Tê tê – loài thú mà nhiều người thỉnh thoảng vẫn nhầm lẫn với bò sát. Hai trong số ba loài tê tê châu Á được tìm thấy ở Đông Nam Á – tê tê Java (tên khoa học Manis javanica) và tê tê vàng (Manis pentadactyla). Mặc dù hoạt động buôn bán tê tê là dễ nhận thấy nhất trong vùng song các hoạt động buôn bán hổ, ngà voi …vẫn được người ta quan tâm nhiều hơn.
Có cung mới có cầu
Do nhu cầu tiêu thụ các bộ phận cơ thể của tê tê luôn cao nên hoạt động săn bắt và buôn bán loài động vật này diễn ra rộng khắp. Thịt tê tê bị chế biến thành các món đặc sản, da thành đồ thời trang như giầy hay túi xách.
Trong y học cổ truyền của Trung Quốc cũng như nhiều phương pháp chữa bệnh bản địa khác tại Đông Nam Á, người ta cả tin rằng vảy tê tê mang lại sức mạnh kỳ diệu, chữa được nhiều loại bệnh như dị ứng, bệnh ngoài da và bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Thậm chí trong một số nền văn hóa, thảo mộc trộn lẫn với vảy và máu tê tê tạo ra một loại hỗn hợp được sử dụng như một biệt dược và chất kích dục.
Cả ba loài tê tê châu Á được liệt kê trong Phụ lục II của CITES, và ”hạn ngạch 0” được áp đặt đối với tê tê châu Á. “Hạn ngạch 0” đồng nghĩa với việc cấm mọi hoạt động buôn bán quốc tế. Do vậy, buôn bán tê tê châu Á từ năm 2000 là bất hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán bất hợp pháp và không bền vững loài tê tê cũng như nhiều loài khác vẫn tiếp tục.
Do nhu cầu cao tại thị trường nội địa của nhiều nước Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc, tê tê hiện bị săn bắt ráo riết nhất tại bán đảo Malaysia, Sumatra và Borneo. Trước đây, các khu rừng nhiệt đới ở Việt Nam và Lào đáp ứng đa phần nhu cầu từ miền Nam Trung Quốc trước khi mức khai thác cao đẩy chuỗi cung cấp hướng về vùng Đông Nam.
Theo Norma Lim, một nhà nghiên cứu tê tê lâu năm cho biết số lượng tê tê ở Đông Nam Á, đặc biệt là tê tê vàng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ trong vòng từ năm 1996 đến năm 2007 mà số lượng loài này đã giảm đi hơn 50%. Chúng bị vận chuyển qua đường bộ hoặc đường thủy sang các nước lân cận là các quốc gia khác trên thế giới.
Theo số liệu thống kê, trong vòng 10 năm từ 1997 đến 2006 đã có khoảng 30.000 sản phẩm làm từ tê tê bị thu hồi bởi các cơ quan chức năng tại các quốc gia ở Đông Nam Á.
Vào tháng 8 vừa qua cảnh sát Indonesia đã phát hiện và tịch thu một vụ vận chuyển buôn bán tê tê khối lượng lớn tại miền Nam Sumatra. Tang vật là 14 tấn tê tê được bảo quản đông lạnh, đang chờ xuất khẩu. Người ta cũng đã bắt giữ 14 kẻ nghi phạm liên quan. Đây là vụ buôn bán tê tê lớn nhất bị phát hiện ở Indonesia cho đến nay. Các nhà chức trách đang đặt ra nghi vấn về sự liên quan giữa vụ việc này với hai vụ buôn bán tổng khối lượng 23 tấn tê tê đã bị hải quan Việt Nam bắt giữ đầu năm nay, bởi số tê tê đó cũng có nguồn gốc từ Indonesia.
Quản lý yếu kém
Một điều khó khăn trong công tác bảo tồn và duy trì sự sống cho tê tê là vốn kiến thức về loài này, bao gồm đặc tính loài, điều kiện sống và môi trường cư trú của chúng còn nhiều hạn chế. Vì vậy việc xác định chính xác số lượng loài quả là một bài toán hóc búa đối với các nhà nghiên cứ chứ chưa nói đến việc bảo vệ chúng.
Chris R. Shepherd thuộc TRAFFIC Đông Nam Á cho biết: ”Chúng tôi rất lo ngại về số lượng tê tê bị buôn bán. Đây là vấn đề đáng báo động. Khi hoạt động buôn bán tiếp tục tăng, các cơ quan thực thi pháp luật của các nước cần phải kịp thời tăng cường các nỗ lực trấn áp”. Shepherd cho rằng số lượng tê tê bị thu giữ chỉ bằng một phần nhỏ con số thực tế và chính phủ các nước Đông Nam Á chưa ghi nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.
Đầu tháng 07/2008, một cuộc họp cấp cao giữa các chính phủ, các nhà nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã đã diễn ra tại Singapore để bàn về việc bảo vệ loài tê tê ở châu Á. Cuộc họp đã đi đến thống nhất rằng một trong những biện pháp hiệu quả là thúc đẩy việc phát hiện và xử phạt các vụ vận chuyển buôn bán trái phép.
Theo: ThienNhien.Net
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà