Công tác phục hồi rừng của Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà

Ban Quản lý rừng đặc dụng Bidoup – Núi Bà được thành lập theo quyết định 1496/QĐ-UBTC ngày 22/10/1993 của UBND Tỉnh Lâm Đồng.

 

 

 

Đến ngày 26/12/2002 theo quyết định số 183/2002/QĐ-UB của UBND Tỉnh Lâm Đồng Ban quản lý rừng đặc dụng Bidoup – Núi Bà đã đưộc chuyển thành Khu Bảo tồn thiên nhiên Bidoup – Núi Bà”. Vào ngày 19/11/2004, theo quyết định 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bidoup – Núi Bà đã được nâng cấp, đổi tên thành Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà.
Từ khi rừng đặc dụng Bidoup – Núi Bà được thành lập (1993) đến nay, ngoài việc bảo tồn các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm và các khu rừng nguyên sinh chưa bị tác động thì việc phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục sự đa dạng sinh học và duy trì chức năng phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu luôn là mối quan tâm của hàng đầu của lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên của đơn vị.
Thông qua các chỉ tiêu kế họach lâm sinh được giao hàng năm từ nguồn vốn của Tỉnh và chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, trên 5.766 ha diện tích đất trống, Vườn QG Bidoup – Núi Bà đã trồng rừng phủ xanh gần 1.500 ha đất trống (loài cây thông 3 lá, trồng từ năm 1996 đến năm 2002). Ngoài ra, trên diện tích này, vào năm 2006 03 ha các loài cây lá kim quý hiếm, bản địa của Vườn Quốc gia là: Bách Xanh (Calocedrus macrolepis) và Pơ mu (Fokienia hodginsii) đã được trồng thử nghiệm nhằm rút ra các kinh nghiệm thực tiễn cho công tác bảo tồn ex situ các loài cây này trong tương lai.
Nhìn chung, số diện tích rừng trồng trên đã khép tán và phát triển rất tốt, được đưa vào kế họach nuôi dưỡng hàng năm nhằm nâng cao chất lượng rừng và giảm các nguồn sâu bệnh cho rừng. Cho đến thời điểm năm 2007, Vườn đã tiến hành nuôi dưỡng gần 600 ha.
Ngoài ra để đẩy nhanh tốc độ phục hồi lại rừng, đơn vị còn tiến hành khoanh nuôi rừng tự nhiên không trồng bổ sung với diện tích 1.680 ha trên diện tích đất trống có cây tái sinh (trạng thái Ib). Qua 06 năm quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng, cây rừng phát triển tốt, sinh cảnh rừng dần được phục hồi (trạng thái IIA, IIB).

Theo: Tin từ Phòng Kỹ thuật và NCKH