Loài ếch này được thu thập ở các suối đá (độ cao khoảng 300-500 m) thuộc dãy núi Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Việt Nam) và của Trung tâm Thuần dưỡng bò sát và ếch nhái Tu-la, Viện Động vật Xanh Pê-téc-bua (Nga) vừa công bố thêm 2 loài mới cho khoa học. Mô tả chi tiết của 2 loài này được đăng tải trên Tạp chí Bò sát và Ếch nhái Nga, tập 15, số 3 năm 2008.
Ếch yên tử Odorrna yentuensis Tran, Orlov & Nguyen, 2008: Loài ếch này được thu thập ở các suối đá (độ cao khoảng 300-500 m) thuộc dãy núi Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ếch yên tử có chiều dài thân từ 44-62 mm, lưng màu nâu, da hơi thô ráp, nửa sau lưng có nhiều nốt sần nhỏ. Nhóm ếch thuộc giống Odorrana thường sống ở các suối đá trong rừng thường xanh, chúng được coi là một trong những nhóm phức tạp nhất về mặt phân loại học với 20 loài hiện ghi nhận ở Việt Nam.
Thạch sùng mí hữu liên Goniurosaurus huulienensis Orlov, Ryabov, Nguyen, Nguyen & Ho, 2008: Loài thằn lằn này được thu thập ở vùng núi đá vôi (độ cao khoảng 300-400 m) thuộc Khu BTTN Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Thạch sùng mí hữu liên có chiều dài thân khoảng 108-117 mm, lưng màu nâu sẫm, có 1 vạch màu kem hoặc vàng cam phía sau gáy, 3 vạch giữa chi trước và chi sau, 1 vạch ngay sau chi sau và 3-4 vạch ở đuôi, mút đuôi đôi khi màu trắng hoặc màu kem. Đây cũng là loài thạch sùng mí thứ hai được phát hiện ở Việt Nam trong năm 2008 sau loài Thạch sùng mí cát bà Goniurosaurus catbaensis Ziegler, Nguyen, Schmitz, Stenke & Rösler, 2008 mới được công bố gần đây. Hiện tại có 5 loài thạch sùng mí được ghi nhận ở Việt Nam.
Ếch yên tửOdorrna yentuensis – Ảnh: Trần Thanh Tùng
Thạch sùng mí hữu liên Goniurosaurus huulienensis Ảnh: Hồ thu Cúc
Theo: Sinh vật rừng Việt Nam