Việc phát hiện một trong những quần thể thông đỏ lớn nhất tại Việt Nam cho thấy còn có rất nhiều điều bí ẩn tại Vườn cần được tiếp tục khám phá.
Thông đỏ có tên khoa học là Taxus Wallichiana Zucc., thuộc họ Taxaceae là loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế và khoa học rất cao. Theo các nhà khoa học, lá và vỏ cây thông đỏ có hàm lượng hoạt chất 10 – DB III để sản xuất Taxol, nguyên liệu chính điều chế thuốc chữa trị ung thư như: ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi, xử lý hắc tố… Theo Nguyễn Đức Tố Lưu và Philip Ian Thomat, ở Việt Nam, thông đỏ (Taxus Wallichiana) là loài chỉ mới gặp ở Lâm Đồng với số cây còn lại ước tính chỉ trên 250 cây. Trong sách đỏ Việt Nam 2007, thông đỏ được xếp vào cấp VU – loài sẽ nguy cấp, còn trong nghị định 32/2006/NĐ-CPcủa chính phủ, thông đỏ được xếp vào nhóm IA – nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Xác định giá trị quan trọng và mức độ quý hiếm của thông đỏ trên địa bàn tỉnh, ngày 22 tháng 3 năm 2010 UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 644/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương – dự toán kinh phí điều tra, xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và phát triển cây thông đỏ ở rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chính là xác định vùng phân bố, qui mô, số lượng cá thể thông đỏ trưởng thành và điều tra đánh giá tình trạng tái sinh tự nhiên, tình trạng bảo tồn của các quần thể để xây dựng phương án bảo vệ và phát triển loài.
Là một trong các đơn vị tham gia vào chương trình bảo tồn cây thông đỏ của tỉnh, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát trên lâm phần quản lý của đơn vị. Kết quả sau nhiều đợt khảo sát, mới đây các cán bộ kỹ thuật của Vườn đã phát hiện một quần thể lớn cây thông đỏ tại khu vực xã Đa Nhim thuộc lâm phần quản lý của Vườn. Quần thể này ước tính có hơn 150 cây lớn và khá nhiều cây nhỡ và cây tái sinh với diện tích khoảng 50 ha nằm ở độ cao từ 1400m đến 1600m. Trong đó có cây lớn nhất có chu vi đo tại vị trí cao 1,3 m là 4,6 m. Đoàn nghiên cứu cũng đã thu được nhiều mẫu cành có mang nón cái. Tiếp tục khảo sát khu vực lân cận đoàn nghiên cứu cũng phát hiện thêm khá nhiều cây lớn và cây tái sinh phân bố rải rác xung quanh khu vực. Ngoài quần thể này, trước đó đoàn cũng đã điều tra, khảo sát một quần thể gồm 24 cây lớn tại khu vực xã Lát cũng thuộc lâm phần quản lý của Vườn. Với các kết quả đã thu được, ước tính hiện nay tại Vườn có thể có hơn 200 cây thông đỏ có đường kính gốc lớn hơn 25 cm.
Với diện tích hơn 66.000 ha, là một trong 4 trung tâm ĐDSH của Việt Nam, nằm trong vùng đa dạng thứ hai về cây lá kim của Việt Nam, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà thực sự đang chứa đựng những giá trị ĐDSH to lớn cho nhân loại.
Theo: Phòng KT&NCKH
Tin liên quan
- Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, dịch hại, bảo vệ và nuôi dưỡng sinh vật có ích cần phải đứng trên quan điểm của sinh thái học.
- Những vấn đề quản lý rừng đặc dụng ở Việt Nam
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
- Chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng Cao su ở Tây Nguyên
- Bảo tồn loài vượn đen má vàng ( Nomascus gabriellae) tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà