Các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện quần thể vượn má trắng (tên khoa học là Nomascus leucogenys) còn sót lại lớn nhất thế giới với 455 cá thể tại Vườn quốc gia Pù Mát, Việt Nam. Loài động vật này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Một quần thể vượn má trắng gồm 455 cá thể được phát hiện tại Vườn quốc gia Pù Mát, Việt Nam. Ảnh: The Conversation |
Trước đây, loài vượn má trắng thường sống ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định quần thể vượn má trắng vừa được phát hiện tại Vườn quốc gia Pù Mát của Việt Nam là quần thể duy nhất còn sót lại của loài động vật này trên thế giới.
Nạn săn bắn, khai thác rừng trái phép và quá trình phát triển đô thị hóa đã khiến vượn má trắng trở thành một trong những loài vượn có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Số lượng loài vượn má trắng đã suy giảm ít nhất 80% trong vòng 45 năm qua, theo thống kê của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Trang The Conversation dẫn lời tiến sĩ Russell A. Mittermeier, một nhà linh trưởng học và là chủ tịch Tổ chức bảo tồn quốc tế (CI), nhận định: “Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là cần sớm lập ra một khu vực bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho những cá thể cuối cùng của loài vượn má trắng trong tự nhiên”.
Tổ chức CI cho biết, không giống như các loài vượn khác, loài vượn má trắng chung thủy với một bạn tình trong suốt cuộc đời. Chúng hát để hấp dẫn bạn tình và duy trì mối quan hệ vợ chồng.
Hà Hương
Theo: VietNamNet
Tin liên quan
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà