Phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên

Cân bằng và hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (TNTN) nói chung, các Vườn Quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) nói riêng luôn là bài toán khó. Với TNTN, “phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển” nói thì dễ nhưng hành động không dễ, nếu nhận thức chưa đầy đủ, thiếu khoa học và đồng bộ, không quyết liệt và sáng tạo của các bên liên quan. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cùng lãnh đạo nhiều sở, đơn vị khảo sát tuyến DLST tại VQG. Ảnh: M.Đạo
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cùng lãnh đạo nhiều sở, đơn vị khảo sát tuyến DLST tại VQG. Ảnh: M.Đạo
Du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học 
 
Cuối tháng 7 vừa rồi, tại thành phố Đà Nẵng, Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ nhất với chủ đề “Bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch tại các VQG và KBTTN” diễn ra. Hơn 150 đại biểu tham dự đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức xã hội, các trường đại học, doanh nghiệp, cộng đồng cùng các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ hội thảo này đã đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ được các giá trị TNTN và hệ sinh thái. 
 
Đến từ Hiệp hội VQG và KBTTN Việt Nam, tác giả Lê Văn Lanh và Bùi Xuân Trường cho rằng: Các VQG/KBTTN được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái (DLST), nhưng loại hình du lịch mới chỉ dừng lại là hoạt động du lịch có định hướng. DLST khi có sự tham gia và hưởng lợi của người dân địa phương còn hạn chế, các tác động tiêu cực đến ĐDSH trong quá trình xây dựng và vận hành chưa được xử lý triệt để, chưa có các sản phẩm DLST đặc thù nên hoạt động DLST tại các VQG/KBTTN cần phải được khắc phục những hạn chế như giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên, thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn, thiếu quy hoạch, năng lực còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn. “Để thúc đẩy việc phát triển DLST tại các VQG/KBTTN cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, áp dụng đồng thời từng bước các giải pháp như hoàn thiện các cơ chế chính sách, đào tạo nâng cao năng lực, tăng cường công tác phát triển sản phẩm DLST đặc thù, đẩy mạnh hoạt động quảng bá và marketing”, hai ông kết luận. 
 
Theo Nguyễn Minh Đạo và Trần Quang Bảo (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam), không gian phát triển du lịch của khu vực thành phố Đà Lạt gắn với hồ Tuyền Lâm, VQG Bidoup – Núi Bà, hồ Đan Kia – Suối Vàng, có đặc điểm nổi trội về tài nguyên du lịch tự nhiên, hướng khai thác chủ yếu là du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Từng nghiên cứu 3 VQG, trong đó có Bidoup – Núi Bà, hai tác giả nêu những bài học kinh nghiệm nhằm khơi dậy tiềm năng và phát triển DLST trong các VQG/KBTTN ở khu vực MT&TN. Bao gồm: Thay đổi nhận thức và thái độ của lãnh đạo, cán bộ viên chức của VQG/KBTTN; Xây dựng sản phẩm đặc thù; Huy động các nguồn lực và các thành phần kinh tế vào phát triển DLST; Thiết lập mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ bổ trợ cho DLST; Truyền thông và marketing; Hợp tác và tham gia của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên. Hai tác giả đề xuất: các Bộ liên quan cần phối hợp hoàn thiện các chính sách như quản lý rừng đặc dụng, khuyến khích đầu tư phát triển DLST, cơ chế chính sách tài chính cho các hoạt động DLST, cho thuê môi trường rừng để kinh doanh DLST… Cùng đó là xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá các dự án đầu tư kinh doanh DLST; Nâng cao nhận thức và đào tạo về DLST cho các nhà phát triển và tham gia vào DLST; Nâng cao nhận thức cho công chúng về các vấn đề môi trường và du lịch có trách nhiệm; Chú trọng đầu tư cho công tác quản lý TNTN và nguồn nhân lực; Tăng cường sự tham gia của người dân địa phương sinh sống trong và gần các điểm DLST vào quá trình lập kế hoạch và quản lý du lịch…
 
Tiến sĩ Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo) và ThS Nguyễn Thùy Vân (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) lại nêu các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý du lịch và bảo tồn ĐDSH tại các VQG và KBT miền Trung – Tây Nguyên rất đáng để suy ngẫm nghiêm túc. Đó là, công tác quản lý du lịch; Khai thác quá mức các loài động, thực vật đặc hữu nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch; Hiện tượng phát triển du lịch “nóng” làm vượt quá sức chứa, sức chịu tải môi trường. Hai tác giả nêu 7 nguyên nhân gây tác động tiêu cực đến ĐDSH tại các VQG và KBT khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm: (1) Thiếu kiểm soát đối với phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; (2) Khai thác quá mức tài nguyên để phát triển du lịch; (3) Quan hệ liên ngành trong quản lý môi trường, bảo tồn ĐDSH còn thiếu chặt chẽ; (4) Phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường vẫn đang đứng trước nhiều thách thức; (5) Nhiều khu DLST chưa quy hoạch phát triển cụ thể; (6) Chưa có quy định, quy chế quản lý tốt nên có nhiều hoạt động du lịch xâm hại đến tài nguyên; (7) Cộng đồng địa phương chưa thực sự phát huy được hết vai trò, lợi ích chia sẻ từ hoạt động du lịch chưa được hài hòa. 
 
Giá trị của tài nguyên du lịch tự nhiên
 
Còn PGS, TS YOSHIKA YAMAMOTO (Trường Đại học St Agnes, Nhật Bản) chia sẻ về Luật Xúc tiến DLST ở Nhật Bản. Luật này nhằm mục đích thúc đẩy quảng bá và khuyến khích phát triển các hoạt động DLST trong khu vực, trong đó thể hiện sự độc đáo, sáng tạo, đẩy mạnh giáo dục môi trường, qua đó giúp đảm bảo cuộc sống lành mạnh và giàu văn hóa cho các thế hệ công dân hiện tại và tương lai. Nhà khoa học này cho biết: “Điểm quan trọng nhất trong Luật Xúc tiến DLST là đưa ra các định nghĩa rõ ràng về “DLST”. Ví dụ, thuật ngữ “Tài nguyên du lịch tự nhiên” có nghĩa là tài nguyên du lịch liên quan đến môi trường sống của các loài động thực vật hoặc môi trường tự nhiên khác và tài nguyên du lịch liên quan đến phong tục tập quán và các lối sống truyền thống khác cùng với văn hóa liên quan chặt chẽ với môi trường tự nhiên. Thuật ngữ “DLST” có nghĩa là các hoạt động mà qua đó khách du lịch nhận được sự hướng dẫn hoặc lời khuyên từ một người có kiến thức về tài nguyên du lịch tự nhiên, tiếp xúc với tài nguyên du lịch tự nhiên được nói đến, trong khi cân nhắc việc bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên được đề cập, và làm tăng cường kiến thức cũng như vốn hiểu biết của họ về nó. Điều quan trọng nhất là quyết định cái gì là “Tài nguyên du lịch tự nhiên” cho “DLST” của chính họ. Cũng là một chia sẻ thú vị đến từ Tây Ban Nha của PGS MIKI YOSHIZUMI (Đại học Ritsumeikan) về “Thuế sinh thái hướng đến du lịch bền vững”. Ông cho biết: Lập nên chương trình thuế này (năm 2016) để kiểm soát các tác động tiêu cực lên môi trường và TNTN cũng như tìm kiếm nguồn quỹ cho các chi phí phát sinh từ áp lực của du lịch đại chúng, bao gồm sự phát sinh của chất thải rắn đô thị, khí thải CO2 và nguồn tiêu thụ nước… Là Trưởng ban Thư ký KDTSQTG Cù Lao Chàm, tác giả Lê Ngọc Bảo cũng đúc kết những bài học quí trong việc phát triển kinh tế – xã hội, trọng tâm là phát triển DLST gắn với bảo tồn TNTN, tài nguyên nhân văn – những tài sản của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu. Đó là: Người dân địa phương là người chủ câu chuyện trong phát triển DLST; Khai thác tài nguyên một cách văn minh; Mỗi điểm đến trong KDTSQ cần có một bộ thông điệp; Xác định chuỗi giá trị có liên quan và câu chuyện liên kết trong phát triển du lịch; Không phá vỡ cấu trúc tự nhiên của các sinh cảnh và hệ sinh thái, phân định rõ giá trị của tính “hoang sơ” và sự “hoang phí”; Bán cái gì ta đang có, không bán những cái khách cần; Chia sẻ lợi ích và mô hình hợp tác 4 nhà trong phát triển DLST (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân địa phương). 
 
 GS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) qua nghiên cứu 9 KDTSQTG ở Việt Nam nêu 3 bài học lớn để thành công: Vai trò lãnh đạo; Thể chế chính sách và Cơ chế điều phối. Ông khẳng định: “Một KSQTG hoạt động tốt cần có kế hoạch quản lý, trong đó việc tạo nên một cơ chế quản lý với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ là yêu cầu hết sức cần thiết cho sự thành công của KSQTG. Hiện nay, hầu hết các KSQTG của Việt Nam đều có kế hoạch quản lý, tuy nhiên việc tạo ra được một cơ chế điều phối và vận hành tốt thì chưa nhiều. Cơ chế quản lý hợp tác tại KDTSQTG LangBiang (Lâm Đồng) là một ví dụ tốt cho sự quản lý thành công khu SQTG”. 
 
Lâm Đồng hướng đến phát triển bền vững 
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, hiện có VQG Bidoup – Núi Bà (gọi tắt Vườn), một phần VQG Cát Tiên, và tương lai có các KBTTN; chưa kể rất nhiều khu, điểm du lịch gắn với rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Với Vườn và KDTSQTG Lang Biang, đây là những giá trị vô cùng đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho Lâm Đồng. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo vấn đề bảo tồn và phát triển TNTN quý giá này trong quan hệ phát triển du lịch. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhiều lần thị sát kiểm tra trực tiếp, làm việc với lãnh đạo Vườn cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tại Vườn. Ông Đoàn Văn Việt thường nhấn mạnh đến sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành Du lịch và Vườn. Dựa vào các yếu tố cảnh quan, Vườn đã và đang xây dựng một số các sản phẩm DLST như: Cảnh quan của các hệ sinh thái rừng là mẫu chuẩn; các đỉnh núi cao, thác nước tự nhiên; sông Krongno, Đa Nhim và các hồ nước tự nhiên trong rừng… Vườn cũng tổ chức các hoạt động DLST như tự tổ chức kinh doanh; cho thuê môi trường rừng. 
 
Về KDTSQTG Lang Biang, ngày 29/7/2016, Ban quản lý chính thức ra mắt với nhiều đại diện lãnh đạo sở, địa phương, trong đó có thành viên là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 27/4/2018 Phê duyệt Kế hoạch 5 năm (2018-2022) quản lý KDTSQTG Lang Biang. Trong 8 chương trình hoạt động có “Chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm” với các hoạt động ưu tiên như: Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Tổng các nguồn vốn dự kiến để thực hiện các hoạt động/chương trình/dự án là 48,9 tỷ đồng. Hi vọng việc bảo tồn và phát triển KDTSQTG và Vườn sẽ ngày càng đạt được nhiều kết quả như mong đợi!
Nguồn: Báo Lâm Đồng