Thời gian qua, việc lâm tặc phá rừng Thông đỏ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng phá rừng Thông đỏ trên địa bàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đo đạc và đánh số cây Thông đỏ, đồng thời lên phương án bảo tồn loại cây quý hiếm này.Lực lượng kiểm
lâm tiến hành đo đạc, kiểm tra rừng Thông đỏ. Ảnh:H.Y
Khai thác trái phép Thông đỏ gia tăng
Trong thời gian gần đây, áp lực khai thác trái phép đối với Thông đỏ ở Lâm Đồng ngày càng tăng do sử dụng gỗ Thông đỏ làm đồ trang trí nội thất, đào bứng cây con để trồng làm cảnh và quan niệm khai thác vỏ và lá để làm thuốc chữa bệnh.
Nhiều vụ việc phá rừng thông đỏ đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, điển hình như vụ việc tại Tiểu khu 277A, xã Hiệp An bị khai thác 1 cây (Thông đỏ nam) tổng khối lượng thiệt hại 6,359 m3; tiểu khu 277B xã Hiệp Thạnh bị khai thác 1 cây (Thông đỏ nam) tổng khối lượng thiệt hại 1,362 m3 (thuộc lâm phần do Ban QLRPH Đại Ninh quản lý).
Thông đỏ (Taxus wallichiana Zucc), có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2012) là loài thực vật đặc hữu, quý, hiếm, phân bố trong phạm vi hẹp của tỉnh Lâm Đồng, thuộc nhóm IA trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có biện pháp bảo vệ riêng cho loài Thông đỏ, chỉ thực hiện biện pháp giao khoán quản lý, bảo vệ chung với các loài cây rừng khác từ nguồn vốn ngân sách hoặc từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mức kinh phí khoán này chỉ gắn phần kinh phí nhỏ của Nhà nước với trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng, nên chưa khuyến khích người dân gìn giữ, phát triển rừng, trong đó có rừng Thông đỏ.
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho biết, tình trạng xâm hại Thông đỏ là đáng báo động. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các bên liên quan tăng cường kiểm tra và phát hiện những vụ việc phá rừng Thông đỏ. Xác định nguyên nhân là do một bộ phận người dân (ĐBDTTS) ít có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, tập quán canh tác nông nghiệp còn lạc hậu, thu nhập thấp nên thường khai thác lâm sản trái phép để bán cho các đầu nậu buôn lậu gỗ. Đặc biệt, tại khu vực Núi Voi, quần thể Thông đỏ nằm khá thuận lợi, gần tuyến đường cao tốc và khu dân cư nên công tác QLBVR Thông đỏ gặp khó khăn. Mặc khác, lực lượng chức năng khi phát hiện vi phạm thường bị đối tượng chống đối quyết liệt vì vậy rất khó khăn trong vấn đề xử lý, địa bàn lại xa xôi, đồi dốc gần với khu vực sản xuất của người dân nên rất khó phát hiện vụ việc vi phạm.
Tình hình khai thác trái phép Thông đỏ ngày càng gia tăng, cần thiết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Vẫn còn đó khó khăn
Đối với Thông đỏ, Chi cục Kiểm lâm đã xác định là loài nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (được xếp vào nhóm IA trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng); là loài có giá trị đặc biệt về khoa học, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại; theo Sách đỏ Việt Nam (2007), Thông đỏ thuộc phân hạng sẽ nguy cấp (VU) có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thì, tại Lâm Đồng, trong nhiều năm qua chưa có tài liệu nào thống kê, xác định đầy đủ thực trạng phân bố của quần thể Thông đỏ. Năm 2010, Chi cục Kiểm lâm được giao tổ chức điều tra, xác định vùng phân bố của loài cây Thông đỏ tại Lâm Đồng. Kết quả bước đầu đã xác định cụ thể quần thể Thông đỏ với diện tích 420 ha, phân bố ở các khu rừng có độ cao từ 1.200 m trở lên thuộc địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt.
Hiện nay, Thông đỏ đang có nguy cơ suy giảm quần thể bởi diện tích vùng phân bố Thông đỏ ở Lâm Đồng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nằm phân tán và bị chia cắt nên các quần thể khó liên hệ với nhau, khiến cho việc giao phối gần diễn ra phổ biến làm cho các quần thể Thông đỏ ngày càng bị suy thoái về di truyền. Hơn nữa, do mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh nên phần lớn cây Thông đỏ trưởng thành thường bị các dây leo bám trên thân và các loài cây khác chèn ép, cạnh tranh không gian dinh dưỡng nên cây Thông đỏ có phẩm chất xấu, bị sâu bệnh, rỗng ruột; tình hình tái sinh rất thấp và phân bố không đều. Việc nghiên cứu nhân giống Thông đỏ chủ yếu bằng giâm cành, mục đích chính là cung cấp nguyên liệu để chế biến dược liệu; chưa có công trình nghiên cứu nhân giống bằng hạt để phục vụ công tác bảo tồn.
Ông Thiên cũng cho biết, cần thiết xây dựng và thực hiện dự án quản lý, bảo vệ, xúc tiến tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng Thông đỏ hiện có được phân bố phân tán và rải rác. Vì vậy, cần thiết phải trồng thêm để kết nối các quần thể; nghiên cứu nhân giống, trồng mới và phát triển rừng Thông đỏ là rất cần thiết nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, hiếm, góp phần vào việc thực hiện chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao độ che phủ của rừng, đồng thời thu hút và giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư nghèo trên địa bàn để tình trạng phá rừng không còn diễn ra.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà