Phát triển lâm nghiệp nhằm góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 tăng độ che phủ rừng trên địa bàn đạt 55%. Đây cũng là nhiệm vụ “Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ động ngay từ đầu
Ngày 10/7, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản khuyến cáo sản xuất lâm nghiệp theo mùa vụ trồng rừng gửi tất cả các Sở NN&PTNT các tỉnh. Thời điểm trồng tập trung trong 2 tháng 7 và 8/2017. Các loại cây chủ yếu: Thông Caribe, Thông 3 lá, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Cao su, Dầu rái, Sao đen, Giổi xanh, Gáo. Một số yêu cầu kỹ thuật như: Chuẩn bị cây giống bảo đảm số lượng và chất lượng tốt, kiểm soát, xác nhận nguồn gốc giống theo quy định; xử lý thực bì, cuốc, lấp hố, chăm sóc, bón phân…Căn cứ dự báo khí tượng thủy văn để trồng…
Tại Lâm Đồng, theo Sở NN&PTNT, năm 2016, toàn tỉnh trồng được 733,32ha/1.025,3 ha rừng, đạt 71,5% kế hoạch năm. Chăm sóc rừng trồng các năm đạt 100% kế hoạch giao với 2.034,4 ha. Khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) 395.546 ha/418.873 ha, đạt 94,4%.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở này cho biết: Ngành đã tiến hành rà soát kế hoạch trồng rừng 2016-2020 phù hợp với Thông báo Kết luận số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Chính phủ và Kế hoạch khai thác rừng trồng tại các đơn vị chủ rừng.
Năm 2017, kế hoạch toàn tỉnh sẽ trồng rừng 2.783 ha; chăm sóc rừng trồng các năm 7.357 ha; giao khoán QLBVR 418.500 ha, trồng cây phân tán 143.400 cây. Nhiệm vụ quan trọng được Sở NN&PTNT Lâm Đồng đặt ra để triển khai như: Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các công ty lâm nghiệp tổ chức hoạt động, sản xuất, kinh doanh theo Đề án sắp xếp đổi mới được phê duyệt; kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; kế hoạch chế biến tiêu thụ các sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020; thực hiện xã hội hóa nghề rừng, nâng cao chất lượng giao, khoán rừng và đất lâm nghiệp; tập trung chỉ đạo, thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư trồng, chăm sóc và QLBVR. Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, “Sở phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về giao khoán QLBVR, trồng và chăm sóc rừng trồng các năm, khoanh nuôi tái sinh rừng, nuôi dưỡng rừng trồng, đặc biệt là hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác”.
Trồng rừng thay thế và sau giải tỏa chậm
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, năm 2017, hoạt động trồng rừng, trồng cây phân tán, cây che bóng được chuẩn bị sớm để chủ động tổ chức thi công đảm bảo mùa vụ. Trong năm, kế hoạch ưu tiên nhiệm vụ trồng rừng sau giải tỏa, trồng rừng thay thế, trồng cây phân tán, cây che bóng nên đã khẩn trương chuẩn bị kế hoạch với diện tích 972,7 ha. Cụ thể, trồng rừng sau giải tỏa đã bố trí kế hoạch trồng 139,1 ha tại 8 đơn vị chủ rừng theo Quyết định phân bổ 603 ngày 29/3/2017 của UBND tỉnh và đã triển khai ngay trong quý I. Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế đợt I với diện tích 497,64 ha đã gặp nhiều khó khăn do đơn vị chủ dự án công trình chuyển đổi là Công ty Thủy điện Đồng Nai chậm nộp. Vì vậy, Sở NN&PTNT phải tổng hợp các nguồn vốn kết dư và tiền nộp trồng rừng thay thế từ các chủ dự án khác để phân bổ vốn đợt I/2017. Còn đợt II do chưa có kinh phí bố trí kịp thời và đã vào mùa vụ trồng rừng nên chưa xây dựng kế hoạch triển khai.
Đối với thực hiện kế hoạch trồng cây phân tán, cây che bóng, Sở NN&PTNT đã lập kế hoạch 89.443 cây (54.183 cây phân tán, 35.260 cây che bóng). Với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng, đã phân bổ các huyện, các đơn vị để triển khai thực hiện. Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên, qua 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện trồng được 2.520 cây phân tán, chủ yếu Thông 3 lá, Mai anh đào, Phượng tím, Sao, Dáng hương… Sở cũng tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn 3,491 tỷ đồng theo Quyết định 603 của UBND tỉnh; triển khai lập hồ sơ dự án khôi phục rừng và phát triển vành đai xanh dọc đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt. Thí điểm thực hiện trồng rừng trên diện tích đất có rừng thông rải rác trên địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, hướng dẫn các công ty lâm nghiệp xây dựng và hoàn tất thủ tục để được cấp chứng chỉ rừng. Ngoài ra, kế hoạch trồng lại rừng sau khai thác trắng dự kiến 336 ha; chăm sóc rừng trồng các năm 13.119 ha.
Sở NN&PTNT Lâm Đồng cũng cho biết, mặc dù đã chuẩn bị cây giống và hiện trường trồng rừng, nhưng tại một số đơn vị, do khó khăn về thời tiết diễn biến thất thường, mưa kéo dài nên không triển khai kịp trong năm kế hoạch năm 2017 như Ban quản lý Rừng phòng hộ Đạm Bri, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, phải trả kế hoạch để điều chuyển kinh phí cho đơn vị khác. Một tồn tại nữa là Công ty Thủy điện Đồng Nai chưa nộp 90 tỷ đồng đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng thay thế và bố trí vốn triển khai. Vì vậy, đành phải chuyển thực hiện kế hoạch sang năm 2018. Mặt khác, việc xây dựng quy trình tổ chức phối hợp giải tỏa và trồng rừng sau giải tỏa, quy trình tạm thời trồng xen cây lâm nghiệp trên đất sản xuất nông nghiệp cũng triển khai chậm. Được biết, Sở NN&PTNT đang đôn đốc các địa phương thực hiện công tác triển khai trồng rừng, trồng cây phân tán theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và đảm bảo tính thời vụ, đặc biệt khẩn trương triển khai nhiệm vụ trồng rừng thay thế…
Những tháng còn lại năm 2017, Giám đốc Sở Nguyễn Văn Sơn cho rằng: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 13/CT-TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 30/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mặt khác, hoàn thành công tác thẩm định các kế hoạch trồng rừng; chỉ đạo công tác trồng rừng, trồng cây phân tán kịp mùa vụ, đảm bảo quy trình kỹ thuật. Chuẩn bị hiện trường và đôn đốc các đơn vị tiến hành trồng rừng thay thế…”.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà