Thật thú vị! Tôi may mắn có được “một chiếc vé vớt” tham gia tour trải nghiệm Cổng Trời từ nhạc sĩ Văn Tuấn Anh – ông chủ của Làng Cù Lần vào một ngày đầu xuân mới Quý Mão 2023. Tại “kho báu của thiên nhiên” nơi đây, tôi đã có dịp gặp và chiêm ngưỡng “những sứ giả thời tiền sử”, trong đó ấn tượng nhất là một “sứ giả đặc biệt” có tuổi đời lên đến hơn 1.000 năm đang hiện hữu sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn – Nam Tây Nguyên.
• KHÁM PHÁ THIÊN NHIÊN KỲ THÚ
Cách trung tâm TP Đà Lạt chừng 30 km về phía Tây, bên cung đường Đông Trường Sơn thuộc địa phận Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, xứ sở Cổng Trời được xem là một điểm đến, một tour du lịch – văn hóa bản địa mới lạ, hấp dẫn với nhiều trải nghiệm thú vị. Mới đây, vào một ngày đầu xuân Quý Mão 2023, tôi đã có dịp cùng hơn 100 thầy cô giáo cùng các em học sinh đến từ Trường Tiểu học, THCS & THPT Quốc tế TP Hồ Chí Minh tề tựu tại điểm tập kết từ sáng sớm để tham gia chuyến khám phá Cổng Trời trong tâm trạng háo hức và đầy phấn khích. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số tư trang và vật dụng cần thiết cho một cuộc hành trình xuyên rừng khám phá Cổng Trời cũng đã được chuẩn bị khá tinh tươm. Trước khi cuộc hành trình xuyên rừng khám phá Cổng Trời bắt đầu, trao đổi với tôi về mục đích của việc hình thành tour du lịch – văn hóa bản địa mới lạ và độc đáo, cũng như thông điệp của tour du lịch trải nghiệm dưới tán rừng lần đầu tiên được tổ chức, nữ Giám đốc Điều hành xứ sở Cổng Trời – Văn Ngô Hạ Quỳnh “bật mí”: Xứ sở Cổng Trời thực ra là “cánh tay nối dài” của Làng Cù Lần – “Làng văn hóa mở” giữa đại ngàn Trường Sơn – Nam Tây Nguyên. Tour du lịch trải nghiệm mới lạ này không chỉ hướng người dân, du khách và cộng đồng tới vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường rừng, mà còn tìm hiểu về văn hóa bản địa với những trải nghiệm thực tế khá thú vị, nhất là đối với giới trẻ. Và, thông điệp mà nữ Giám đốc Điều hành xứ sở Cổng Trời muốn gởi gắm, đó là: “Khi du khách đến đây, tất cả những gì mà họ nhận được và mang về đó là những ký ức, kỷ niệm, tấm ảnh và những kiến thức nhận được từ rừng, từ “Mẹ thiên nhiên”…, còn lại thì không mang gì từ rừng ra và cũng không để lại bất cứ những gì ở lại rừng”.
• GẶP “SỨ GIẢ THỜI TIỀN SỬ” HƠN 1.000 NĂM TUỔI!
Thế rồi, việc gì đến cũng đã đến! Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các “tình nguyện viên” là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, một cuộc hành trình xuyên rừng cùng với “Chiếc gậy Trường Sơn” mang theo nhiều kỳ vọng cũng đã được thầy và trò Trường Tiểu học, THCS &THPT Quốc tế TP Hồ Chí Minh thực hiện với một quyết tâm cao. Sau hơn 2 giờ đồng hồ băng rừng theo những con đường mòn đong đầy tiếng chim hót, cuối cùng đoàn chinh phục Cổng Trời cũng đã đến được nơi cần đến. Trước mắt tôi cũng như thầy và trò Trường Tiểu học, THCS &THPT Quốc tế TP Hồ Chí Minh lúc này là một quần thể những cây thông 2 lá dẹt đang ngạo nghễ vươn vai chọc trời. Đặc biệt nhất và ấn tượng nhất đó là sự xuất hiện của một cây thông 2 lá dẹt đại cổ thụ có đường kính gốc khoảng 2 m2, tuổi đời hơn 1.100 năm tuổi – Một biểu tượng cho sức sống bền bỉ đang sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn – Nam Tây Nguyên! Theo nhận định của các nhà khoa học, đây được xem là một trong những “sứ giả thời tiền sử” đặc biệt quý hiếm trong quần thể những cây thông 2 lá dẹt đang hiện hữu tại Cổng Trời. Có thể nói, cùng với màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng nguyên sinh hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim, sự hiện hữu của quần thể thông 2 lá dẹt đã trở thành một kiểu rừng độc đáo nhất Việt Nam, khiến bất cứ ai khi lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến cũng đều không khỏi bất ngờ.
Một điều thú vị nữa đó là ngay bên cạnh “sứ giả đặc biệt quý hiếm” này, đông đảo thầy cô và các em học sinh Trường Tiểu học, THCS &THPT Quốc tế TP Hồ Chí Minh đã được Tiến sĩ Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, một người đầy tâm huyết với rừng giới thiệu khái quát về Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, về thế giới thiên nhiên kỳ thú tại đây với những mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng Quốc gia. Theo đó, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà có khoảng 70.000 ha rừng với muôn loài động thực vật đặc hữu, là 1 trong những vùng chim đặc hữu của thế giới với khoảng 330 loài chim, trong đó có những loài chim quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam, như: khướu đầu đen má xám, mi LangBian, sẻ thông họng vàng… Đặc biệt hơn cả là việc nâng cao nhận thức chung của mọi người thông điệp về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường rừng, bảo vệ đa dạng sinh học nhằm gìn giữ và phát huy giá trị mà rừng mang lại một cách bền vững.
• MỘT BÀI HỌC LỚN VỀ TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN
Quá bất ngờ về những gì đang hiện hữu ngay trước mắt mình, ông Tống Đức Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT Quốc tế TP Hồ Chí Minh, năm nay đã 70 tuổi, cầm trên tay “Chiếc gậy Trường Sơn” (theo như cách nói ví von của ông), bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Cổng Trời – nơi có thể nói là có một “cổ vật” của Quốc gia – Đó chính là cây thông 2 lá dẹt đã 1.100 năm tuổi! Khi lên đến đây, ai cũng đều cảm thấy rất hạnh phúc, bởi lẽ chúng tôi là những người đầu tiên của trường đặt chân đến nơi này. Và có lẽ, cũng rất ít trường cho học sinh đến đây để trải nghiệm môi trường sinh thái đặc biệt như vậy. Tôi năm nay đã 70 tuổi rồi. Lên đến đây nếu như không có chiếc gậy này chắc chắn sẽ không thể lên nổi. Cầm chiếc gậy này tôi lại nghĩ đến các chú bộ đội Trường Sơn năm xưa – Có “Chiếc gậy Trường Sơn” như thế này vô cùng giá trị. Có thể nói, đây là một chuyến đi rất đáng nhớ, rất nhiều ý nghĩa. Ngoài việc phục vụ cho phương châm “Học phải đi đôi với hành”, các em còn được trải nghiệm thực tế, được mở mang kiến thức và có thêm những kỹ năng sống. Đây quả thực là một bài học lớn đối với các em học sinh…”. Còn em Nguyễn Ngọc Thanh Mai – Học sinh lớp 12 Trường Tiểu học, THCS & THPT Quốc tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Em cảm thấy rất tự hào khi đến với “Công viên Quốc gia” này, bởi sự giàu có của thiên nhiên nơi đây. Điều đặc biệt ấn tượng đối với em đó là cây thông 2 lá dẹt đại cổ thụ – Nó như “một nhân chứng”, chứng kiến biết bao sự đổi thay theo năm tháng”. Em Đặng Thanh Toàn – một học sinh lớp 9 của trường cũng không giấu cảm xúc của mình: “Thú thật, em chưa có chuyến trải nghiệm thực tế nào như thế này, phải nói là rất ấn tượng! Được khám phá, trải nghiệm và được chia sẻ, tìm hiểu về thế giới tự nhiên, bao nhiêu sự mệt mỏi của em đều tan biến”.
Một ngày khám phá và trải nghiệm thực tế tại Cổng Trời đối với thầy cô giáo cùng các em học sinh đến từ Trường Tiểu học, THCS & THPT Quốc tế TP Hồ Chí Minh quả thực thật ý nghĩa. Qua chuyến trải nghiệm khá thú vị này không chỉ giúp các em nhận diện, có được sự hiểu biết nhất định về “Kho báu của thiên nhiên” đầy kỳ thú, về “những sứ giả thời tiền sử”, về những giá trị to lớn mà rừng mang lại, mà trên hết đó còn là một bài học lớn: Giáo dục các em về tình yêu đối với thiên nhiên, môi trường rừng; về thế giới tự nhiên, về đa dạng sinh học, về văn hóa bản địa… Từ đó, thông qua các em lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với mọi người, với cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” của sự sống; gìn giữ, bảo tồn văn hóa bản địa trong dòng chảy văn hóa đa bản sắc Nam Tây Nguyên.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).