Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà được thành lập theo quyết định số 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11/2004.
Một trong chín chương trình hoạt động theo quyết định là hợp tác quốc tế. Mặc dù mới được thành lập nhưng Vườn đã tiếp cận, liên hệ với nhiều Tổ chức Quốc tế để tìm nguồn tài trợ cho các dự án và hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi chia sẻ thông tin.
A. Dự án:
I. Các dự án đã và đang được triển khai:
1.1. Dự án tiểu hành lang đa dạng sinh học: do ADB tài trợ cho Sở NN&PTNT Lâm Đồng, triển khai trên địa bàn Vườn quốc gia nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong tiểu vùng sông Mê Kông với mục đích triển khai một dự án hành lang đa dạng sinh học thí điểm và áp dụng những bài học đúc kết cho chương trình hành lang đa dạng sinh học mở rộng ở tiểu vùng sông Mê Kông nhằm phát triển các thông tin khoa học, kinh tế xã hội cần thiết và cải thiện sinh kế cho cộng đồng trên vùng dự án thông qua các họat động sau:
– Họat động đầu tư nông lâm nghiệp: tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt; đầu tư heo, bò và cà phê cho các hộ nghèo.
– Trồng mô hình bảo tồn ngọai vi cây bản địa, chăm sóc rừng để lấy quả và xử lý thực bì xâm hại rừng thông trồng tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.
– Tập huấn bảo vệ rừng & đa dạng sinh học, xây dựng hương ước thôn bản.
– Xây dựng Báo cáo tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.
– Điều tra đa dạng sinh học.
1.2. Dự án “Nâng cao năng lực Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà” giai đoạn 2006-2008 do Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) tài trợ.
– Mục đích: nâng cao năng lực Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà nhằm góp phần bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có và tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn của Vườn Quốc gia.
– Mục tiêu cụ thể: nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ của Vườn; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc lập kế hoạch quản lý để giảm thiểu các hoạt động bất lợi của con người; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị đa dạng sinh học, kinh tế- xã hội của Vườn.
– Họat động:
– Nâng cao năng lực cho Vườn quốc gia thông qua hoạt động xây dựng kế họach tuần tra và tổ chức tuần tra vùng trọng điểm; tập huấn (bảo tồn đa dạng sinh học; điều tra, giám sát đa dạng sinh học; thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng) và tham quan các Vườn quốc gia.
– Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào họat động bảo tồn của Vườn Quốc gia: họp với chính quyền địa phương để xây dựng Quy chế quan hệ công tác (đối với cấp huyện) và Quy chế phối hợp (đối với cấp xã); họp giao ban với UBND xã và tổ chức họp thôn bản. Đồng thời, tổ chức tập huấn Kỹ năng PCCCR cho cộng đồng nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
– Giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng: xây dựng bảng thông tin; thiết kế và in ấn tờ rơi giới thiệu về Vườn Quốc gia, xây dựng phim tài liệu; tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường tại các Trường học; tổ chức các hoạt động tuyên truyền cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân để hạn chế các tác động tiêu cực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn quốc gia.
1.3 Dự án “Thí điểm Phương pháp quản lý rừng đa mục đích tỉnh Lâm Đồng do Quỹ uỷ thác ngành lâm nghiệp tài trợ (TFF) cho Sở NN&PTNT với sự tham gia của 06 đơn vị chủ rừng trong đó có địa bàn Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà với mục tiêu tổng thể là tối đa hoá sự đóng góp của ba loại rừng vào việc xoá đói, giảm nghèo, cung cấp các dịch vụ môi trường; đồng thời cải thiện công tác quản lý rừng có giá trị bảo tồn cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Mục tiêu cụ thể là:
– Giới thiệu mô hình quản lý sử dụng đa mục đích đối với 3 loại rừng của tỉnh Lâm Đồng và nhân rộng ở cấp quốc gia;
– Tăng cường năng lực quy hoạch và quản lý sử dụng rừng đa mục đích, định giá rừng, và quản lý tổng hợp cho Sở NNPTNT, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị quản lý rừng, các xã và huyện trong vùng dự án;
– Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc quy hoạch, phát triển, quản lý và chia sẻ lợi ích đối với các khu rừng phòng hộ và các lâm trường, xác định khả năng tham gia vào quy hoạch, quản lý và chia sẻ lợi ích tại rừng đặc dụng;
– Tổng kết thành tài liệu và phổ biến các phương thức tối ưu trong quản lý sử dụng rừng đa mục đích để khuyến khích nhân rộng cách tiếp cận này và giám sát các hoạt động quy hoạch & quản lý sử dụng rừng đa mục đích.
Dự án này sẽ triển khai trong 03 năm kể từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư lên đến 926.000 Euro.
1.4 Dự án “Đồng quản lý rừng và động vật hoang dã, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà”:
Được tài trợ từ Quĩ sáng kiến Darwin và đề xuất của Quĩ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (IIED) với chu trình dự án là 36 tháng.
– Mục đích:Rút kinh nghiệm chuyên môn có liên quan đến đa dạng sinh học của Vương quốc Anh trong làm việc với các đối tác địa phương ở các nước giàu đa dạng sinh học nhưng thiếu nguồn lực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng và phát triển bền vững các thành phần của chúng; và chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích từ việc sử dụng nguồn tài nguyên gen.
– Mục tiêu: Bảo tồn đa dạng sinh học đang bị đe dọa ở Vườn Quốc Gia Bidoup – Núi Bà thông qua việc giới thiệu các mô hình quản lý rừng và động vật hoang dã hợp tác dựa trên thỏa thuận về quyền tiếp cận.
– Các thành quả dự kiến :
– Thiết lập các khung pháp lý phù hợp (từ cấp làng, xã, huyện và tỉnh) cho công tác quản lý dựa vào cộng đồng.
– Các cộng đồng có đủ năng lực về thể chế để đàm phán, cùng tham gia thực hiện, hưởng lợi và giám sát các thỏa thuận về đồng quản lý.
– Thiết lập khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và các ranh giới sử dụng đất xung quanh; thành lập các nhóm thực thi pháp luật Bảo vệ và phát triển rừng.
– Hình thành một vị thế về kinh tế – xã hội, hoàn tất việc nghiên cứu về tính khả thi về mặt kinh tế; xây dựng và thực hiện một kế hoạch tài chính cộng đồng bền vững.
– Các cộng đồng giám sát việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình và vận dụng sự tăng thêm về kiến thức để quản lý việc tiếp cận các tài nguyên và khu vực vùng lõi.
– Tuyên truyền về những thành công của dự án trên toàn quốc và quốc tế; các bài học để áp dụng lại trên phạm vi rộng hơn và thay đổi về chính sách ở cấp quốc gia và khu vực.
B. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học:
Vườn là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với phần lớn diện tích là rừng nguyên sinh nên có rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến cùng hợp tác nghiên cứu với Vườn quốc gia.
1. Đại học Columbia (Mỹ) và ĐH nông lâm TP. Hồ Chí Minh:
Chương trình hợp tác bắt đầu từ 04/4/2007 đến tháng 7/2009 trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu khoa học tuổi cây rừng”. Nội dung: Nghiên cứu vòng năm một số loài cây lá kim để ứng dụng trong Lâm nghiệp, sinh thái học và nghiên cứu thay đổi khí hậu.
2. Trường đại học Tennessee (Mỹ) và Tasmania (Úc):
Thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sinh lý, sinh thái loài thông hai lá dẹt và các loài cây lá kim”. Kết quả: Thực hiện nghiên cứu sinh lý, sinh thái các loài cây lá kim tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.
Ký kết Biên bản ghi nhớ xây dựng mối quan hệ làm việc giữa Vườn Quốc Gia Bidoup Núi Bà với hai Trường Đại học Tennessee và Tasmania về nghiên cứu, đào tạo; trao đổi và chia sẻ thông tin.
3. Vườn thực vật New York (Mỹ):
Nghiên cứu song mây tại VQG.
4. Bảo tàng Paris, Pháp:
Nghiên cứu thực vật bậc cao có mạch.
5. Đại học Laval, Canada:
Khảo sát kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân vùng đệm.
6. Viện ký sinh trùng Matxcơva và Viện sinh học biển Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga:
Nghiên cứu sự thích nghi và đa dạng sinh học giun tròn ở nhiệt đới và vai trò của các lòai nhiệt đới trong quá trình phát triển, tiến hóa của nhóm động vật này.
7. Trung tâm nhiệt đới Việt Nga
Nghiên cứu tổng thể tài nguyên rừng Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà.
8. Tham gia Hội thảo Quốc tế : tại Hoa Kỳ và CamphuChia
Theo: Phòng KH&HTQT