Phát hiện một loài thực vật mới ở Khánh Hòa và Lâm Đồng

Trần Giỏi – Nha Trang, Khánh Hòa

Các nhà nghiên cứu thực vật Việt Nam đã phát hiện và công bố một loài thực vật mới cho khoa học. Loài mới được công bố trên tạp chí thực vật học của Phần Lan Annales Botanici Fennici tháng 9/2015. Loài thực vật mới có tên Giang ly kí Billolivia kyi – nhằm vinh danh GS. Lê Văn Ký, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, người đã có nhiều cống hiến và đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư lâm nghiệp cho Miền Nam từ các năm 1955-1991.

Đây là loài cây thân thảo, mọc trên đất mùn đen, chiều cao khoảng 20cm, đường kính gốc 1cm; toàn thân có rất nhiều lông màu nâu dài đến 3mm. Lá đơn mọc cách, cuống dài 8-19cm; phiến lá hình trứng, hoặc ellip hơi bất xứng, đầu tù và đuôi gần hình tim; kích thước 9-16 x 5-9cm; mép lá có răng thô; lá non có màu hơi tím, lá trưởng thành: mặt trên màu xanh lục và có lông thưa, mặt dưới màu nâu có lông dày hơn.

 

Hoa mọc cụm ở nách lá gần sát đất, 2-8 hoa; lá bắc hình trứng có màu xanh lục; đài có 5 thùy dài khoảng 1cm màu nâu tím, nhiều lông ở mặt ngoài; tràng rộng 3cm màu tím, có đốm màu vàng ở giữa, hợp thành ống dài gần 3cm; môi trên chia 2 thùy và môi dưới có 3 thùy, mặt dưới màu trắng hồng; nhị đực đính gần đáy ống tràng, chỉ nhị hơi cong và có lông; bầu hình trứng, dài 5mm, có lông tiết ở phần đỉnh; vòi nhụy dài 13mm và đầy lông tiết.Quả hình ellip, dài 1,5cm có đài tồn tại; hạt hình trứng rộng 0,3mm.

 

ĐẶC ĐIỂM SINH THÁI:
Loài cây chịu bóng, hiện diện dưới tán rừng kín thường xanh nhiệt đới, cao độ từ 1.500-2.000m, thích hợp với khí hậu mát lạnh và mọc trên đất mùn ẩm ven suối. Phân bố rãi rác, đôi khi tập hợp thành từng quần thể nhỏ.
Phạm vi phân bố: đã phát hiện ở các lâm phần thuộc Công ty TNHHMTV Lâm sản (Khánh Hòa) và VQG. Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng). Đề xuất bảo tồn: Đây là loài đặc hữu rất hẹp, có sinh cảnh dọc theo đường 723 nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, và do đó có thể bị tác động do ảnh hưởng của con đường và các hoạt động khai thác rừng. Cần có chương trình thu thập bảo tồn nguồn gen và đồng thời tạo giống nhằm cung cấp loài cây cảnh mới cho thị trường.

 

Giang ly kí Billolivia kyi – Ảnh: Trần Giỏi – Lưu Hồng Trường

Nguồn: Sinh vật rừng Việt Nam