Phong Điền là nơi ẩn chứa bao nhiều điều kì thú,hấp dẫn du khách và các nhà nghiên cứu bởi sự phong phú và độc đáo của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khu bảo tồn thuộc vùng núi thấp miền Trung Việt Nam nằm ở phía đông bắc của bán đảo Đông Dương nên hệ sinh thái tự nhiên nơi đây chứa nhiều giá trị về đa dạng sinh học. Những phát hiện kỳ thú về các loài động, thực vật quý hiếm đã được ghi nhận tại đây.
Năm 1924, khi nhà tự nhiên học người Pháp – Cean dela Coul phát hiện ở vùng rừng phía Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế một cặp gà lôi lam mào trắng và đưa về nuôi tại Pháp, từ đó về sau giới chuyên môn về chim trên thế giới cho rằng gà lôi lam mào trắng đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Cho đến 72 năm sau, gà lôi lam mào trắng mới xuất hiện trở lại tại vùng rừng phía Tây huyện Phong Điền. Đây cũng là vùng duy nhất trên thế gới có gà lôi lam mào trắng sinh sống.
Nhiều loài chim quý khác cũng được phát hiện ở đây như gà so Trung bộ, gà so ngực gụ, trĩ sao… Từ những phát hiện mới trên cùng với công tác nghiên cứu vùng rừng đặc hữu, các nhà điểu học trên thế giới xác định đây là vùng chim quan trọng của thế giới. . Bên cạnh đó nhiều loài thú quý hiếm cũng liên tục được phát hiện tại khu bảo tồn này như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Hổ (Panthera tigris), Báo gấm (Pardofelis nebulosa), Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Vượn đen má hung (Hylobates gabriellae),…
Trong số các loài thú ghi nhận được có hai loài lần đầu tiên ghi nhận cho khu vực Phong Điền là Sao la và Mang lớn. Hai loài này là hai loài thú lớn hiện tại chỉ được biết từ Việt Nam và Lào. Kết quả khảo sát đã ghi nhận tại đây có 44 loài Thú, trong 7 bộ và 20 họ trong tổng số loài thú có 19 loài được ghi trong sách đỏ (IUCN,1996) chiếm 43% và 16 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (Anon, 1992) chiếm 34%.
Thành phần loài bò sát – ếch nhái ở Phong Điền cũng phong phú so với toàn khu Bắc Trường Sơn. Kết quả khảo sát đã ghi nhận có 34 loài Bò sát và 19 loài ếch nhái. Trong đó, có 20 loài nằm trong sách đỏ của IUCN và Việt Nam.
Bên cạnh đó, các loài chim ở đây cũng khá đa dạng với 172 loài. Nhiều loài trong đó nằm trong danh sách bị đe dọa toàn cầu, với 3 loài đặc hữu cho Việt Nam.
Với thế mạnh về tài nguyên cùng với nhiều thắng cảnh tự nhiên và những nét văn hóa của đồng bào dân tooch thiểu số sống ở vùng đệm, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền hoàn toàn có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc khai thác du lịch ở đây chưa đúng mức. Vì vậy, để khai thác thành công du lịch sinh thái tại Khu BTTN Phong Điền cần ưu tiên cho việc phát triển đa dạng, có chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái và khai thác tối ưu các tài nguyên du lịch trong khu bảo tồn, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nhưng không nằm ngoài mục đích bảo tồn.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Phong Điền những vẻ đẹp kì thú, những loài động thực vật đa dạng, và nhiều nét văn hóa của cộng đồng dân tộc. Đó là những thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái.Nếu được quan tâm, quản lý đúng mức thì Phong Điền sẽ là điểm hứa hẹn khám phá nhiều điều kì thú đối với du khách qua đó sẽ nâng cao chất lượng sống của người dân trong vùng đồng thời bảo tồn được tính đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường sơn nói chung và Khu BTTN Phong Điền nói riêng.
Theo: ThienNhien.N
Tin liên quan
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).