Kết quả bước đầu nghiên cứu đặc điểm sinh học của loài thông hai lá dẹt(p.krempfii) tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà

Tây nguyên nói chung và cao nguyên Lâm Viên nói riêng được đánh giá là vùng đa dạng về các loài Thông thứ hai của Việt Nam ( Nguyễn Tiến Hiệp và cộng sự – 2005).  Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà với tổng diện tích lâm phần được giao quản lý là 64.800ha. Vườn Quốc Bidoup – Núi Bà đuợc đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với nhiều hệ sinh thái rừng khác nhau, là nơi tập trung hầu hết các loài cây lá kim hiện có tại Việt Nam,

trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế, văn hoá, khoa học cao như Bách Xanh, Thông đỏ, Pơ mu,… hoặc có tính chất đặc hữu hẹp, chỉ có ở vùng Nam Tây nguyên Việt Nam như Thông hai lá dẹt, thông năm lá Đà Lạt. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Bidup – Núi Bà là nơi chứa đựng một diện tích rất lớn rừng gần như nguyên sinh được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm.

Trong năm 2007, Phòng Kỹ thuật & NCKH – VQG Bidoup – Núi Bà phối hợp với các các phòng ban khác đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh học của loài thông hai lá dẹt (Pinus krempfii) tại lâm phần thuộc quyền quản lý của VQG Bidoup – Núi Bà từ nguồn vốn: Ngân sách trung ương hỗ trợ theo mục tiêu.

1. MỤC TIÊU – NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Mục tiêu:

– Xác định các đặc điểm về phân bố quần thể, một số đặc tính sinh thái  của các loài cây Thông lá dẹt trong lâm phần quản lý của Vườn Quốc Gia Bidoup-Núi Bà;

– Đề xuất các biện pháp kỹ thuật gây trồng và các giải pháp góp phần phát triển một chiến lược bảo tồn hiệu quả nguồn gien các loài trên.

Nội Dung nghiên cứu:

* Nghiên cứu về phân bố và đặc điểm sinh thái:

– Tình hình phân bố quần thể các loài cây nghiên cứu tại Vườn Quốc Gia Bidoup – Núi Bà.

– Cấu trúc tầng thứ của các loài Thông lá dẹt.

– Cấu trúc tổ thành và quan hệ giữa các loài nghiên cứu với các loài trong lâm phần và theo các tầng thứ trong lâm phần.

– Phân bố trên mặt bằng của lâm phần và các loài nghiên cứu

– Khả năng tái sinh tự nhiên.

* Nghiên cứu về các đặc điểm cấu trúc:

– Cấu trúc thế hệ biểu diễn thông qua cấu trúc N/D với cấp kính  10cm. Mô phỏng cấu trúc N/D theo một dạng phân bố lý thuyết thích hợp và kiểm tra bằng tiêu chuẩn χ2

Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng:

  1. 1. Nghiên cứu về các đặc điểm sinh thái:

–       Điều tra thu thập thông tin, số liệu về tình hình phân bố của các lòai nghiên cứu trong khu vực quản lý của Vườn Quốc Gia.

–       Lập các tuyến điều tra song song trên các khu vực qua điều tra thu thập số liệu để phát hiện sự xuất hiện của các lòai nghiên cứu trong lâm phần quản lý của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.

–       Xác định tình hình phân bố quần thể của ba loài nghiên cứu, trên các tuyến, cứ 200m tiến hành các khảo sát ra 4 bên, bán kính khảo sát khoảng 50m.
+ Khoanh vẽ diện tích của quần thể, xác định số lượng cá thể trong quần thể. Đặt ô tiêu chuẩn điển hình 2.500 m2 trong vùng diện tích phân bố của quần thể (tỉ lệ rút mẫu > 2%). Trong ÔTC tiến hành xác định các cấu trúc của loài cây nghiên cứu, xác định các loài cây cùng tầng thứ với loài nghiên cứu để tính toán mối quan hệ giữa các loài này với loài nghiên cứu.

+  Trong mỗi ÔTC tiến hành đặt 5 ô dạng bản 4 m2 (2m x 2m) ở giữa và 4 góc để điều tra tái sinh. Chỉ đo đếm, đánh giá các cây tái sinh của các loài nghiên cứu có 0,5 m ≤ H ≤ 2m, đánh giá phẩm chất tốt, trung bình, xấu làm cơ sở xác định cây tái sinh triển vọng, thống kê theo ha.

+ Tiến hành điều tra phẫu diện đất trong các ÔTC bằng cách đào 01 phẫu diện điển hình trong ÔTC có cây tái sinh và cây trưởng thành của các loài nghiên cứu mọc tương đối tập trung và nhiều. Tiến hành mô tả các phẫu diện (loại đất, độ dày, tỉ lệ đá lẫn). Lấy mẫu đất 03 tầng: từ 0-30cm, 30-60cm và 60-100cm cho phân tích tại phòng thí nghiệm.

+ Tính toán xác định mối quan hệ sinh thái loài giữa loài nghiên cứu với các loài trong lâm phần và cùng tầng thứ bằng Phương pháp thực nghiệm sinh thái học được sử dụng để dự báo cho quan hệ này.

* Phương pháp phân tích số liệu:

Các số liệu thu thập được, được tính toán và xử lý thống kê trên máy tính và các phần mềm thống kê chuyên dùng khác.

2. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Trong năm 2007, chúng tôi chỉ mới tiến hành nghiên cứu tại các khu vực phía đông và đông nam của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tại các khu vực nghiên cứu này chủ yếu có độ cao từ 1.400m trở lên. Vì vậy các kết quả này chỉ có tính chất bước đầu.

Từ các kết quả điều tra thực địa cho thấy thông hai lá dẹt có phân bố ở độ cao từ 1460m trở lên, ở trong kiểu rừng hỗn giao lá và rộng lá kim. Trong qua trình đi thực địa, đã xác định được các vùng phân bố của thông hai lá dẹt với diện tích khá lớn từ 30ha trở lên như khu vực đỉnh Ca Tiên thuộc tiểu khu 127B,  tiểu khu 128 thuộc khu vực Bidoup, các tiểu khu 89, 90 và 91. Tại các tiểu khu này, thông hai lá dẹt thường mọc hỗn giao với các loài Dẻ, Thông năm lá, Bạch tùng, Hồng tùng, Thông tre, Pơ mu, và nhiều loài cây lá rộng khác như các loài cây thuộc họ Re, Hồi…

2.1. Đặc điểm lâm phần có các loài nghiên cứu phân bố:

Đã điều tra được 40 ô tiêu chuẩn, mỗi ô có kích thước 2500m2 (50m x 50m). Nhìn chung các lâm phần điều tra điều có cấu trúc 5 tầng.

Từ các số liệu thu thập được trong quá trình đi điều tra thực địa, qua phân tích, tính toán chúng tôi có được một số kết quả sau:

+ Mật độ trung bình của lâm phần: Ntb = 885cây/ha

+ Đường kính trung bình của lâm phần: D1.3tb = 23.8cm

+ Chiều cao trung bình của lâm phần:  Hvntb = 20.3 m.                                  

2.2. Một số đặc điểm của loài nghiên cứu:

Từ kết quả điều tra, chúng tôi xác định được:

. Mật độ trung bình: Ntb = 12cây/ha;

.Chiều cao vút ngọn trung bình:  Hvntb = 27.9m;

. Đường kính trung bình:  D1.3tb = 70.9cm.

Cấu trúc tổ thành:

Kết quả điều tra đã xác định được 80 loài xuất hiện trong lâm phần. Trong rừng hỗn loài nhiệt đới, các loài cây có IV% > 5 là loài ưu thế của lâm phần (Có ý nghĩa về mặt sinh thái), vì vậy chúng tôi chỉ chọn những loài có IV% >5.

Từ kết điều tra, qua xử lý thống kê, tính toán tổ thành loài chúng tôi đã xác định được cấu trúc tổ thành của lâm phần.

IV% = 8,99 Dẻ + 8,28 Trâm đỏ + 6,71 Tiểu hồi + 5,96 Thông 2 lá dẹt + 5,82 Dẻ xanh + 5,3 Kha thụ Trung Quốc + 58,94 các loài khác.

Từ kết quả chỉ số IV% cho thấy Thông hai lá dẹt được xem là một nhóm loài ưu thế trong sinh thái quần thể.

Quan hệ sinh thái:

Từ các kết quả có được chúng tôi tiến hành kiểm tra quan hệ sinh thái cho từng cặp loài theo tiêu chuẩn ρ và χ2.

Qua kết quả tính toán ở bảng 2 cho thấy Thông hai lá dẹt có quan hệ ngẫu nhiên với loài Trâm đỏ, Tiểu hồi và có quan hệ dương với các loài Dẻ, Dẻ Xanh và Kha thụ Trung Quốc.

+ Mật độ tái sinh trung bình/ha của Thông hai lá dẹt trong lâm phần:

Kết quả điều tra từ 100 ô tái sinh, chúng tôi xác định được mật độ tái sinh trung bình của quần thể Thông hai lá dẹt là: Ntstb = 214 Cây/ha. Điều này cho thấy khả năng tái sinh của Thông hai lá dẹt tương đối tốt. Vấn đề đặt ra là những cây tái sinh này sẽ sinh trưởng và phát triển như thế nào thì cần có những theo dõi tiếp theo.

Cấu trúc thế hệ:

Từ kết quả điều tra, chúng tôi xác định được phân bố N – D1.3 thực nghiệm

D1.3 X

Ntn

D1.3 X

Ntn

15

50

115

10

25

37

125

8

35

51

135

5

45

73

145

10

55

86

155

6

65

70

165

7

75

57

175

1

85

57

195

2

95

31

205

1

105

25

235

1

Qua biểu đồ phân bố số cây theo cấp kính cho thấy số cây tập trung nhiều nhất ở cấp kính từ 45 cm – 85 cm, số cây ở cấp kính 15cm là 50 và giảm xưống còn 37 cây ở cấp kính 35cm trong khi đó theo lý thuyết thì ở cấp kính 15 thì số lượng cá thể trong lâm phần là 120 cây, điều này cho thấy thế kế cận của loài là đang ở mức độ đáng lo ngại nhưng không đến mức nguy cấp như các nhận định trước đây. Ở rừng nhiệt đới nói chung ở cấp kính càng nhỏ thì số lượng cá thể càng cao để đảm bảo sự kế tục của các thế hệ cây rừng và bảo đảm sự ổn định quần thể thực vật rừng theo thời gian.

2.3. Kết quả phân tích mẫu đất:

Trong quá trình điều tra thực địa, chúng tôi đã đào phẫu diện và phân ích mẫu đất, kết quả ở bảng 5, kết quả phân tích cho thấy:

Bảng kết quả phân tích mẫu đất:

Stt

Mẫu đất

Độ sâu (cm)

pHKCl

N%

K2O%

P2O5%

1

01 (TK 127B)

0 – 30

5.3

0.441

0.023

0.026

2

01 (TK 127B)

30 – 60

5.4

0.058

0.037

0.033

3

01 (TK 127B)

60 -100

5.4

0.036

0.008

0.032

4

02(TK 127B)

0 – 30

5.0

0.110

0.092

0.021

5

02(TK 127B)

30 – 60

5.0

0.098

0.493

0.036

6

02(TK 127B)

60 -100

5.1

0.056

0.624

0.013

7

03(TK 128)

0 – 30

4.9

0.385

0.008

0.051

8

03(TK 128)

30 – 60

5.3

0.148

0.027

0.033

9

03(TK 128)

60 -100

5.2

0.085

0.006

0.021

10

04(TK 90)

0 – 30

5.3

0.205

0.021

0.025

11

04(TK 90)

30 – 60

5.1

0.045

0.029

0.030

12

04(TK 90)

60 -100

5.2

0.030

0.013

0.029

13

05 (TK 90)

0 – 30

5.0

0.138

0.150

0.022

14

05 (TK 90)

30 – 60

5.0

0.047

0.327

0.034

15

05 (TK 90)

60 -100

5.1

0.037

0.415

0.051

Thông hai lá dẹt sinh trưởng và phát triển trên các loại đất có độ pHKCl từ 4.9 – 5.4 tức là đất từ chua đến ít chua và có hàm lượng N tổng số từ 0.138 – 0.441 tức là từ nghèo đến giàu đạm và hàm lượng P205 tổng số trong đất nghèo.

3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

3.1. Kết luận:

Từ các kết quả có được, có thể rút ra một số kết luận ban đầu như sau:

Thông hai lá dẹt là loài có phân bố hẹp và mang tính đặt hữu, có giá trị to lớn về khoa học, khả năng tái sinh hạn chế của lòai cần có những nghiên cứu tiếp theo để xác định nguyên nhân.

Có phân bố chủ yếu ở độ cao từ 1460m trở lên trong kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng – cây lá kim, trên đất có độ pH từ 4.9 – 5.4 và hàm lượng N tổng số từ 0.138 – 0.441.

Trong các quần thể tự nhiên của hai loài này thường có 4 – 6 loài ưu thế như Dẻ, Tiểu hồi, Trâm, Cáp mộc.  Hai loài có quan hệ cùng hỗ trợ với các loài Cáp mộc, Trâm đỏ, Tiểu hồi.

3.2.  Kiến nghị và các bước nghiên cứu tiếp theo:

–  Cần có những nghiên cứu sâu hơn về khả năng tái sinh cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của loài cây này để làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo tồn hợp lý.

– Tiếp tục điều tra phân bố quần thể và đo đếm các đặc điểm quần thể, điều tra cấu trúc tổ thành, tái sinh tự nhiên, lấy mẫu đất trong các ÔTC điều tra cho phân tích đất, định vị cây trội trong các ÔTC và tiếp tục theo dõi tình hình vật hậu của 3 lòai cây nghiên cứu.

– Thu quả, tiến hành gieo ươm và giâm hom thực nghiệm các lòai cây nghiên cứu, tiếp tục thu hái quả trên các cây trội đã định vị, gieo ươm chuẩn bị cho xây dựng các mô hình rừng trồng.

Theo: Lê Cảnh Nam