Trong định hướng thực hiện giai đoạn hai, dự án SMNR-CV chú trọng vào việc đưa các phương pháp có sự tham gia và mô hình cải tiến vào các quy trình thực hiện thường xuyên của các sở, ban, ngành liên quan, để từ đó các sở, ban, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các nhóm mục tiêu trong vùng dự án triển khai áp dụng trên diện rộng. Nhằm đánh giá được những tác động của dự án trong quá trình thực hiện, trong những chỉ tiêu đánh giá dự án còn bao gồm một chỉ tiêu chung đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động của dự án đó là chỉ tiêu hướng cải thiện sinh kế cho người dân tại một số xã thí điểm được lựa chọn.
Chỉ tiêu chung:
Tỷ lệ nghèo ở các xã thí điểm được dự án hỗ trợ giảm ít nhất 4.5% / năm (đối chiếu theo số liệu của Sở LĐTB&XH, tính theo chuẩn nghèo năm 2006).
Để đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này qua các năm, dự án tiến hành thu thập và phân tích số liệu nghèo đói hàng năm theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB&XH; xem số liệu nghèo đói mới nhất tại các xã điểm của dự án.
Theo kết quả phân tích số liệu đói nghèo ở các xã thí điểm nói trên chiếu theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu chung này và trên cơ sở các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các xã được lập theo phương pháp có sự tham gia, dự án đã xây dựng các chương trình Phát triển cộng đồng ở các xã thí điểm cùng với sự tham gia xác định các hoạt động cụ thể của người dân địa phương tại các xã.
Nhóm mục tiêu thực hiện các chương trình phát triển cộng đồng là các hộ gia đình tái nghèo do các nguyên ngân khác nhau như ốm đau, bệnh tật, tai nạn … Việc xác nhận tình trạng tái nghèo của các hộ do các trưởng thôn tiến hành và chính quyền xã rất mong muốn giúp các hộ gia đình này khắc phục tình trạng đói nghèo. Trên cơ sở thông tin, số liệu do thôn và xã cung cấp, dự án tiến hành đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao thu nhập của các hộ. Việc hỗ trợ các hoạt động theo chương trình phát triển cộng đồng mang tính kích cẩu này chỉ giới hạn đối với một số hoạt động có khả năng mang lại thu nhập trong thời gian ngắn, phù hợp với điều kiện địa phương và khả năng thực hiện của hộ gia đình. Cụ thể, các hoạt động được các hộ lựa chọn bao gồm cung cấp hạt giống trồng rau, củ, quả, trồng đậu lạc và một số cây thương phẩm, nuôi gà, vỗ béo lợn, gia súc và nuôi ong. Tuy nhiên, vì các lý do thực tế của chương trình mỗi xã chỉ lựa chọn lại một số hoạt động được các hộ ưu tiên nhất để thực hiện. Trước khi và trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động được lựa chọn, dự án đều tiến hành hỗ trợ thêm các khóa tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia (các khóa tập huấn được tiến hành theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia; xem thêm thông tin chi tiết về phương pháp ở phần nội dung “Khuyến nông có sự tham gia”).
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, tác động của các chương trình phát triển cộng đồng đối với vấn đề giảm nghèo ở các xã khá khác nhau. Cụ thể như, các xã Đồng Hóa, Đức Hóa và đặc biệt là Kim Hóa được mùa lạc trong năm 2008 và người dân trồng lạc lại được lợi hơn khi giá lạc trên thị trường tăng lên khoảng gấp đôi so với năm trước. Vì thế, thực tế giảm nghèo ở các xã này trong năm qua chỉ có một phần đóng góp rất nhỏ của Dự án SMNR-CV. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Minh Hóa lại tăng nhẹ. Theo xã cho biết, so với các xã xung quanh thì đợt rét kéo dài vào đầu năm 2008 làm ảnh hưởng lớn nhất đến vụ lúa đông và làm chết nhiều trâu, bò trên địa bàn xã Minh Hóa. Vì thế, chương trình phát triển cộng đồng tại xã Minh Hóa đã phần nào đóng góp vào việc giảm thiểu tình trạng tăng tỷ lệ hộ nghèo ở xã này.
Trong năm 2009, dự án SMNR-CV tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển cộng đồng ở các xã trên cơ sở hỗ trợ người dân một số hoạt động tạo thu nhập mang tính ngắn hạn, dựa vào điều kiện cụ thể của mỗi xã và điều kiện thực hiện của mỗi hộ gia đình tham gia.