Hội thảo biến đổi khí hậu lưu vực sông Mê Kông

Hội thảo xoay quanh các nghiên cứu về biến đổi khí hậu Châu Á trong thiên niên kỷ vừa qua nhằm dự báo và định hướng các hoạt động trong tương lai.

 

 

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác PAGES là chương trình quốc tế phi lợi nhuận về “Biến đổi khí hậu toàn cầu trong quá khứ”, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà phối hợp với Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Phòng thí nghiệm vòng năm cây rừng thuộc Đài thiên văn địa cầu  Lamont-Doherty của Đại học Columbia, Mỹ đã tổ chức hội thảo “Biến đổi khí hậu lưu vực sông Mê Kông” từ ngày 16-18 tháng 2 năm 2009. Hội thảo xoay quanh các nghiên cứu về biến đổi khí hậu Châu Á trong thiên niên kỷ vừa qua nhằm dự báo và định hướng các hoạt động trong tương lai.
Một chủ đề quan trọng trong hội thảo là nghiên cứu các động thái mưa vùng gió mùa Châu Á vì nó ảnh hưởng đến 40% sản lượng lương thực loài người bởi lưu vực sông Mê Kông (GMB) được coi là  một trong những hệ thống sông quan trọng bậc nhất trên thế giới. Việc xây dựng các  đập nước gần đây ở vùng thượng nguồn đã trực tiếp tác động tới số lượng và chất lượng nước của các quốc gia mà dòng sông Mê Kông chảy qua như: Mi-an-ma, Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam.
Chủ đề khác của hội thảo là tập trung thảo luận các bằng chứng mới về sự nóng lên của bề mặt đại dương cũng như các hiện tượng khác liên quan đến sự nóng lên toàn cầu của các đợt đại khô hạn Châu Á. Sự tính toán về khô hạn kéo dài trong cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 trùng hợp với suy thoái nền văn minh Ăng Ko. Gần đây các nghiên cứu vòng năm cây rừng trong khu vực cho thấy rằng đại hạn hán xảy ra ở thế kỷ 18  từ Miến Điện đến Việt Nam. Các lõi cây khoan được ở miền Bắc và miền trung Việt Nam có tuổi đời trên 1000 năm tái hiện lại các đợt mưa kéo dài bất thường trong thời kỳ Trung cổ.
Nghiên cứu hang động ở miền Bắc Việt Nam cũng thể hiện các đợt khô hạn kéo dài nhiều thập niên trong 5.000 năm qua. Nghiên cứu trầm tích đại dương vùng gió mùa vùng Đông Á cho thấy diễn biến khí hậu trong kỷ địa chất Holocene. Ngoài ra, nhiều tài liệu khảo cổ học và các hệ sinh thái rừng cũng được trình bày trong hội thảo. Đây là nền tảng cho sự hiểu biết tự nhiên về thay đổi khí hậu trong khu vực có thể được sử dụng để xác nhận các mô hình thí nghiệm.
Trong thời gian qua, chương trình PAGES đã nghiên cứu vòng năm cây từ những vùng núi cao Trung Quốc cho đến vùng rừng mưa nhiệt đới Indonesia và xây dựng mạng lưới nghiên cứu với các nước châu Á tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Bangkok. Công việc nghiên cứu là định vị và khoan những cây hàng ngàn năm tuổi trên các điều kiện địa hình khác nhau đóng vai trò quan trọng và cấp thiết nhằm hiểu rõ về biến đổi khí hậu trong quá khứ để dự báo khí hậu khu vực trong tương lai.

Theo: Tôn thất Minh