KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ ĐỊA LÝ SINH THÁI VÀ HỆ ĐỘNG THỰC VẬT VƯỜN QUỐC GIA BIDOUP NÚI BÀ

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà và Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, từ tháng 03 đến tháng 05/2008 các nhà khoa học và cán bộ CNV của hai đơn vị đã tiến hành các bước điều tra thực địa, thu thập các số liệu phục vụ cho công trình nghiên cứu tổng thể tài nguyên Vườn QG Bidoup-Núi Bà. Bước đầu đã cho một số kết quả như sau

 

 

I.    Điều kiện tự nhiên:
– Vị trí địa lý: nằm trên huyện Lạc Dương và một phần xã Đa Tông huyện Đam Rông
– Địa chất: tương đối đồng nhất, chủ yếu là hệ mác ma axít. Ngoài ra còn có đá biến chất, phiến thạch và đá vôi
– Địa hình: mang đặc trưng của núi trung bình, hướng chủ đạo là Bắc Nam lệch Động Tây. Núi có dạng khối tảng với sư phân bậc địa hình không rõ nét. Mức độ chia cắt sâu trung bình nhưng chia cắt ngang mạnh tạo nên các bề mặt đỉnh mềm mại, gợn sóng
– Khí hậu: đặc trưng nhiệt đới gió mùa Tây nguyên là lượng bức xạ mặt trời cao, mưa nhiều với mùa khô rõ rệt tuy nhiên mùa khô thực sự chỉ kéo dài trong 2 tháng (tháng 1-2). Qui luật phân hoá nền nhiệt ẩm theo đai cao và hướng phơi chi phối điều kiện khí hậu trong khu vực.
– Thuỷ văn: thượng nguồn hai hệ thống lưu vực sông Krông-Nô (đổ về Mê Kông) và sông Ða Nhim (đổ về Ðồng Nai).  Mạng lưới thuỷ văn khu vực rất phát triển với mật độ sông suối dày, phân bố khá đều trên toàn bộ 2 lưu vực.
– Ðặc điểm thổ nhưỡng: có nhiều loại đất như đất mùn vàng đỏ phát triển trên đá macma axit; đất mùn vàng đỏ phát triển trên đá biến chất, phiến; đất mùn alit núi cao; đất dốc tụ; đất phù sa sông suối

II. Hệ thực vật:
VQG tồn tại các kiểu thảm thực vật rừng á nhiệt đới đặc trưng như lá rộng; lá rộng + lá kim; lá kim với sự góp mặt đáng kể của các loài cây hạt trần: Thông 2 lá dẹt (Pinus krempfii), Du Sam (Keteleeria eveliniana), Thông 5 lá (Pinus dalatensis). Bên cạnh đó còn có Pơmu (Fokienia hodginsii), Thông nàng (Dacrycarpus imbricatus), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Thông tre (Podocarpus neriifolius).
Qua khảo sát tại Bidoup cho thấy:
– Ðỉnh Bidoup 1 cao 2287m: Nhô lên với bề mặt san bằng rộng khoảng 1ha. Ðộ dốc sườn lớn 30-40 độ. Thảm cây gỗ cao 6-10m với cành lá xen phủ, tạm chia thành 2 phân tầng với thành phần loài chủ yếu là cây nhiều thân. Thực vật điển hình: Lithrocarpus, Castanopsis, Quercus họ Fagaceae, Elaeocarpus họ Elaeocarpaceae (cây có nhiều thân), Lauraceae (có nhiều cây thân lớn), Magnoliaceae, Fabaceae, Melastomataceae.  Dây leo: Embelia sp. Chiếm ưu thế trên thân và cành cây (có thể leo trên tán lá), Smilax sp., Rubus sp. Thực vật bì sinh: Coelogyne sp. Là loài đại diện. Bên cạnh có nhiều loài Dương xỉ, đặc biệt là Dương xỉ có vảy. Loài cỏ Viola sp. mọc thành vạt đơn trội.
– Ðỉnh Bidoup 2 cao 2160m trên sườn giông: Thảm thực vật thân gỗ phân chia không rõ rệt. Thân cây mọc nghiêng và cong queo như dạng rừng Rêu. Hệ rễ thuộc loại bề mặt. Nhiều loài Phong lan, Ðỗ quyên, Dương xỉ sống bì sinh. Loài cơ bản có: Fokienia hodginsii có chiều cao không lớn, d=60-80cm, Dtán =4-8m. Các loài cây gỗ khác có độ cao như ở rừng Rêu (6-8m) với đại diện thuộc họ Ericaceae, Lauraceae, Myrtaceae, Theaceae, Fagaceae, Illiciaceae

III. Hệ động vật
3.1 Động vật có vú
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy những nhóm có triển vọng là động vật ăn côn trùng và Gặm nhấm và ghi nhận được một số loài mới cho khoa học. Tính đa dạng cao thuộc về Khu hệ Sóc và Chuột rừng.
Nhóm động vật móng guốc với đại diện là Lợn rừng và Hươu, Nai. Ghi nhận được loài Nai Tragulus có kích thước được coi là nhỏ nhất. Một số loài chỉ thấy xuất hiện trong trạng thái rừng nguyên sinh chưa bị tác động và đã ghi nhận một số loài thuộc Bộ Linh trưởng, trong đó đặc biệt là Vượn và 12 loài Dơi. Ðây là Hệ sinh thái đặc trưng của Việt Nam.

3.2 Chim
Ðã tiến hành nghiên cứu 2 đợt vào các năm 2002 và 2008. Các kết quả thu thập được đã cho phép khẳng định sự giàu có của khu hệ Chim VQG Bidoup  Núi Bà. Việc khảo sát thực địa được tiến hành trên hầu hết các sinh cảnh: rừng thông, rừng hỗn giao và rừng kín thường xanh cây lá rộng. Ðã ghi nhận được 120 loài chim và thực tế có thể còn cao hơn. Lần đầu tiên phát hiện loài Vẹt Psittacula roseata phân bố ở độ cao >915m (1400m). Ghi nhận được 2 loài hiếm và phát hiện 2 trong 4 loài đặc hữu của cao nguyên Ðà Lạt. Về sinh thái, hình thái: có 2 nhóm loài nổi trội (sống trên tán cây và sống dưới đất), phần lớn các loài có kích thước nhỏ.

3.3 Cá
– Tiến hành khảo sát 5 điểm chính dọc sông Ða Nhim, từ khu vực trạm Giang Ly xuống hạ lưu với chiều dài khoảng 8-10km và bước đầu xác định khoảng 14 loài thuộc 4 họ, trong đó họ Cá Chép (Cyprinidea) có 6 loài với sự phổ biến của loài Propuntius cf. laoensis.

3.4 Hệ động vật đất
+ Nhóm Cuốn chiếu và Bọ Cánh cứng chân chạy
– Môi trường sống: Phần lớn sống trên mặt đất, trong lớp thảm mục, gỗ mục, kẽ đá. Ðã ghi nhận được 33 loài Bọ Cánh cứng chân chạy (168 mẫu) và 15 loài Cuốn chiếu. Số loài ghi nhận được cao nhất ở rừng hỗn giao, tiếp theo là khu vực chịu tác động nhân sinh (chỉ có 8 loài Bọ Cánh cứng chân chạy) và thấp nhất ở khu vực rừng Rêu mây mù (Hòn Giao) với 2 loài. Ðây là đối tượng chưa được nghiên cứu tại Bidoup  Núi Bà, vì vậy cần tiếp tục điều tra nghiên cứu để xác định thêm số loài cho khu hệ.
+ Họ Kiến
– Giàu có về thành phần loài và đã ghi nhận được 60 loài thuộc 30 giống của 9 phụ họ và bổ sung một số loài mới cho khoa học. Ðây là con số đáng kể cho một Khu hệ thuộc vùng rừng trên núi. Kết quả nghiên cứu ở đây cho một phát hiện thú vị về sự phân bố của kiến ở độ cao khá lớn 1000-2000m.
+ Côn trùng (Bọ cánh cứng)
Nhận định VQG Bidoup có mức độ đa dạng sinh học cao của Bọ cánh cứng nhưng cần nghiên cứu vào thời gian các mùa trong năm để xác định đầy đủ thành phần loài và sự biến động của chúng.
+ Bướm
– Thu thập 145 loài bướm thuộc 11 họ với phần lớn thuộc Khu hệ Indo-Malai mang đặc tính Bướm vùng núi.

* Loài mới cho khoa học: 03 loài mới và 02 loài phụ.
* Tính quí, hiếm: Có ít nhất 2-3 loài ghi trong Sách đỏ IUCN.
* Triển vọng: Tính đa dạng còn cao hơn 200 loài khi nghiên cứu đầy đủ theo mùa.

IV. Kết luận sơ bộ
1. Vườn Quốc gia Bidoup  Núi Bà có diện tích lớn (64.800ha) với vị trí hết sức thuận lợi cho việc bảo tồn đa dạng sinh học loài và các hệ sinh thái đặc trưng.
2. Sự đa dạng về điều kiện tự nhiên bắt nguồn ngay từ nền tảng địa chất, sự phân hoá địa hình. Ðây chính là điều kiện quan trọng ban đầu làm tăng tính đa dạng sinh học và phong phú của số lượng cá thể từng loài, cũng như sự đa dạng hệ sinh thái khu vực.
Kết quả nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra rằng:
+ Về điều kiện địa lý  sinh thái phát sinh: Có sự phân hoá cao theo không gian. Quy luật phân hoá đai cao và hướng phơi của sườn chi phối tới đặc điểm của khu hệ động, thực vật.
+ Về thực vật: Tồn tại hệ và thảm thực vật á nhiệt đới với sự phong phú và đa dạng cao (trước hết phải kể đến các loài hạt trần); sự phân hoá theo các yếu tố địa lý.
+ Về thú: Có sự phong phú về nhóm động vật gặm nhấm và ăn côn trùng. Bổ sung một số loài mới cho khoa học.
+ Về chim: Có tính đa dạng sinh học cao (bước đầu ghi nhận được 120 loài). Khu hệ có tính mới, tính hiếm và tính đặc hữu nên rất có giá trị bảo tồn.
+ Về cá: Mức độ đa dạng không cao, còn thiếu dữ liệu và cần điều tra tiếp trên toàn bộ 2 lưu vực.
+ Về động vật đất và côn trùng: Hầu như chưa được nghiên cứu trước đây. Các kết quả nghiên cứu không những cho thấy sự giàu có của khu hệ mà còn bổ sung một số loài mới cho khoa học, trong số đó đặc biệt phải kể đến 2 nhóm Ðộng vật đất và Bướm.

(Tổng hợp từ Kết quả khảo sát sơ bộ của Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga phối hợp với Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà thực hiện)

Theo: Tôn thất Minh