Phát hiện hai loài thằn lằn chân ngón thuộc giống Cyrtodactylus ở phía Nam Việt Nam

Hai loài thằn lằn chân ngón đặc hữu thuộc họ Tắc Kè Gekkonidae vừa được nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí, Phòng Công nghệ và Quản lý Môi trường, Viện Sinh học Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Viện Khoa học Việt Nam)

khám phá ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. Công trình này được xuất bản trên tạp chí phân loại động vật Zootaxa số 1909 ngày 20/10/2008.
Thằn lằn chân ngón Eisenman (Cyrtodactylus eisenmani sp. nov. Ngô, 2008.) được mang tên Tiến sĩ Stephanie L. Eisenman, Giám đốc Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (WWF), Hoa Kỳ, người đã có những đóng góp không mệt mỏi cho công tác bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu và Việt Nam trong những năm vừa qua.
Thằn lằn chân ngón Grismer (Cyrtodactylus grismeri sp. nov. Ngô, 2008) mang tên Giáo sư L. Lee Grismer, ở Khoa Sinh, Trường Đại học La Sierra, California, Hoa Kỳ, người đã có công khám phá hơn 30 loài bò sát và ếch nhái ở vùng Indo-Malai, trong đó có 6 loài mới cho Việt Nam trong thời gian qua. Hai loài thằn lằn có kích cỡ trung bình, chiều dài đầu mình của hai loài khoảng 81,3 – 87,6 mm. Thằn lằn chân ngón Eisenman có màu nâu sô-cô-la với 4 vạch trắng mảnh hơn trên mặt lưng và một vạch trắng khác trên cuốn đuôi

 

 


Hình 1.Thằn lằn ngón Eisenmani Cyrtodactylus cf. eisenmani – Ảnh: Phùng mỹ Trung
Thằn lằn chân ngón Grismer có màu nâu đỏ nhạt trên thân, lưng có 4-5 vạch màu trắng hẹp và một vạch khác trên cuống đuôi. 
Hai loài thằn lằn chân ngón đặc hữu này là những động vật hang động điển hình được khám phá ở các hang đá Bảy Núi, An Giang và vùng đệm của khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang.
Thằn lằn chân ngón Eisenman ở khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang là loài bò sát thứ 4 được khám phá tại Việt Nam, sau các loài thằn lằn đá ngươi tròn đuôi trắng – Cnemaspis caudanivea sp. nov. Grismer & Ngô, 2007; thằn lằn đá ngươi tròn chân cam – Cnemaspis aurantiacopes sp. nov. Grismer & Ngô, 2007; rắn lục Hòn Sơn – Cryptelytrops honsonensis sp. nov. Grismer, Ngô & Grismer, 2008. Điều này cho thấy tầm quan trọng của khu dự trữ sinh quyển này với việc bảo tồn các loài bò sát đặc hữu của Việt Nam và quốc tế.
Việc khám phá thêm hai loài đặc hữu nói trên đã nâng số loài bò sát được tác giả khám phá trong hai năm vừa qua ở miền Nam Việt Nam lên 10 loài (9 loài thằn lằn và 1 loài rắn).
Theo: Sinh vật rừng Việt Nam