Trở lại Dơng Iar Jiêng

Rừng có lẽ là yếu tố quan trọng nhất đã bao bọc và gìn giữ để Dơng Iar Jiêng vẹn nguyên những nét đặc trưng vốn có của một cộng đồng người Cil.
 
Nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, làm rẫy và đan lát là những công việc chính của người Dơng Iar Jiêng
Nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, làm rẫy và đan lát là những công việc chính của người Dơng Iar Jiêng
 
Sau 5 năm, lần thứ 2 chúng tôi quay lại, Dơng Iar Jiêng – ngôi làng nhỏ của người Cil (một nhánh của dân tộc K’Ho) nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà vẫn thế. Hoang vu và đầy mê hoặc. Người trẻ đam mê khám phá và xê dịch như Trần Đặng Đăng Khoa đã chia sẻ trong chương trình Traveloka Golocal viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam rằng “Dơng Iar Jiêng là một ngôi làng của bà con DTTS xa xôi hẻo lánh nằm tận trong rừng sâu, bên kia những rặng núi cao, ẩn khuất trong lòng thung lũng xa xăm. Có thể nói, đây là ngôi làng xa xôi nhất Lâm Đồng, và cũng có thể của cả miền Nam, phải đi đường nhựa, đường đất, chạy xe vào rừng, rồi bỏ xe lại lội bộ cả chục cây nữa theo triền dốc xuống từ độ cao 1.600 m xuống 900 m mới đến được ngôi làng im lặng giữa thung lũng này”.
 
Còn Giám đốc VQG Bidoup – Núi Bà Lê Văn Hương đã quả quyết với chúng tôi “Dơng Iar Jiêng là nơi duy nhất còn giữ được gần như nguyên vẹn những đặc điểm của cộng đồng người Cil”. Bởi công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về văn hóa ở vùng Bidoup – Núi Bà đã cho thấy: “cuộc trở mình” qua các giai đoạn phát triển kinh tế đã làm cho các buôn làng ở khu trung tâm có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy dẫu tích cực hay không cũng làm đổi thay những đặc trưng vốn có của các buôn làng.
 
Dơng Iar Jiêng là làng của người Cil từ lâu đời. Bởi vậy, khi VQG được hình thành, Dơng Iar Jiêng nằm ngay chính giữa trái tim của Vườn. Nơi đây có 37 nóc nhà của người Cil. Họ có nhà cửa ở ngoài xã Đa Nhim, con cái ra ở ngoài xã để tiện việc học hành, sinh hoạt. Còn người già ở lại Dơng Iar Jiêng và sống như cách ông cha họ đã từng. Mỗi lần có việc cần ra xã, những người già lại thong thả đi bộ, luồn rừng từ mờ sáng. Thanh niên trẻ muốn vào làng, họ chạy những chiếc xe máy chuyên dụng đi kiểm tra bảo vệ rừng. Có một điều chắc chắn rằng, chỉ có những người con của Dơng Iar Jiêng mới có thể chạy xe máy trên cung đường ấy. Đã từng xem các tay lái xe máy địa hình, nhưng với riêng tôi: thanh niên Dơng Iar Jiêng mới thực sự là những tay lái cừ khôi. 
 
Đuổi chim ăn lúa bằng chuông gió làm từ nứa
Đuổi chim ăn lúa bằng chuông gió làm từ nứa
 
Cũng có người đã từng đặt câu hỏi: đường sá xa xôi đi lại khó khăn, không điện, không sóng điện thoại, sao người ta không rời Dơng Iar Jiêng? Nhưng phải đặt chân vào nơi này, hít căng lồng ngực, sự trong lành của rừng núi, nghe tiếng suối róc rách lúc chiều hôm, tiếng chim hót véo von khi mờ sáng, trời mưa xuống thấy nai về ở đám đất bằng bên suối và bước chân đi giữa những rẫy cà phê không thuốc hóa học vẫn trĩu quả, giữa những thơm, mít, xoài chín trên cây thơm lừng… sẽ hiểu vì sao bà con vẫn gắn bó Dơng Iar Jiêng. Chính ở nơi này, người Cil được sống giữa rừng, sống là chính mình.
 
Không gian của làng Dơng Iar Jiêng mở về 3 phía: Rẫy, nguồn nước và rừng. Cuộc sống của người Dơng Iar Jiêng chủ yếu dựa vào làm rẫy. Trong câu chuyện chắp nối của ông Cil Phi Crieu Ha Gioan (70 tuổi), một người già ở đây, chúng tôi biết rằng: Trước đây bà con chủ yếu trồng bắp. Rẫy được phát ở nơi mọc nhiều lồ ô, cỏ dại. Công việc đốt rẫy được tiến hành chung cho cả làng. Lửa dùng để đốt rẫy được lấy bằng cách kéo cọ sát dây mây vào một thanh gỗ được cạo vỏ, phơi khô gọi là: kơrơ nùt. Người Cil kiêng không dùng lửa được tạo từ đá lửa, hoặc quẹt diêm để đốt rẫy vì cho rằng các loại lửa này cháy rất nhanh, dễ gây cháy rừng lân cận với rẫy. Người được chọn để cầm bó đuốc châm lửa đốt rẫy cũng phải là người trầm tính, chậm chạp, không chọn những người nhanh nhẹn, hoạt bát vì người Cil quan niệm rằng lửa từ tay những người này sẽ cháy nhanh, rất khó kiểm soát. Ngày nay người Dơng Iar Jiêng còn trồng thêm cây lúa nước và cà phê. Và họ vẫn giữ phương thức canh tác đơn sơ như trước. Có người già bảo rằng, Dơng Iar Jiêng là mảnh đất màu mỡ, nên có lẽ vì thế mà phương thức canh tác nơi đây không có sự can thiệp quá nhiều của các loại phân bón hóa học. Những ruộng lúa của người Dơng Iar Jiêng được trồng dọc theo những con suối. Và chỉ có ở ngôi làng trong rừng thẳm này người ta mới làm các loại đàn ống tre, chong chóng gió để tạo ra những tiếng kêu, đuổi chim thú phá hoại ruộng lúa. Lấy hèm rượu cần vãi khắp ruộng, rẫy để trừ sâu. Vào mùa lúa, bắp trĩu hạt, họ dựng hàng rào tre quanh ruộng và chuẩn bị sẵn những hòn đá trước nhà sàn để khi đêm về, có con heo rừng nào lọt hàng rào thì ném đá đuổi đi. Và phân định ranh giới ruộng rẫy bằng những cục đá to như quả bí được cắm sâu xuống đất. Người Dơng Iar Jiêng có những quy tắc bất thành văn như những câu có vần vè mà bà Cil Krieu K’ry vừa chuốt nan đan gùi vừa đọc: Sông suối là của chung/Cá dưới suối ai xúc cũng được/Bắt ếch con còn chừa ếch mẹ/Chặt cây tre phải chừa cây măng/Đốt tổ ong phải chừa ong chúa/Bẫy cá bằng thuốc sẽ làm suối nghèo. 
 
Cùng với cơ quan chức năng, người Dơng Iar Jiêng góp sức quản lý và bảo vệ rừng
Cùng với cơ quan chức năng, người Dơng Iar Jiêng góp sức quản lý và bảo vệ rừng
 
Như cha ông trước đây, người Dơng Iar Jiêng nay vẫn giữ những nguyên tắc nhất định trong ứng xử với rừng. Nhấm nháp ly rượu với con cá suối nướng trong căn nhà sàn, ông Ha Năm (60 tuổi) nói những câu chuyện đứt quãng về người Cil từ xa xưa. Nhưng câu chuyện chân thành của người đàn ông nhiều năm làm cán bộ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng đã dành cả thanh xuân của mình với rừng của VQG đã cho chúng tôi hiểu rằng: Trước đây bà con du canh, du cư, phát rừng làm rẫy nhưng không phải canh tác tùy tiện. Người Cil không phát – đốt ở vùng rừng đầu nguồn. Hơn nữa, việc khai thác lâm sản trong quá khứ chỉ dừng lại ở nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của cộng đồng đó mà không sinh lợi về tiền tệ. Khi canh tác nương rẫy, người Cil không tác động vào những khoảnh rừng trên cao. Theo quan niệm của họ là để cho các vị thần linh về trú ngụ, nhưng tri thức bản địa cho thấy những khu rừng này chống hiện tượng mưa lũ xối từ trên đỉnh núi, đồng thời là tác nhân tái sinh các loại cây hoang dại khi rẫy được bỏ hoang hóa trong quá trình luân canh. Bà con không được chặt cây hay săn bắt thú vật ở khu rừng đầu nguồn, vì nếu tự ý chặt cây hay săn bắt thú rừng ở khu rừng này sẽ bị thần linh trả thù bằng cách gây dịch bệnh, ốm đau hay chết. Câu chuyện của người đàn ông ấy làm tôi càng hiểu thêm về tín ngưỡng thờ thần rừng của người Cil. Và nếu gạt bỏ đi lớp màn huyền bí, có thể thấy một phương thức tác động vào tự nhiên rất khoa học để ngăn cản hành động tàn phá rừng một cách vô thức. 
 
Khi VQG được hình thành, người Dơng Iar Jiêng chỉ canh tác trên ruộng, rẫy đã có ở dọc suối và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng do VQG giao khoán. Những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta bao quanh làng được người dân am hiểu về rừng, sống giữa lõi rừng bảo vệ hiệu quả. Một lý lẽ đơn giản nhưng thực tế được những người già ở nơi này lý giải rằng: “Ở rừng mới có thể bảo vệ rừng tốt nhất”. Rừng là máu thịt của người Cil, người Dơng Iar Jiêng. Có lẽ hiểu điều đó nên ông Nguyễn Bá Hòa – người nhiều năm làm công tác kiểm lâm ở VQG Bidoup – Núi Bà quả quyết: “Bà con chẳng bao giờ làm gì tác động xấu đến rừng”. Và cũng chính rừng đã bao bọc, ấp ôm để giữ trọn một ngôi làng đặc biệt của người Cil trong rừng thẳm.
 
Với những giá trị riêng có, Dơng Iar Jiêng trở thành địa chỉ lý tưởng mà những người đam mê du lịch trải nghiệm muốn đặt chân tới. VQG Bidoup – Núi Bà cũng đang hướng đến phát triển du lịch ở nơi này. Đó sẽ là hướng đi đúng và mang lại lợi ích thực sự khi tạo ra sự gắn bó hài hòa giữa sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn; là hình thành được những sản phẩm du lịch, loại hình du lịch sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của cộng đồng người bản địa.
Nguồn: Báo Lâm Đồng