Không phải tất cả, nhưng với con số 84 dự án bị thu hồi vì để mất đến hàng trăm ha rừng đã khiến dư luận nghi ngờ về tính hiệu quả khi giao rừng cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, khi yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, các doanh nghiệp để rừng “bốc hơi” lại chây ỳ, không nộp tiền khắc phục, thậm chí còn biến mất khỏi địa phương…
Nhiều diện tích rừng đã bị mất khi Nhà nước giao cho doanh nghiệp. Ảnh: T.Trang |
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Ðồng, toàn tỉnh có 321 doanh nghiệp được giao đất, thuê đất, thuê rừng để triển khai đầu tư du lịch sinh thái, nông lâm kết hợp, trồng rừng, trồng cao su, nuôi cá nước lạnh… với tổng diện tích 57.209 ha/386 dự án. Việc giao, cho thuê rừng, đất rừng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa việc bảo vệ và phát triển rừng, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nghề rừng; giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân khu vực có rừng. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp thuê rừng đã để mất rừng với diện tích cũng rất lớn, UBND tỉnh buộc phải ban hành quyết định thu hồi 189 dự án, trong đó có tới 84 dự án doanh nghiệp để mất cả ngàn ha rừng mà cụ thể ở đây là 1.157 ha.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh có 386 dự án liên quan đến rừng, với tổng diện tích là 57.209 ha. Trong đó, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực du lịch sinh thái (116 dự án, với 10.048 ha), trồng rừng (113 dự án, với diện tích 16.480 ha), trồng cao su (59 dự án, với 23.121 ha), nông lâm kết hợp (41 dự án, với 5.218 ha), nuôi cá nước lạnh (13 dự án với 681 ha)… |
Điển hình là Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc của Công ty CP Nam Nam, tại khu vực Tiểu khu 442, lâm phần nằm trên địa bàn xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép với tổng diện tích 120,38 ha. Trong vòng 6 năm kể từ ngày nhận dự án, doanh nghiệp gần như không triển khai mà còn để mất tới 43,5 ha, phần lớn diện tích bị lấn chiếm đã được thay thế bằng các loại cây công nghiệp dài ngày. Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã nhiều lần gửi giấy mời giám đốc doanh nghiệp này đến làm việc, nhưng đại diện doanh nghiệp vẫn biệt vô âm tín. UBND tỉnh Lâm Đồng buộc phải ban hành quyết định thu hồi toàn bộ dự án, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng hơn 9,9 tỷ đồng.
Cũng tại địa bàn huyện Bảo Lâm, Dự án đầu tư trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp tại xã Lộc Ngãi, do Công ty TNHH An Nguyễn thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích 162,34 ha. Nhận đất, rừng vào năm 2011, dù đã được cấp phép đầu tư nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện theo cam kết ban đầu, không triển khai dự án trồng rừng theo quy định mà chỉ việc khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích được cải tạo trồng rừng. Những cánh rừng xanh mướt một thời đã bị hạ trắng để lấy đất trồng chè, cà phê. Đến năm 2017, khi dự án bị thu hồi, doanh nghiệp đã để mất tới 31,45 ha rừng, số tiền cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường là trên 11,9 tỷ đồng.
Tương tự, tại địa bàn huyện Đức Trọng, Công ty TNHH Vĩnh Tuyền Lâm để mất tới 49,31 ha rừng và nay đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi và yêu cầu bồi thường trên 22,8 tỷ đồng. Còn tại địa bàn huyện Lạc Dương, Công ty TNHH TM DV XNK Võ Hà Lê để mất hơn 40 ha rừng. Tổng số tiền yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường là trên 20,7 tỷ đồng, đồng thời bị thu hồi toàn bộ dự án.
219 tỷ đồng là số tiền UBND tỉnh và Sở Tài chính phê duyệt để yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chậm, hoặc chây ỳ thực hiện. Do đó, đến nay, ngành chức năng tỉnh Lâm Ðồng mới thu được khoảng 10% trong số tiền hơn 219 tỷ đồng nói trên.
Trong số các dự án để mất rừng, bị yêu cầu bồi thường với số tiền lớn, có thể kể đến như Công ty TNHH Sản xuất thương mại XNK Hoàng Thịnh đã để mất tới 110,99 ha, số tiền phải bồi thường là 69,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch Thuận Thành (12,27 ha), yêu cầu bồi thường trên 10,8 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp bị thu hồi toàn bộ dự án và yêu cầu bồi thường thiệt hại do để mất rừng từ nhiều năm qua nhưng vẫn chây ỳ, như Công ty TNHH Ngọc Mai Trang để mất 21,6 ha rừng, tỉnh yêu cầu bồi thường 12,4 tỷ đồng từ năm 2013, nhưng cũng như các đơn vị khác, công ty này vẫn chưa chấp hành.
Có thể nói, việc thu hồi tiền bồi thường tài nguyên rừng tại các dự án để mất rừng trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều trường hợp, Sở Tài chính gửi văn bản hối thúc thực hiện nộp tiền bồi thường theo quyết định của tỉnh nhưng bị bưu điện trả lại do địa chỉ công ty không còn hoặc đã chuyển đi nơi khác. Thêm khó khăn nữa trong việc xử lý các dự án để mất rừng gặp nhiều trở ngại là do chưa có chế tài xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, người đứng đầu doanh nghiệp đơn vị để mất rừng. Khi xảy ra tình trạng mất rừng chỉ yêu cầu bồi hoàn lại số lượng rừng bị mất nên phần lớn các doanh nghiệp này không thực hiện.
Lý giải về việc doanh nghiệp để mất rừng, ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Do năng lực tài chính của các dự án đa phần hạn chế nhưng xây dựng dự án quá lớn, vượt quá khả năng đầu tư, cũng có trường hợp xin dự án nhằm chiếm giữ chờ cơ hội để sang nhượng. Nhân lực quản lý bảo vệ chưa tốt dẫn đến một số dự án để mất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư sau khi nhận được giấy phép đầu tư và quyết định cho thuê đất triển khai, quản lý, bảo vệ rừng trên khu vực đất xin thuê không tốt, để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Dù vậy, nhiều dự án khi bị thu hồi một phần hoặc toàn bộ dự án để bàn giao lại cho đơn vị chủ rừng nhà nước tiếp tục quản lý, bảo vệ lại chậm trễ trong việc thực hiện bồi thường theo quy định.
26 vụ lấn chiếm mới đất lâm nghiệp trong tháng 8
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm (KL) ngày 27/8 cho biết, trong tháng 8/2018, trên địa bàn toàn tỉnh lực lượng KL và các đơn vị chủ rừng đã phát hiện, lập biên bản 30 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 4,79 ha; trong đó có đến 26 vụ lấn chiếm mới với 3,99 ha và 4 vụ tái lấn chiếm (0,80 ha).
Theo Phó Chi cục trưởng KL tỉnh Phạm Văn Huy, căn cứ vào Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 20 (Phá rừng trái pháp luật), bao gồm các hành vi như chặt phá cây rừng; đào bới, san ủi, nổ mìn, đào, đắp ngăn nước, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng không thực hiện đúng quy định cho phép có đến 26 vụ gây thiệt hại gần 7,42 ha, tăng lên so với tháng 7. Trong đó, phá rừng làm rẫy 19 vụ (gần 6 ha) và mục đích khác 5 vụ.
Đặc biệt, trong số diện tích rừng bị xâm hại có tới 21 vụ vi phạm rừng tự nhiên với diện tích bị phá hơn 5,6 ha.
M.ÐẠO
|
THỤY TRANG
Nguồn: Báo lâm đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”