Bảo tồn loài vượn đen má vàng ( Nomascus gabriellae) tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà

Quỹ quốc tế về bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã – WWF là một trong những tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn thiên nhiên lớn nhất và giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới. Tổ chức phi Chính phủ này có gần 5 triệu cộng tác viên và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động tại hơn 100 nước. Mục tiêu của tổ chức là ngăn chặn suy thoái môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người chung sống hòa hợp ới thiên nhiên. Năm 2010 Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà được quỹ quốc tế về bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã – WWF ưu tiên bảo tồn loài Vượn đen má vàng ( Nomascus gabriellae) ở vùng cảnh quan Nam Trường Sơn thông qua nâng cao năng lực của kiểm lâm địa phương. Mục tiêu của dự án: (1) Nâng cao năng lực, thành lập nhóm điều tra linh trưởng mà nòng cốt là cán bộ kiểm lâm thực hiện các cuộc điều tra và giám sát; (2) Thiết lập bức tranh tổng thể về phân bố loài Vượn và xác định các mối đe dọa trong vùng cảnh quan; (3) Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và các nhà hoạch định chính sách về hiện trạng các loài Vượn; (4) Triển khai các hoạt động bảo tồn và xây dựng hệ thống quản lý bảo tồn Vượn trong các khu rừng đặc dụng. Kết quả mong muốn của dự án đạt được là: (1) Xác định được vùng phân bố loài Vườn đen má vàng tại VQG Bidoup – Núi Bà; (2) Nâng cao năng lực cho cán bộ kiểm lâm địa phương thực hiện điều tra khảo sát và gắn kết với cộng đồng trong việc bảo tồn loài Vượn; (3) Lồng ghép hệ thống quản lý bền vững cho loài Vượn và các loài ưu tiên khác trong hệ thống rừng đặc dụng; (4) Nâng cao nhận thức của người dân xung quanh VQG và vùng ưu tiên cho loài Vượn; (5) Gắn kết vai trò của người dân trong việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn.

Theo báo cáo luận chứng khoa học chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup- Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà năm 2004 thì Vườn quốc gia có tổng diện tích là 64.800 ha, nơi đây chứa đựng nhiều cảnh quan tự nhiên có giá trị cao về khoa học và du lịch, nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, là đặc trưng cho hệ sinh thái á nhiệt đới, được bao bọc xung quanh các hệ sinh thái đặc trưng của các Vườn quốc gia như: Vườn quốc gia Chư Yang Sing (tỉnh Đăk Lăk), Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) và diện tích rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (tỉnh Lâm Đồng), kết quả điều tra ban đầu cho thấy hệ động thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng: về thực vật đã ghi nhận được 1468 loài, thuộc 673 chi, 161 họ; về động vật có 208 loài, thuộc 81 họ, 27 bộ, trong đó bộ Linh trưởng (Primates) có 3 họ, họ Vượn có một loài đó là Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), theo Nghị định 32/2006/NĐ- CP, ngày 30   tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thì Vượn đen má vàng thuộc IB cấm khai thác, sử dụng. Hiện nay việc quản lý bảo vệ rừng nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng về các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là một thách thức lớn bởi cùng với sự phát triển kinh tế của địa phương kéo theo nhiều áp lực liên quan đến tài nguyên rừng như: Khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng để sản xuất hoặc thương mại, săn bắn và bẫy bắt các động vật hoang dã, khai thác các lâm sản ngoài gỗ (như Lan, dớn, nấm,…), cháy rừng, xây dựng đường giao thông đi qua Vườn quốc gia, quy hoạch sử dụng đất của địa phương,..vì vậy việc bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ cho riêng vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà mà còn mang tính đặc trưng của vùng Nam Tây Nguyên, nơi đây có nhiều loài động vật mang đặc tính của vùng Nam trường Sơn như: Bò tót (Bos gaurus), Voi (Elephas maximus), Hổ (Panthera Tigris), Vượn (Hylobatidae). Trong số các loài động vật trên thì họ Vượn chỉ có một loài do đó việc bảo tồn loài Vượn phải được đặt nên hàng đầu.

Qua quá trình điều tra Vượn, dưới sự hướng dẫn của 2 chuyên gia WWF có chuyên môn và kinh nghiệm, sau 10 ngày bằng phương pháp điều tra nghe tiếng kêu (Vượn hót ) chúng tôi ghi nhận được tại một trạm kiểm lâm quản lý với diện tích khoảng 6 nghìn ha có 7 đàn Vượn, mỗi đàn khoảng từ 1-3 con, đây là 1 trong 3 trạm kiểm lâm quản lý có Vượn hót, 2 trạm còn lại chưa có thời gian để điều tra (Theo ý kiến của người dân hay đi vào rừng), nơi nghe tiếng Vượn hót rất xa, thuộc kiểu rừng già, có nhiều cây gỗ lớn, rừng chưa bị tác động. Nhưng theo người dân những năm gần đây không nghe thấy Vượn hót khi đi làm rẫy mà muốn nghe được phải vào rất sâu trong rừng, tiếng hót không nhiều và thời gian hót thì ngắn. Điều đó cho thấy môi trường sống của Vượn đã có sự thay đổi, do đó để bảo tồn tốt loài Vượn đen má vàng tại Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà cần phải thực hiện một số các giải pháp sau:

Về phía Vườn quốc gia: (1) Tiếp tục khảo sát điều tra loài Vượn đen má vàng tại những vùng còn lại ( theo người dân hay đi vào rừng) để đánh giá số lượng quần thể, phân bố, tình trạng sống,…làm cơ sở dữ liệu cho việc giám sát, theo dõi cũng như đề xuất các biện pháp bảo vệ hữu hiệu, xác định khu vực phân bố chính và phụ cận để phục vụ tốt cho công tác quản lý và bảo vệ loài; (2) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát những khu vực này, thành lập các điểm chốt chặn tại các tuyến đường khu vực Liêng Ka, Đưngia riêng, Đạ Long. Công tác tuần tra, kiểm soát phải có kế hoạch chi tiết cụ thể, bám sát thực tế, đồng thời xây dựng mạng lưới thông tin từ chính người dân. Thường xuyên phối hợp với Chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng giáp ranh, kiểm lâm địa bàn tổ chức tuần tra, truy quyét; tổ chức họp giao ban định kỳ, ký kết quy chế phối kết hợp hoạt động với các đơn vị theo Nghị định số 74/2010/NĐ- CP, ngày 12/7/2010 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 98/2010/TTLT-BQP-BNNPTNT ngày 19/7/2010 giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp hoạt động với các đơn vị phải có kế hoạch cụ thể và được đánh giá sau mỗi lần tổng kết; (3) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn, quản lý bảo vệ linh trưởng đến các tầng lớp nhân dân nhất là cộng đồng dân cư sống trong và vùng đệm của Vườn quốc gia. Nâng cao nhận thức bảo tồn thông qua các chương trình giáo dục lồng ghép trong nhà trường (câu lạc bộ bảo tồn), tại thôn bản như những buổi họp thôn, sinh hoạt cộng đồng, tại Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà (chương trình giáo dục cho du khách và cán bộ Vườn). Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ngoài báo chí, đài phát thanh, truyền hình thì các loại áp phích, tờ bướm, đặc biệt là trên bìa vở học sinh và phân phát cho các em, cho các gia đình đã đem lại kết quả tốt về bảo tồn; (4) Cần phải có nghiên cứu sự phụ thuộc của người dân sống trong và vùng đệm Vườn quốc gia đối với các sản phẩm rừng. Kết quả này sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phục vụ cho việc xây dựng các dự án phát triển và các hoạt động kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của người dân vào rừng và chỉ khi nào dân thực sự tham gia vào công việc QLBVR nói chung và tài nguyên thú linh trưởng nói riêng trong đó có Vượn đen má vàng thì mới có thể phát triển bền vững; (5) Cần phải có sự nghiên cứu về chuỗi thức ăn của loài Vượn đen má vàng, thức ăn chủ yếu là loài cây gì để từ đó phục vụ tốt cho công tác quản lý bảo vệ nguồn thức ăn, duy trì  sự sống cho loài Vượn này; (6) Đối với các khu vực có Vượn đen má vàng không nên thiết kế các tuyến đường ô tô đi qua mà chỉ sử dụng đường mòn hoặc không nên xây dựng các công trình gần nơi sinh sống của Vượn; (7) Cần phải mở rộng hợp tác với các tổ chức, các trường đại học, Viện nghiên cứu giúp cho việc đào tạo và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về bảo tồn, hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công việc, tiếp cận các phương pháp mới trên thế giới về điều tra, giám sát, cách quản lý, phương thức bảo tồn loài Vượn đen má vàng; (8) Sau khi dự án về Vượn đen má vàng kết thúc, Vườn quốc gia rất cần có sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức để tiếp tục thực hiện quá trình giám sát, quản lý và bảo tồn loài này.

Về phía Chính quyền địa phương, TW, các tổ chức dự án: (1) Đối với các nhà hoạch định chính sách ở địa phương cần có một chiến lược quy hoạch tổng thể về sử dụng đất: Đất nào dành cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, Doanh nghiệp và cho chăn nuôi; đồng thời phải có quỹ đất dự trù, có như thế mới giảm áp lực của dân vào Vườn quốc gia; (2) Kết hợp với Vườn quốc gia tiến hành di dân từ vùng lõi ra vùng đệm của Vườn quốc gia, đồng thời phải có kế hoạch, chiến lược phát triển vùng đệm, gắn giữa phát triển kinh tế của địa phương với việc sử dụng bền vững tài nguyên rừng; (3) Phát triển mạnh mạng lưới khuyến nông lâm để hỗ trợ người dân về kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ giống, vật nuôi, sử dụng NLKH để đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo lương thực cho đời sống của người dân; (4) Đối với WWF sau khi dự án kết thúc rất cần có kế hoạch tiếp theo đầu tư cho việc giám sát loài Vườn, phục vụ tốt cho công tác QLBV loài này; ngoài phương pháp điều tra theo tiếng kêu còn có thể kết hợp một số phương điều tra khác như phương pháp đánh giá mật độ nhóm, đống phân thì kết quả sẽ có độ chính xác cao hơn và từ đó đưa ra biện pháp quản lý bảo vệ tốt hơn; (5) Đối với những vùng giáp ranh có loài Vượn xuất hiện thì quá trình xây dựng dự án bảo tồn loài Vượn cần tiến hành cả 2 bên (Trong cùng một điều kiện sinh thái và phạm vi hẹp loài có thể di chuyển qua lại).

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2005), Báo cáo diễn biến Môi trường Việt Nam năm 2005, Đa dạng sinh học, Hà Nội.

2. Dự án ALA/VIE/94/24, Chương trình nghiên cứu Việt Nam – Hà Lan (VNRP) (2002), Kỷ yếu hội thảo Quốc tế Vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội.

3. FFI (2000), Sổ tay điều tra thực địa linh trưởng. Chương trình Đông Dương, Tổ chức động thực vật hoang dã Quốc tế, Hà Nội, Việt Nam.[bản tiếng Anh].

4. Geissmann, T., Nguyễn Xuân Đặng, Lormée, N. & Momberg, F.(2000). Đánh giá hiện trạng bảo tồn linh trưởng Việt Nam, Việt Nam năm 2000, Phần 1: Các loài Vượn. Chương trình Đông Dương, Tổ chức động thực vật hoang dã Quốc tế, Hà Nội, Việt Nam.[bản tiếng Anh].

5. IUCN Việt Nam (2003), Đánh giá các khu bảo tồn và phát triển tại bốn nước khu vực hạ lưu sông Mê Kông, Báo cáo quốc gia của Việt Nam về các khu bảo tồn và phát triển, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội.

6. Cao Thị Lý (2010), Bài giảng Đa dạng sinh học, dành cho Cao học Lâm Nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên.

5. Phạm Nhật, Đỗ Tước, Trần Quốc Bảo, Phạm Mộng Giao, Vũ Ngọc Thành và Lê Xuân Cảnh (1998), Phân bố và tình trạng linh trưởng của Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo về kế hoạch hành động bảo tồn các loài linh trưởng Việt Nam, Hà Nội.

8. Nguyễn Hoàng Nghĩa (2008), Đa dạng sinh học và bảo tồn, Sách chuyên khảo dùng cho giảng dạy cao học, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

9. Nghị định 32/2006/NĐ- CP, ngày 30   tháng 3 năm 2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

10. Nghị định số 74/2010/NĐ- CP, ngày 12/7/2010 của Chính phủ về công tác chỉ đạo hướng dẫn lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.

11. Phân Viện Điều tra Quy hoạch rừng II (2004), Luận chứng khoa học chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup- Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà.

12. Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên – WWF chương trình Đông Dương (2003), Sổ tay hướng dẫn điều tra và giám sát đa dạng sinh học, Nxb Giao thông Vận tải, Hà Nội.

13. Thông tư liên tịch số 98/2010/TTLT-BQP-BNNPTNT ngày 19/7/2010 giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

14. Le Trong Dat (2009), Survey of Western Black Crested Gibbon (Nomascus concolor) in Hoang Lien – Van Ban Nature Reserve, Van Ban district, Lao Cai Province, Vietnam (including other Wildlife records). Fauna & Flora International Vietnam programme, Unpublished Report, Ha noi.

15. Geissmann, T., and Nguyen The Cuong (2009). Results of  rapid gibbon survey in the Lung Ri area (Trung Khanh district, Cao Bang Province) in Northeastern Vietnam. Fauna and Flora international, Vietnam Programme, Hanoi, 9pp.

Hoàng Đình Quang

( Bài này được đăng trên Bản tin của lực lượng kiểm lâm Việt Nam số 7/2011)