và khởi công xây dựng đường điện trung thế & hệ thống cấp thoát nước giai đoạn 1 cho khu hành chính – dịch vụ. Tiến hành xây dựng 1.132m2 văn phòng làm việc, 5 nhà công vụ và xúc tiến dự án đầu tư đường giao thông cấp V có chiều dài 6,0km nối từ đường DT 723 vào khu hành chính – dịch vụ.
Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường phục vụ tuần tra, phòng chống cháy rừng với tổng chiều dài gần 42km gồm:  Tuyến đường DT 723 – Liêng Ka 28,0km. Tuyến trạm Bidoup – Đamong 9,5km. Tuyến đường DT 723 – Đưng Ja Riêng 4,5km.
Trang bị 03 ô tô, nhiều xe mô tô, máy vi tính, máy định vị, máy ânh và công cụ hỗ trợ đảm bảo phục vụ công tác quản lý điều hành của đơn vị.
Biên chế hiện tại là 100 người bao gồm khối sự nghiệp 30 người, khối hành chính 70 người  (có 09 người dân tộc ít người). Trong đó có 3 thạc sĩ, 38 Đại học và 59 Trung cấp kiểm lâm khác. Cử 1 thạc sĩ đi đào tạo tiến sĩ, 5 đại học đi đào tạo thạc sĩ, 9 trung cấp đi học đại học; 100% công chức- viên chức hàng năm được đào tạo thêm về chuyên môn và nghiệp vụ. Cử 5 cán bộ chủ chốt đi học cao cấp lý luận chính trị, kết nạp 8 đảng viên mới.
Sau 5 năm hoạt động theo quy chế quản lý Vườn quốc gia, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ Trung ương, các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng bước đầu đơn vị đã tổ chức thực hiện có hiệu quả 9 chương trình của Chính phủ và hoàn thành các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, phát triển rừng và bảo vệ màu xanh của đất nước

Theo: Tôn thất Minh