Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà xác định hợp tác công – tư là một giải pháp quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển trong giai đoạn mới. Đây là “chìa khóa” để giải quyết những khó khăn về nhân lực, vật lực hiện nay của đơn vị.
VQG Bidoup – Núi Bà có nhiều tiềm năng khai thác du lịch trải nghiệm |
VQG Bidoup – Núi Bà nằm ở phần cao nhất về phía Nam của dãy Trường Sơn, nơi hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Với diện tích gần 70 nghìn ha, ở vị trí trung tâm của vùng rừng tự nhiên nguyên sinh rộng lớn của cao nguyên Lang Biang cùng các yếu tố, lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, VQG Bidoup – Núi Bà được đánh giá là một trong những khu vực có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác bảo tồn các mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia và các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm; đặc biệt là các loài thú lớn của Việt Nam.
Với những giá trị sinh thái, đa dạng sinh học mang tính quốc gia và quốc tế, năm 2015, vườn đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang; năm 2018 được ASEAN công nhận là Vườn di sản của ASEAN. Chính vì vậy, nơi đây được đánh giá cao và có tiềm năng lớn để phát triển các hoạt động tạo nguồn thu nhất là về du lịch sinh thái. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Dân – Phó Giám đốc VQG Bidoup – Núi Bà, hiện nay việc phát triển hoạt động tạo nguồn thu tại VQG Bidoup – Núi Bà vẫn còn hạn chế. Trung bình hàng năm, vườn chỉ thu được khoảng 2 tỷ đồng với gần 10.000 du khách đối với hoạt động du lịch sinh thái.
“Một trong những nguyên nhân chính của hạn chế này là thiếu hụt các nguồn đầu tư để phát triển thương hiệu, hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất; đội ngũ nhân viên vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu trong hoạt động dịch vụ. Do đó, vườn đã xác định hợp tác công – tư là giải pháp trọng tâm phải thực hiện. Thông qua đó, thu hút các nguồn lực bên ngoài tạo được nguồn tài chính bền vững”, ông Phạm Văn Dân cho biết.
Ths. Võ Thị Bích Thùy – Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển sinh kế và khởi nghiệp thuộc Viện Phát triển Du lịch châu Á cho biết: Từ năm 2023, theo thông tin dự báo, định hướng phát triển theo chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đẩy mạnh về phát triển du lịch bền vững. Đây chính là cơ hội để VQG Bidoup – Núi Bà theo xu thế chung phát triển của cả nước nhằm nâng cao và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
“VQG Bidoup – Núi Bà có nhiều cơ hội để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đạt chuẩn OCOP. Vườn có thể kết hợp với địa phương để được kết nối với hệ thống hỗ trợ OCOP theo chương trình mục tiêu quốc gia. Và, khi chuẩn hóa được quy trình quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ và du lịch sinh thái thì đơn vị sẽ định vị được sản phẩm trên thị trường mục tiêu. Từ đó, thúc đẩy và khai thác các tiềm năng phát triển nhãn xanh cho du lịch sinh thái VQG Bidoup – Núi Bà, thu hút được các dự án công – tư”, Ths. Võ Thị Bích Thùy nói.
Để khai thác chuỗi giá trị từ rừng tự nhiên và bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên rừng, đồng thời phát triển kinh tế địa phương cũng như giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, TS. Lê Văn Hương – Tư vấn dự án các hoạt động hợp tác công – tư tại VQG Bidoup – Núi Bà chia sẻ: Các hợp tác cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái giữa các doanh nghiệp lữ hành với Bidoup – Núi Bà để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng nguồn khách là phương án khả thi và phù hợp với các sản phẩm du lịch sinh thái đang hoạt động tại vườn như: tham quan tuyến du lịch; bãi cắm trại; dịch vụ lưu trú; tour xem nấm, xem chim; biểu diễn văn hóa cồng chiêng; dịch vụ diễn giải; vườn thực vật; nhà hàng…
Đặc biệt, vườn định hướng triển khai các hoạt động hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Bidoup – Núi Bà sẽ cung cấp hiện trường và hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đồng thời, xây dựng mạng lưới liên kết các nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm đến bảo tồn. Từ các hoạt động này, vườn sẽ tăng cường phối hợp đề xuất các dự án hỗ trợ phát triển chính thức; liên danh, liên kết đấu thầu các đề tài, dự án khoa học công nghệ liên quan đến bảo tồn cũng như hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và hợp tác hình thành các trung tâm, trạm nghiên cứu hiện trường…
Ngoài ra, xây dựng và vận hành mô hình trường học UNESCO qua mô hình giáo dục vì sự phát triển bền vững; phát triển ứng dụng chuyển đổi số với mục đích đưa tất cả các giá trị của VQG Bidoup – Núi Bà lên môi trường số; hợp tác xây dựng và vận hành hệ thống đóng góp xã hội cho công tác bảo tồn…
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà