Như tin đã đưa, ngày 29/7, Ban quản lý (BQL) Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang (gọi tắt là Khu DTSQ) với 9 thành viên là lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan ở Lâm Đồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S làm Trưởng ban chính thức ra mắt. Cùng đó, thông qua Quy chế hoạt động, quyết định thành lập Hội đồng tư vấn Khu DTSQ gồm 11 GS, PGS, TS Việt Nam và các quốc gia Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản. Đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi để Khu DTSQ đạt nhiều thành tựu và phát triển bền vững.
Thành lập BQL là sự kiện quan trọng
Tại Quyết định thành lập BQL do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt ký, ngoài ông Phạm S còn có lãnh đạo các Sở: NN&PTNT; KH&CN; VH,TT&DL; TN&MT; KH&ĐT; Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà; lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Nhiệm vụ của BQL bao gồm: Xây dựng kế hoạch điều hành; Xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án; Tổ chức diễn đàn quản lý hợp tác; Huy động và tiếp nhận các nguồn lực; Tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, giới thiệu; Đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học… Hội đồng tư vấn ngoài việc tư vấn, hỗ trợ, phản biện…, còn đại diện cho Khu DTSQ tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế; đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp đầu tư và các nhà khoa học. BQL đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng và sự hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban quốc gia Con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), Ủy ban quốc gia UNESCO.
Thay mặt BQL, Phó ban Thường trực Lê Văn Hương cho biết: Năm 2016, sẽ triển khai các hoạt động của dự án JICA (Nhật Bản) về hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động. Đồng thời, thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan đa dạng sinh học (ĐDSH) và không gian văn hóa tại Khu DTSQ” của Bộ KH&CN. Từ nay đến cuối năm còn các hoạt động khác như: xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững; nghiên cứu ứng dụng công nghệ địa không gian và quản lý tài nguyên thiên nhiên; lập dự án kêu gọi tài trợ, xây dựng chiến lược truyền thông.
Năm 2017, sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện một số hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của dự án JICA như: phát triển, nâng cấp mô hình quản lý hợp tác về tài nguyên thiên nhiên giữa thành viên cộng đồng mục tiêu; cải thiện sinh kế của thành viên cộng đồng thông qua chi phí nông nghiệp và tăng mua bán sản phẩm; nâng cấp du lịch sinh thái; phát triển, thực hiện hệ thống giám sát ĐDSH, theo dõi diễn biến rừng; quảng bá nhãn hiệu một số sản phẩm đặc trưng… Với đề tài của Bộ KH&CN nêu trên, tiếp tục nghiên cứu theo hướng xác định các bất cập của cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan – ĐDSH và không gian văn hóa; xây dựng các cơ chế và mô hình về kết hợp bảo tồn hệ sinh thái và văn hóa, quy ước chia sẻ lợi ích với cộng đồng, trong đó phát huy tri thức bản địa.
Khu dự trữ sinh quyển: công cụ bảo tồn và phát triển xã hội
GS, TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban quốc gia MAB Việt Nam nhấn mạnh: “Khu DTSQ chỉ thành công khi nó trở thành công cụ bảo tồn, công cụ phát triển xã hội”. Ba chức năng của Khu DTSQ là bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Bảo tồn về ĐDSH là giá trị toàn cầu; phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn thông qua văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật. Còn hỗ trợ trong mối liên hệ mạng lưới quốc tế để nghiên cứu và giám sát.
Các chuyên gia dự án JICA – “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” (cố vấn trưởng dự án – ông Hiroshi Miyazono và cố vấn trưởng hợp phần ĐDSH – ông Oda Kensie) đều bày tỏ sự vui mừng Khu DTSQ thành lập được BQL, Hội đồng tư vấn và Quy chế hoạt động. Tổ chức JICA đã có những bước đi hỗ trợ đối với phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam, trong đó có Vườn Bidoup – Núi Bà mấy năm qua rất có hiệu quả, vì vậy các chuyên gia coi thành lập BQL là “sự kiện rất quan trọng để thúc đẩy Khu DTSQ ngày càng tốt hơn” và dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” là bước tiếp nối. Dự án có 4 hợp phần: Hỗ trợ về chính sách; Quản lý rừng bền vững và REDD+; ĐDSH và Chia sẻ kiến thức, thực hiện trong 5 năm (tháng 8/2015-8/2020); trong đó, hợp phần 3 (ĐDSH) dành riêng Khu DTSQ. Hợp phần này có sự tham gia của tỉnh Lâm Đồng, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, nhằm xây dựng được một hệ thống quản lý hệ sinh thái có sự cộng tác và tổng hợp cho Khu DTSQ thuộc Chương trình MAB.
Ông MiyaZono nói: “Để thực hiện dự án có hiệu quả rất cần sự tham gia của các tổ chức, cơ quan đã hoạt động trước đây. Giá trị gia tăng lớn nhất là đối với Khu DTQS, do đó hợp phần 3 nỗ lực hết sức đối với Lang Biang. Tôi rất tự tin sẽ đạt được trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành liên quan Việt Nam và tỉnh”.
Còn ông Kensei cho biết các hoạt động chính của hợp phần 3 gồm: Các hoạt động dựa theo kế hoạch 5 năm; diễn đàn quản lý hợp tác; giám sát ĐDSH, theo dõi diễn tiến rừng. Các yếu tố hưởng lợi là: sản xuất nông nghiệp sinh lợi; thu nhập tăng thêm; tài chính thuận lợi; sinh kế nâng cấp và ổn định đời sống cộng đồng, cộng đồng tham gia và hưởng lợi…
Ngoài ra, cần phải hiểu đầu tư bền vững là phát triển du lịch cộng đồng theo yêu cầu nghiêm ngặt không để mất rừng, phát triển ĐDSH. Bảo vệ rừng là bảo vệ sản phẩm lâu dài. Mặt khác, vấn đề nghiên cứu khoa học giữ vai trò quan trọng, vì vậy trên cơ sở những thành quả nghiên cứu của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà tiếp tục phát huy đối với Khu DTSQ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BQL Khu DTSQ – ông Phạm S đánh giá rất cao những ý kiến đóng góp quý báu, có ý nghĩa của các nhà khoa học, các chuyên gia và nhà quản lý giúp cho BQL. Ông chỉ đạo một số nhiệm vụ thời gian tới như: Tuyên truyền quảng bá Khu DTSQ đối với cộng đồng; Giao BQL, Ban thư ký hoàn thiện kế hoạch để đảm bảo tiến độ, trong đó tập trung 7 lĩnh vực ưu tiên. Đó là: Truyền thông phát triển thương hiệu; Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, theo đó phát triển sinh kế; bảo tồn ĐDSH; nghiên cứu khoa học hài hòa giữa thiên nhiên với con người; hợp tác quốc tế; triển khai dự án Bảo tàng thiên nhiên trong lõi Khu DTSQ.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà