Hoạt động và kết quả hợp tác quốc tế

Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là xu thế nổi bật của thế giới. Hợp tác quốc tế đã trở thành một yếu tố quan trọng để thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Khi thành lập Thủ tướng Chính phủ đã quy định “Hợp tác quốc tế” là một trong 9 Chương trình hoạt động để đạt các mục tiêu quản lý của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Đến nay, Vườn đã chủ động tích cực tiếp cận và hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để tìm nguồn tài trợ cho các dự án và hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi chia sẻ thông tin. Hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia hướng đến góp phần cải thiện sinh kế, quản lý hợp tác trên địa bàn vùng lõi và vùng đệm thông qua các chương trình dự án; đồng thời nghiên cứu về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và sử dụng rừng bền vững cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ.

Từ khi thành lập đến nay, Vườn quốc gia đã chủ động đề xuất và thực hiện nhiều dự án từ những nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cộng đồng chung châu Âu (EU), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Được đánh giá là một trong những Vườn quốc gia có hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Lãnh đạo và tập thể cán bộ của Vườn không ngừng nâng cao nghiệp vụ và trình độ để chủ động tiếp cận các chương trình dự án nhằm đề xuất các hoạt động phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ và phù hợp với ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Vườn quốc gia cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới để chịu trách nhiệm tìm kiếm thông tin, đề xuất và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học.

Vườn quốc gia đã chủ động đề xuất với Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) do WB, EU và GEF đồng tài trợ để thực hiện 3 giai đoạn gồm các dự án nhỏ trong giai đoạn từ (2006-2013). Mục tiêu của các dự án nhỏ này là (a) Nâng cao năng lực Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nhằm góp phần bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có và tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn của Vườn Quốc gia; (b) Bảo tồn các sinh cảnh tự nhiên và quần thể các loài động thực vật bị đe dọa toàn cầu, trong đó đặc biệt chú ý đến những loài thú lớn, các loài linh trưởng, các loài thực vật và các loài chim đặc hữu; (c) Giảm thiểu tác động của con người đối với rừng, tài nguyên của rừng và đặc điểm đa dạng sinh học bên trong Vườn quốc gia. Để đáp ứng các mục tiêu trên, dự án đã có các hoạt động tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc lập kế hoạch quản lý, thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích gắn với hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương. Lập quy hoạch chiến lược bảo tồn trong đó chú trọng đến các sinh cảnh và loài quan trọng.

Nhằm thí điểm và xác định các yếu tố cần thiết để xây dựng và nhân rộng cách tiếp cận sử dụng đa mục đích trong quản lý rừng đối với ba phân hạng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Để có thể hỗ trợ cho bảo tồn ở các khu rừng đặc dụng và thử nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học ngoài các khu được ưu tiên bảo vệ. Làm thế nào để tổng hòa các mối quan hệ giữa vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và giảm nghèo cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Vườn đã đề xuất dự án “Thí điểm Phương pháp quản lý rừng đa mục đích tỉnh Lâm Đồng” do Quỹ uỷ thác ngành Lâm nghiệp (TFF) tài trợ với sự tham gia của 06 đơn vị chủ rừng. Trong đó có Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà với mục tiêu là: (a) Giới thiệu mô hình quản lý rừng đa mục đích đối với 3 phân hạng quản lý rừng của tỉnh Lâm Đồng và nhân rộng ở cấp quốc gia; (b) Tăng cường năng lực quy hoạch và quản lý sử dụng rừng đa mục đích, định giá rừng, và quản lý tổng hợp cho Sở NN & PTNT, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị quản lý rừng, các xã và huyện trong vùng dự án; (c) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc quy hoạch, phát triển, quản lý và chia sẻ lợi ích đối với các khu rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Công ty Lâm nghiệp, xác định khả năng tham gia vào quy hoạch, quản lý và chia sẻ lợi ích tại rừng đặc dụng; (d) Tổng kết thành tài liệu, phổ biến các phương thức tối ưu trong quản lý sử dụng rừng đa mục đích để khuyến khích nhân rộng cách tiếp cận này, giám sát các hoạt động quy hoạch và quản lý sử dụng rừng đa mục đích.

 

Dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà” đã được Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đề xuất được Chính phủ Nhật bản tài trợ do JICA và Ban Quản lý Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà thực hiện. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực để có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc phạm vi Vườn quốc gia và tạo nguồn thu cho cộng đồng nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên rừng. Dự án có 03 hợp phần chính là quản lý hợp tác, cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Hợp phần quản lý hợp tác đã xây dựng và thực thi Quy ước thôn về quản lý tài nguyên thiên nhiên góp phần ngăn chặn sự xâm canh vào rừng. Các cơ chế chia sẻ lợi ích, Quỹ phân bón quay vòng và Quỹ phát triển đã được vận hành bởi người dân trong thôn thông qua Ban Quản lý cơ chế chia sẻ lợi ích để cung cấp phân bón và các khoản vay cho các thành viên để cải thiện sinh kế của người dân. Hợp phần cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường đã tổ chức các lớp học trên đồng ruộng về cà phê và rau an toàn để đáp ứng với các vấn đề về quản lý và kỹ thuật mà nông dân phải đối mặt theo lịch thời vụ. Các lớp học trên đồng ruộng đã trang bị cho nông dân các kỹ năng cần thiết trong sản xuất và thâm canh cây cà phê. Kết quả các hộ dân tham gia lớp học có năng suất trung bình cao hơn 10% trên cùng đơn vị diện tích so với những người không tham gia lớp học. Hợp phần Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (CBET) thiết lập các thể chế cơ bản và xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho du lịch sinh thái (nhà du khách, các tuyến du lịch sinh thái…). Sự liên kết với các công ty lữ hành và các trường học cũng đã được tăng cường thông qua thỏa thuận hợp tác với hơn 17 công ty lữ hành và hàng chục trường học. Dự án cũng đã thành lập các nhóm du lịch cộng đồng ở thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Nhim nhằm phát triển và bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa, phục vụ du khách (múa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, du lịch nông nghiệp). Số lượng du khách đến tham quan Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà ngày một tăng và là một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Qua các hoạt động về du lịch tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân ở các thôn, mục tiêu qua đó giảm áp lực lên tài nguyên rừng do Vườn quốc gia quản lý.

Cũng trong khuôn khổ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã đề xuất tham gia một hợp phần trong dự án “Chương trình bảo tồn rừng” gọi tắt là dự án FPP do Bộ NN & PTNT làm chủ đầu tư. Kết quả của dự án đã tăng cường năng lực quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Vườn quốc gia đã chủ động đề xuất và tham gia thực hiện “Đề án thí điểm xây dựng cơ chế tài chính bền vững từ dịch vụ hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà” trong khuôn khổ dự án Khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). Mục tiêu của đề án là thúc đẩy và hoàn thiện chính sách tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà thông qua sử dụng hợp lý dịch vụ hệ sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững. Các kết quả đầu ra bao gồm: Đề án tăng nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ một số dịch vụ hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và tăng cường năng lực cho Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Đề án khi thực hiện sẽ tăng nguồn thu cho Vườn quốc gia, giảm chi ngân sách Nhà nước, cải thiện sinh kế cho công đồng địa phương đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ngoài các chương trình dự án do Vườn quốc gia thực hiện với vai trò là chủ đầu tư thì Vườn quốc gia cũng tham gia và hưởng lợi từ một số dự án liên quan đến cải thiện sinh kế cho cộng đồng.

Dự án “Thí điểm hành lang đa dạng sinh học Lâm Đồng” do ADB tài trợ đã hỗ trợ cộng đồng bằng các hoạt động đầu tư heo, bò và cà phê cho các hộ nghèo; tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt. Bên cạnh đó, đã xây dựng báo cáo Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và báo cáo Đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Trong khuôn khổ dự án Phát triển Lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Dự án FLITCH) đã hỗ trợ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà lập quy hoạch phát triển du lịch sinh thái; thiết lập hệ thống truyền thông và một phần kinh phí giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng.

Vườn cũng đã hợp tác với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) thực hiện 03 dự án nhỏ: (1) Đồng quản lý rừng và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, (2) Bảo tồn vượn đen má vàng tại Vườn quốc gia Bidoup -Núi Bà, (3) Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Đạ Chais, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Các dự án này hướng đến bảo tồn loài đang bị đe dọa ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà thông qua việc giới thiệu các mô hình quản lý rừng và động vật hoang dã dựa trên thỏa thuận về quyền tiếp cận, tăng cường năng lực cho cán bộ Kiểm lâm trong công tác điều tra, xác định vùng ưu tiên bảo tồn và lập kế hoạch bảo tồn vượn đen má vàng. Tăng cường năng lực cho cộng đồng để tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia.

Chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Có thể kể đến chương trình hợp tác với Đại học Columbia, Mỹ trong nghiên cứu biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu vòng năm cây rừng được triển khai từ 2009. Đến nay đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu trong nước và đang mở rộng nghiên cứu tại Myanma trong năm 2014. Ngoài ra, còn làm cầu nối với các trường quốc tế để tổ chức các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên quốc tế đến nghiên cứu tại Vườn quốc gia. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để xây dựng một số cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho chương trình nghiên cứu.

Trong chương trình nghiên cứu di truyền họ công, trĩ với Trường Đại học Wisconsin – Madison, Mỹ với mục tiêu tìm hiểu cấu trúc hệ gene loài gà rừng. Đề tài chú trọng đặc biệt đến vùng Bidoup – Núi Bà, do nơi đây có đặc điểm địa hình cao và cách ly với tác động của con người và có khả năng có những quần thể gà rừng với gene Mx chưa lai tạp với gà nhà đã thuần hóa, nhằm tìm ra gene kháng bệnh cúm gia cầm.

Để xây dựng vườn thực vật tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà theo tiêu chuẩn quốc tế. Vườn đã ký Biên bản ghi nhớ với Quỹ các Vườn thực vật hoàng gia Úc và Viện Bảo tồn thực vật quốc gia Brest (Pháp), nhằm thiết lập Vườn thực vật rừng thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Việc thành lập Vườn thực vật được tích hợp các mục tiêu bảo tồn ngoại vi, nghiên cứu khoa học, diễn giải môi trường và du lịch. Các nội dung hỗ trợ kỹ thuật như đào tạo kỹ thuật nuôi trồng, quản lý các bộ sưu tập thực vật, ngân hàng giống, xây dựng chương trình tuyên truyền – giáo dục học sinh về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ thực vật tại địa phương và phát triển du lịch sinh thái trong vùng. Đến nay, Quỹ các Vườn thực vật hoàng gia Úc đã xây dựng quy hoạch tổng thể Vườn thực vật, tổ chức nhiều khóa đào tạo tại Úc cho cán bộ Vườn quốc gia và đang hợp tác với Vườn quốc gia để thiết kế chi tiết Vườn thực vật, xây dựng Ngân hàng thực vật (Plant bank) tại Bidoup – Núi Bà.

 

Trong hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn dược liệu thì Vườn quốc gia đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Cây thuốc Việt (VMP) và Biodetection System BV (BDS) Hà Lan nhằm cùng nhau phát triển các dự án nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân địa phương đối với công tác bảo tồn. Nhờ đó làm giảm áp lực về mặt bảo vệ cây thuốc và rừng trong Vườn quốc gia. Đồng thời, hợp tác nghiên cứu các nguyên liệu tự nhiên và các hoạt chất tổng hợp từ thực vật, nấm để phát triển các loại thuốc truyền thống; ứng dụng công nghệ DR-CALUX và các công nghệ khác về kiểm tra chất lượng, kiểm soát độc hại cũng như chuẩn bị cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để sản xuất dược phẩm hoặc các loại thuốc từ nguyên liệu nhờ việc nuôi cấy gene di truyền của các nguồn thảo dược có tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Hoạt động hợp tác quốc tế đã từng bước mang lại hiệu quả và ngày càng khẳng định vị thế của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà trên bước đường hội nhập. Trong điều kiện hiện nay, khi nguồn lực đầu tư, năng lực nghiên cứu ở các Vườn quốc gia hạn chế, việc tăng cường hợp tác quốc tế là rất cần thiết. Để đạt được các mục tiêu quản lý, hợp tác quốc tế sẽ tạo cơ hội để tăng cường năng lực cho cán bộ Vườn quốc gia và cải thiện sinh kế cho cộng đồng vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tôn Thất Minh – Lê Quang Minh