22/5 là Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học (ĐDSH) và chủ đề của năm 2017 là “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững”. Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có tài nguyên ĐDSH phong phú bậc nhất; có nền kinh tế mũi nhọn là du lịch. Cần phải hành động thế nào để vừa bảo tồn ĐDSH, vừa phát triển kinh tế du lịch bền vững?
Tự hào về da dạng sinh học
ĐDSH của Lâm Đồng trước hết là đa dạng các hệ sinh thái (HST) trên cạn và HST đất ngập nước. HST trên cạn gồm HST rừng, HST nông nghiệp và HST đô thị; trong đó HST rừng chiếm tỷ lệ rất lớn với khoảng 60% diện tích tự nhiên. HST đất ngập nước chiếm 2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; với khoảng 16.000 ha, gồm các hệ thống sông, suối.
Tính ĐDSH của Lâm Đồng được biểu hiện ở đa dạng về loài. Theo “Chương trình bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008-2020”, trên địa bàn tỉnh thống kê được 3.490 loài thực vật rừng, 393 loài nấm lớn, 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá.
Trong đó, có 220 loài bị đe dọa cấp quốc gia nêu trong Sách đỏ Việt Nam (2007); 98 loài bị đe dọa toàn cầu được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN và 115 loài được bảo vệ theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Báo cáo “Đánh giá hiện trạng ĐDSH và quản lý rừng vùng cảnh quan Nam Trường Sơn, Việt Nam” của Tổ chức WWF (2013), cho thấy, số loài thực vật bậc cao đã phát hiện ở Vườn quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà 1.945 loài; ở VQG Cát Tiên (khu vực Cát Lộc) 772 loài; ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc 486 loài và ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm 473 loài. Riêng khu vực cao nguyên Đà Lạt, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã thống kê được 85 loài thú, 158 loài chim, 70 loài lưỡng cư, 83 loài bò sát và 400 loài bướm. Thông báo từ “Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2008-2020” cho biết, địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 86 loài thú, 346 loài chim, 64 loài bò sát, 36 loài lưỡng cư, 130 loài cá và 419 loài bướm.
Cũng cần nêu một số khu vực trên địa bàn rừng tỉnh Lâm Đồng có giá trị ĐDSH cao. Bao gồm: VQG Bidoup – Núi Bà; VQG Cát Tiên (khu vực Cát Lộc); Rừng phòng hộ (RPH) Đa Nhim, RPH Sê-rê-pôk, RPH D’Ran; Công ty TNHH MTV LN Bảo Lâm và Lộc Bắc. (Kết quả điều tra, khảo sát về ĐDSH của Dự án ‘Tăng cường năng lực địa phương về bảo tồn ĐDSH và quản lý rừng ở vùng cảnh quan Nam Trường Sơn” – WWF, 2012).
Và phát triển du lịch bền vững
Cần phải thấy rõ những nguyên nhân làm suy thoái các giá trị ĐDSH, bao gồm: 1) Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ quá mức; 2) Săn bắt, buôn bán động vật hoang dã quá mức; 3) Mất rừng và manh mún sinh cảnh; 4) Suy thoái chất lượng rừng và môi trường sống của các loài sinh vật. Những nguyên nhân gián tiếp gây suy giảm rừng và ĐDSH bao gồm: 1) Gia tăng dân số do di cư tự do; 2) Đói nghèo của cộng đồng dân cư sống gần rừng; 3) Yếu kém về năng lực quản lý rừng.
Rõ ràng, phát triển du lịch có ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến chiến lược bảo tồn ĐDSH. Năm 2017 này, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 đã quyết định là “Năm quốc tế về Du lịch bền vững để phát triển”. Với tinh thần đó, Công ước ĐDSH đã lựa chọn chủ đề “ĐDSH và Du lịch bền vững”. Nhiều vấn đề về ĐDSH được giải quyết ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch. Tại nhiều khu vực du lịch, ĐDSH ở cấp độ loài và HST là nền tảng của du lịch. Do đó, ngành du lịch cần tăng cường quản lý nhằm giảm nguy cơ và duy trì, tăng cường bảo vệ các quần thể, các loài hoang dã và các giá trị đa sinh học thông qua doanh thu du lịch.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế về ĐDSH với chủ đề “ĐDSH và du lịch bền vững” là cơ hội nâng cao nhận thức và hành động đối với những đóng góp quan trọng của du lịch bền vững cho sự phát triển kinh tế, của công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH đối với cộng đồng nhằm biến du lịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực.
Đã đến lúc, cần nhận thức sâu sắc khái niệm về “du lịch bền vững” trong hệ quy chiếu hữu cơ bảo tồn ĐDSH. Việc nhận thức được tầm quan trọng to lớn của kinh tế du lịch ở các khu vực có cảnh quan hấp dẫn và giàu ĐDSH tạo cơ sở cho việc bảo tồn ĐDSH. Ngành du lịch được quản lý tốt có thể góp phần quan trọng nhằm giảm các nguy cơ hoặc duy trì, tăng cường, đối với các quần thể các loài hoang dã và các giá trị ĐDSH thông qua doanh thu du lịch.
Vì vậy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng ở địa phương cần có nhiều giải pháp, phương pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, các doanh nghiệp biết được tầm quan trọng về giá trị, vai trò của ĐDSH. Nghĩa là cần những hành động thiết thực việc thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH; huy động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững; thay đổi về chính sách, hành vi kinh doanh và tiêu dùng đối với một ngành du lịch bền vững. Cùng đó là tổ chức phát động các phong trào như: bảo vệ môi trường; bảo tồn ĐDSH; sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; bảo vệ nguồn nước; lồng ghép các hoạt động thúc đẩy việc thực hiện các mô hình du lịch bền vững.
Ở Lâm Đồng, ngày 27/3/2017, tỉnh đã tổ chức Công bố Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Về du lịch liên quan đến ĐDSH, Phó Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Nguyễn Quốc Thái Bình cho biết, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, có tới 73 dự án về du lịch sinh thái với tổng diện tích 2.318 ha. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thời điểm tháng 10/2016 đã có 14 dự án vi phạm Luật BV&PTR.
Đáng tiếc năm 2017 Lâm Đồng không tổ chức Ngày Quốc tế ĐDSH ở quy mô cấp tỉnh, cấp huyện với đầu tư về kịch bản nghiêm túc, triển khai bài bản. Mặc dù, ngày 10/5, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2807/UBND-LN “hưởng ứng Ngày Quốc tế ĐDSH”, giao cho các ngành như TN&MT, VH TH&DL, NN&PTNT và các UBND huyện, thành phố cùng các chủ rừng phối hợp triển khai. Đây là hoạt động sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là trong hoạt động du lịch; quảng bá tính ĐDSH trong quan hệ hữu cơ phát triển du lịch.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho