Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định rừng đặc dụng bao gồm: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn thiên nhiên gồm có khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn loài – sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học. Hiện nay tổng số khu rừng đặc dụng là 128, trong đó có 30 Vườn quốc gia, 48 khu dự trữ thiên nhiên, 12 khu bảo tồn loài, 38 khu bảo vệ cảnh quan. Tổng diện tích các khu rừng đặc dụng trên 2 triệu ha và tổng diện tích rừng của cả nước gần 13,4 triệu ha, độ che phủ rừng toàn quốc 39,5 % (tính đến 31/12/2010 theo QĐ số 1828/QĐ-BNN-TCLN, ngày 11/8/2011), tỷ lệ giữa diện tích rừng đặc dụng và diện tích rừng cả nước là 15 % (tiêu chuẩn của thế giới 10 %), tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào chất lượng của rừng, sự phân bố đều trên toàn bộ diện tích tự nhiên và tính đa dạng sinh học mới có thể duy trì bảo tồn rừng.
Hiện nay chúng ta đã thiết lập được hệ thống các khu rừng đặc dụng chung cho toàn quốc, xây dựng các tiêu chí để thành các rừng đặc dụng (Vườn quốc gia, khu bảo tồn,…), các khu rừng đặc dụng được thành lập trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, hầu hết các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng có các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm đã được bảo tồn và nằm trong rừng đặc dụng.
Hệ thống quản lý các rừng đặc dụng này phụ thuộc vào từng loại rừng đặc dụng, như ở cấp Trung ương quản lý 06 Vườn quốc gia, còn lại trực thuộc tỉnh, việc xây dựng và quản lý chúng dựa trên Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; QĐ số 62/2005/QĐ-BNN, ngày 12/10/2005 về việc ban hành tiêu chí phân loại rừng đặc dụng; QĐ số 186/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 về quy chế quản lý rừng; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mới đây là Nghị định số 117/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, đây là nghị định được xây dựng tương đối hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, thể hiện sự thông suốt về tổ chức và quản lý rừng.
Hệ thống các khu rừng đặc dụng đã trở thành những nơi để nghiên cứu khoa học, thực tập, tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn những văn hóa, kiến thực bản địa, bảo tồn đa dạng sinh học,…Tuy nhiên hệ thống tổ chức, quản lý rừng đặc dụng sau một thời gian thực hiện vẫn còn một số những bất cập sau:
Theo luật đa dạng sinh học năm 2008 thì phân cấp khu bảo tồn có 4 dạng sau: Vườn quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài – sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan và không có khu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học. Như vậy giữa Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Luật đa dạng sinh học năm 2008 có sự khác nhau về phân chia và dùng từ, một bên sử dụng “rừng đặc dụng”, bên kia dùng “ Khu bảo tồn”. Trong khi theo Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 thì “Khu bảo tồn” nằm trong rừng đặc dụng và dưới Vườn quốc gia. Do đó tạo ra sự không thống nhất về cách sử dụng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trong bảng phân hạng của IUCN thì khu vực được bảo vệ chia làm 6 hạng, không có khu vực dành cho thực nghiệm khoa học; đối chiếu với phân hạng của Việt Nam tương đương từ I – V, không có phân hạng VI (điều hành để sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường), đối chiếu với các quy định về quản lý rừng đặc dụng thì không có loại rừng đặc dụng nào cho phép khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên thực tế hiện tượng này vẫn thường xuyên xảy ra, người dân vẫn khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong rừng đặc dụng bởi từ lâu người dân sống gắn bó với rừng, coi rừng là nhà. Do đó cần phải sửa đổi và bổ xung trong việc phân hạng rừng đặc dụng cho phù hợp với thực tế nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý rừng tốt.
Hệ thống quản lý các khu rừng đặc dụng chưa có một cơ chế rõ ràng và việc quản lý cũng chưa thông nhất. Cả nước có 30 Vườn quốc gia thì chỉ có 06 Vườn là thuộc Bộ, còn lại trực thuộc UBND tỉnh và sở NN&PTNT tỉnh; còn 98 khu rừng đặc dụng khác do Sở NN&PTNT và Chi cục kiểm lâm quản lý. Chính sự không thống nhất này đã dẫn đến việc quản lý và bảo tồn các khu rừng đặc dụng này không hiệu quả, mỗi nơi có cách làm riêng, phá vỡ kết cấu rừng chung của cả nước, ảnh hưởng đến chất lượng rừng và đa dạng sinh học.
Theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP, ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng thì Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các khu rừng đặc dụng đó hoặc có quyền điều chỉnh, chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng đó. Đứng trên quan điểm bảo tồn và phát triển: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ lập quy hoạch cho các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh là rất khó, bởi lập quy hoạch cho rừng đặc dụng cần phải có kiến thức sâu về bảo tồn, nó khác với quy hoạch sử dụng đất. Việc UBND tỉnh được phê duyệt, điều chỉnh, chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch rừng đặc dụng của cả nước bởi quan điểm bảo tồn chưa được chú trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Không tạo ra hành lang đa dạng sinh học đối với những vùng giáp ranh.
Hiện nay quan điểm về bảo tồn còn nhiều bất cập: Bảo tồn không có nghĩa là bảo vệ và duy trì tự nhiên của loài, quan điểm này bị bó hẹp, sớm muộn loài sẽ bị tuyệt chủng; cần phải có cái nhìn tích cực hơn: Bảo tồn bao gồm bảo vệ, sử dụng hợp lý và sử dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp ví dụ như Pơ mu tái sinh chỉ gặp ở nơi có độ tàn che phù hợp – có ánh sáng (cần phải xúc tiến tái sinh).
Kinh phí phục vụ cho rừng đặc dụng rất thấp, ngân sách có thể rót trực tiếp từ Trung ương hoặc tỉnh nhưng kinh phí này chỉ đủ cho chi phí hoạt động bộ máy ban quản lý hoặc nếu có đầu tư chủ yếu cho xây dựng cơ bản, còn kinh phí dành cho bảo tồn rất ít và chưa được chú ý. Phần lớn các nguồn ngân sách này được cấp theo kế hoạch hàng năm và dựa trên cân đối giữa ngân sách Trung ương và tỉnh, do đó nguồn tài chính này không ổn định ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý bảo tồn rừng đặc dụng.
Một số Vườn quốc gia trực thuộc Bộ thì ngoài ngân sách Trung ương còn được tiếp cận rất dễ các nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế đầu tư; còn Vườn quốc gia, khu bảo tồn thuộc tỉnh phụ thuộc lớn vào tiềm năng kinh tế của tỉnh, nguồn kinh phí được tiếp cận từ các tổ chức quốc tế rất hạn chế, phụ thuộc vào cơ chế quản lý hành chính của tỉnh. Do đó trong hệ thống quản lý rừng đặc dụng bị mất cân đối, có những rừng được đầu tư nhiều và ngược lại, ảnh hưởng không nhỏ đến đa dạng sinh học trong công tác bảo tồn rừng. Một số dự án được đầu tư từ các tổ chức quốc tế chưa thật sự có hiệu quả, chưa tận dụng được các lợi thế và kinh nghiệm có được, do đó ảnh hưởng rất lớn đến các dự án quốc tế sau này.
Hầu hết các Vườn quốc gia, khu bảo tồn chưa có cán bộ được đào tạo chuyên về bảo tồn mà chỉ thông qua các lớp tập huấn ít ngày, do đó kiến thức về bảo tồn còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và bảo tồn rừng
Hiện nay vùng đệm của khu rừng đặc dụng thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương, các ban quản lý rừng đặc dụng chỉ có quyền quản lý trong phạm vi rừng quản lý của mình, trong khi đó việc thành lập vùng đệm rừng đặc dụng là để hỗ trợ cho công tác bảo tồn, quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng, do đó dẫn đến sự không hợp nhất về mặt quản lý và xây dựng kế hoạch phát triển cho vùng. Trong quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng ít được địa phương quan tâm và đưa vào kế hoạch, nghị quyết phát triển chung của địa phương. Khi xây dựng phát triển rừng đặc dụng chưa gắn kết giữa phát triển vùng lõi với vùng đệm, chưa có sự phát triển hài hòa giữa 2 vùng.
Quy mô về diện tích các khu rừng đặc dụng hầu hết giới hạn trong phạm vi hành chính của tỉnh, mà chưa chú trọng đến diện tích vùng sinh thái đặc trưng, diện tích vùng có các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm,… (nghĩa là chưa chú trọng đến việc thành lập khu bảo tồn liên danh giới), chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của loài, của hệ sinh thái. Đối với Vườn quốc gia, khu bảo tồn chưa xác định được rõ khu vực cho bảo tồn và khu vực dành cho phát triển, do đó đã tạo ra sự lúng túng trong quản lý chỗ nào cũng bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt.
Để hệ thống tổ chức quản lý rừng đặc dụng có hiệu quả người viết bài này xin góp ý một số khuyến nghị sau:
(1) Cần nghiên cứu, bổ sung hệ thống phân loại rừng đặc dụng cho phù
hợp với phân hạng của IUCN, phù hợp với phân hạng quốc tế; sử dụng ngôn ngữ và phân chia rừng cho thống nhất giữa Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 và Luật bảo vệ đa dạng sinh học 2008 để thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành các văn bản nhà nước thống nhất trong hệ thống quản lý rừng đặc dụng.
(2) Cần phải có một cơ chế, chính sách quản lý rõ ràng đối với các Vườn
quốc gia, nên tập trung vào một đơn vị quản lý trực tiếp đó là Tổng cục lâm nghiệp. Tổng cục sẽ chỉ đạo việc lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên cả nước và trình Bộ NN & PTNT phê duyệt. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng phải được Thủ tướng quyết định, Tổng cục sẽ điều tiết và phân bổ các nguồn vốn cho các Vườn quốc gia. Thực tế cho thấy những Vườn quốc gia trực thuộc tỉnh quản lý thì những nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế tiếp cận rất ít, quan hệ với các tổ chức này cũng bị hạn chế; Còn lại nên để các khu bảo tồn thuộc Sở NN&PTNT quản lý.
(3) Kinh phí đầu tư cho rừng đặc dụng cần được nâng lên và duy trì, nhất
là những nơi mà ban quản lý rừng đặc dụng chưa có nguồn thu và chưa có điều kiện để phát triển du lịch. Kinh phí đầu tư không những cho cơ sở hạ tầng mà còn đầu tư cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học,…Tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế, thu hút đầu tư dự án, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào công tác bảo tồn. Hiện nay các khu bảo tồn của Việt Nam ít được chú trọng và quan tâm (chủ yếu dành cho các Vườn quốc gia), diện tích rừng các khu này bị xâm hại nghiệm trọng, vốn đầu tư ít,…do đó nếu không thay đổi cách nhìn nhận và quản lý kịp thời thì trong thời gian tới khó có khu bảo tồn nào có thể chuyển hạng thành Vườn quốc gia.
(4) Nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn cho các cán bộ làm công
tác bảo tồn, những cán bộ làm công tác bảo tồn cần phải khuyến khích và nên có cơ chế chính sách ưu tiên.
(5) Cần phải thay đổi quan điểm về bảo tồn theo hướng mở nghĩa là bảo tồn bao gồm: Bảo vệ, sử dụng hợp lý và sử dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp. Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh cần phải thay đổi có thể vẫn cho phép khai thác, sử dụng một số loài không phải là đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm và sử dụng biện pháp lâm sinh phù hợp cho sự phát triển của rừng.
(6) Chính sách quản lý vùng đệm cần phải được quan tâm và thống nhất,
giữa địa phương và ban quản lý rừng, cần phải có sự phối hợp tốt trong quản lý. Đầu tư phát triển vùng lõi cần phải gắn liền với đầu tư phát triển vùng đệm, nếu vùng đệm không được đầu tư tốt thì việc quản lý và bảo vệ rừng ở vùng lõi rất khó khăn.
(7) Để bảo tồn các hệ sinh thái có tầm quan trọng quốc gia; bảo tồn các
loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm thì việc thành lập Vườn quốc gia không chỉ giới hạn quy mô ranh giới hành chính mà phải mang tính liên ranh giới hoặc liên biên giới.
(8) Cần phải rà soát và loại bỏ các khu rừng đặc dụng không còn giá trị
về mặt bảo tồn do quản lý và bảo vệ không hiệu quả. Đối với khu rừng đặc dụng chưa có ban quản lý thì cần phải thành lập ngay, và có thể thành lập hạt kiểm lâm trực thuộc ban quản lý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo quốc gia của Việt Nam về các khu bảo tồn và phát triển, Khu vực hạ lưu sông Mê Kông, 2003.
2. Báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam 2005. Đa dạng sinh học. Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Cao Thị Lý, Trần Mạnh Đạt, Bài giảng Đa dạng sinh học, chương trình hỗ trợ lâm nghiệp xã hội, Hà Nội 2002.
4. Convention on Biological Diversity, section I
5. Đề án về chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020. (Kèm theo Quyết định số 2370/QĐ- BNN-KL ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
6. Đa dạng sinh học, nguồn http://www.nea.gov.vn
7.Góp phần quản lý bền vững vùng cảnh quan Kon Ka Kinh – Kon Chư Răng, Chương trình Birdlife quốc tế tại Việt Nam, Hà Nội 2008.
8. Nguyên lý sinh học bảo tồn, dự án phát triển chương trình giảng dạy quỹ động vật hoang dã thế giới, Trường đại học bang Colorado, quyển 1, năm 1998.
9. Nghị định số 117/2010/NĐ-CP, ngày 24 tháng 12 năm 2010 về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng.
10. Sustainable forest management, Biodiversity and Livelihoods, 2010, IUCN, A good practice guide
11. Thông tư số 78/TT-BNNPTNT, ngày 11/11/2011 Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP, ngày 24 tháng 12 năm 2010 về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng.
(Bài này được đăng trên tạp chí Rừng & Môi Trường của Trung ương hội khoa học kỹ thuật Việt Nam số 43/2011 chuyên đề Môi trường)
Hoàng Đình Quang
( VQG Bidoup – Núi Bà)
Tin liên quan
- Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, dịch hại, bảo vệ và nuôi dưỡng sinh vật có ích cần phải đứng trên quan điểm của sinh thái học.
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
- Chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng Cao su ở Tây Nguyên
- Bảo tồn loài vượn đen má vàng ( Nomascus gabriellae) tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà
- Phát hiện một quần thể lớn thông đỏ (Taxus Wallichiana Zucc.) tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà