Ba tháng cuối năm 2017 đang trở nên gấp rút đối với việc thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của tỉnh, đó là thu ngân sách và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng (QLBV&PTR). Ngày 14/10, mặc dù là thứ bảy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về
QLBVR cùng với lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương; tham dự ở đầu cầu Lâm Đồng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố và sở, ban, ngành tham dự.
Giảm về số vụ và mức độ thiệt hại
Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 807 vụ vi phạm Luật BV&PTR; diện tích thiệt hại do phá rừng 69,6767 ha, lâm sản thiệt hại 3.030,516 m3. So sánh cùng kỳ năm 2016, số vụ vi phạm giảm 323 vụ (-29%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 31,5441 ha (-31%), lâm sản thiệt hại giảm 576,755 m3 (-16%). Ngành chức năng đã xử lý 731 vụ, trong đó 700 vụ hành chính (tịch thu 291 phương tiện, dụng cụ; 1.208,545 m3 gỗ tròn, xẻ; thu nộp ngân sách gần 7,248 tỷ đồng) và 31 vụ hình sự với 42 bị can.
Cũng trong 9 tháng qua, trên địa bàn Lâm Đồng đã nổi lên 2 vụ vi phạm điển hình ở hai huyện Bảo Lâm và Đạ Tẻh. Đó là vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại khu vực thuộc lâm phần quản lý và bảo vệ của Công ty TNHH Hà Tiến, Thôn 3, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, gây thiệt hại 129,971 m3 gỗ. Vụ hủy hoại và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tiểu khu 543 xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý. Tổng diện tích bị tác động phá trắng là 6,972 ha; có 1.293 gốc cây và 1.390 lóng gỗ, thân gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 430,153 m3 từ nhóm 2 đến nhóm 8. Đã khởi tố 6 bị can đối với vụ ở Lộc Bảo và 8 bị can đối với vụ ở Quảng Trị để điều tra, xử lý theo quy định.
Đạt được kết quả về các mức độ giảm như nêu trên là điều đáng mừng bởi qua đó thể hiện những chủ trương, đường lối chỉ đạo, lãnh đạo và chính sách về công tác QLBV&PTR của Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Lâm Đồng ngày càng được hiện thực hóa trong thực tiễn.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế là: số vụ vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài tại một số địa bàn như Đà Lạt, Bảo Lâm và Đạ Tẻh.
Mặt khác, tình hình phá rừng làm rẫy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có sự tham gia của số đông người, đòi yêu sách với chính quyền và các lực lượng chức năng, một số đối tượng lợi dụng chính sách dân tộc đã tham gia phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, khi bị bắt giữ, ngăn chặn thì tụ tập gây rối, chống người thi hành công vụ. Ở một số địa bàn còn để dân lấn chiếm đất rừng nhưng chính quyền địa phương, chủ rừng chậm phát hiện, chưa kiên quyết xử lý kịp thời, dứt điểm. Tiến độ thẩm định các hạng mục công trình lâm sinh còn chậm theo kế hoạch. Diện tích trồng rừng sau giải tỏa đa phần không tập trung nên khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát. Đó còn là hồ sơ đất đai của các công ty lâm nghiệp do thời gian quản lý chưa chặt chẽ, không đầy đủ và ranh giới đất đai biến động khá nhiều…
Cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp
Để từ nay đến cuối năm 2017, tỉnh Lâm Đồng đạt được mục tiêu chung của năm là giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR và giảm ít nhất 50% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra so với năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, sở, ban, ngành liên quan và cả hệ thống chính trị nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Tại một văn bản chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Phạm S kết luận: “Các địa phương, đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác QLBVR và đất lâm nghiệp. Nơi nào để xảy ra phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép,… mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không tìm ra đối tượng vi phạm thì người đứng đầu địa phương, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh”.
Ngày 16/10, trao đổi với PV Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Khang Thiên – Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh thêm một số giải pháp trong 3 tháng còn lại năm 2017 là: Các tổ chức chính trị – xã hội và các đơn vị chuyên trách liên quan công tác QLBVPTR ở cấp cơ sở, từ xã đến huyện phải thực sự đẩy mạnh vai trò người đứng đầu; thực sự phát huy trách nhiệm và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thông báo 191 của Văn phòng Thủ tướng. Đồng thời, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố ngoài đi kiểm tra rừng mỗi tháng ít nhất 1 lần phải tổ chức kiểm tra quyết liệt việc chấp hành QLBV&PTR một cách hệ thống, đến nơi đến chốn. Theo đó, thường xuyên báo cáo kịp thời thông tin diễn biến về công tác tài nguyên rừng cho cấp trên để kịp thời có hướng chỉ đạo xử lý. Đó còn là tăng cường công tác xử lý vi phạm một cách quyết liệt; chỉ đạo các cấp thuộc thẩm quyền thuộc huyện, thành phố liên quan có thái độ cương quyết đấu tranh quyết liệt trong phòng chống xâm hại tài nguyên rừng và đấu tranh trong công tác xử lý. Các địa phương cần phải chú trọng các điểm nóng, các vùng giáp ranh giữa các xã, giữa các huyện có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát xâm hại tài nguyên rừng và đất rừng nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm Luật BV&PTR, Luật Đất đai.
Ông Thiên cũng lưu ý đặc biệt hành vi phá rừng để lấn chiếm đất trồng cây công nghiệp hoặc mua, bán đất trái pháp luật. Cuối cùng là đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong toàn địa bàn về công tác QLBV&PTR; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và khen thưởng kịp thời động viên những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác QLBV&PTR.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà