Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển

(LĐ online) – Trong không khí trang trọng, chiều ngày 15/11, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (19/11/2004 – 19/11/2024). Sự kiện này đánh dấu một chặng đường dài nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm

Đến dự lễ kỷ niệm với các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, nhân viên Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà có các đồng chí: Phạm Triều – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Chúc Quỳnh – Bí thư Huyện uỷ Lạc Dương; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Trung ương, địa phương liên quan, đại diện một số vườn quốc gia và các nhà khoa học.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm

• NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT

Với diện tích gần 70.000 ha, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, sở hữu hệ sinh thái đa dạng và phong phú với hàng ngàn loài thực vật, động vật quý hiếm. Trong suốt 20 năm qua, Vườn đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái.

Đội ngũ cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà dự lễ kỷ niệm

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà được thành lập theo Quyết định số 1240 ngày 19/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup – Núi Bà thành Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, cũng là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang được MAB/UNESCO công nhận tháng 9/2015. Là Vườn di sản ASIAN được công nhận năm 2018; là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới, có nhiều loài đặc hữu vùng Đông Dương và Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tặng hoa chúc mừng và biểu dương thành tựu trong 20 năm của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi bà

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà với cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học đa dạng và phong phú với 2.089 loài thực vật có mạch, 141 loài thú, 306 loài chim và các loài sinh vật khác.

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà thực hiện đồng bộ 9 chương trình hoạt động được Thủ tướng Chính phủ quy định bao gồm: Bảo tồn tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi sinh thái rừng; phòng cháy chữa cháy rừng; nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch sinh thái; tuyên truyền giáo dục và bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên; hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đệm; xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và trang thiết bị khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân xuất sắc của Vườn quốc gia Bidoup – Núi bà

20 năm qua, đơn vị luôn làm tốt công tác tuần tra quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt, Vườn thường xuyên chú trọng nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi nhiệm vụ, liên tục hiện đại hóa phương tiện và kỹ thuật cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

Vườn cũng thực hiện tốt các giải pháp như: Trồng rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng. Tài nguyên rừng không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Kỷ niệm chương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho công chức, viên chức Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà còn thực hiện hiệu quả các chương trình tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn vùng đệm, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật và hợp tác quốc tế. Số khách đến tham quan học tập tại Vườn bình quân gần 10.000 khách/năm.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu đánh giá cao công tác quản lý bảo vệ rừng và các hoạt động nghiên cứu khoa học của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

• HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Trong giai đoạn tới, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái bền vững, góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương.

Vườn đặt mục tiêu phấn đấu cung cấp dịch vụ hệ sinh thái cho xã hội, đến hết năm 2030, cố gắng đạt nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng đạt 50 tỷ đồng/năm; tăng nguồn thu xã hội từ dịch vụ du lịch sinh thái, đến hết năm 2030, phấn đấu lượng khách đến tham quan Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đạt trên 15.000 lượt khách với doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 3 tỷ đồng/năm.

Đồng chí Phạm Triều – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng trao Kỷ niệm chương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  cho công chức, viên chức Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Tiếp tục chú trọng bảo vệ 73 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam; bảo vệ diện tích rừng hiện có; tăng cường và duy trì các hoạt động hợp tác quốc; duy trì việc khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân tộc thiểu số với diện tích bình quân 30 ha/hộ để cải thiện sinh kế, tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Duy trì mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương; xây dựng ít nhất là 5 mô hình cải thiện sinh kế cho cộng đồng ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã đạt được. Đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên; đồng thời, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, yêu cầu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học của Vườn cần chú trọng triển khai thực hiện tốt như: Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; công tác nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số; đặc biệt là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh, của đất nước.

“Trong giai đoạn tới, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cần quan tâm và từng bước ứng dụng công nghệ GIS, ảnh vệ tinh trong quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng, kiểm soát chuỗi hành trình sản phẩm, khai thác lâm sản và săn bắt trái phép, dự báo và kiểm soát cháy rừng và giám sát đa dạng sinh học. Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học thông minh vận hành trên nền tảng số để phục vụ mục tiêu quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà; thực hiện đúng các chính sách, các quy trình, quy phạm kỹ thuật lâm sinh hiện hành; xây dựng các sản phẩm du lịch trên nền tảng số; phối hợp với các tổ chức quốc tế, các trường đại học và viện nghiên cứu liên quan xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình/dự án khoa học và công nghệ” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh.

Bí thư Huyện uỷ Lạc Dương trao Giấy khen cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc; lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cũng tặng Giấy khen cho 11 tập thể, 41 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, quản lý bảo vệ rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng 14 Kỷ niệm chương cho công chức, viên chức Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguồn: Báo Lâm Đồng