Hệ thống sử dụng đất luôn là một trạng thái cân bằng động

Trước hết ta nhìn nhận lại hệ thống sử dụng đất từ trước đến nay có thể được chia làm 03 giai đoạn để chúng ta dễ hình dung:

Giai đoạn 1: Việc sử dụng đất phục vụ cho nông nghiệp chủ yếu là thủ công bằng các dụng cụ đơn giản như Cào, Cuốc, dùng sức người, sức súc vật cày kéo như Trâu, Bò, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm của bao đời để lại. Giai đoạn này sản xuất hay dựa vào tự nhiên để làm ví dụ trước kia Lúa cấy 1 vụ/năm (dựa vào thời tiết) dần dần 2 vụ/năm.

Giai đoạn 2 : Việc sử dụng đất phục vụ cho canh tác nông nghiệp, ở giai đoạn này con người đã biết sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ cho sản xuất; đồng thời đã sử dụng các vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác đã được đưa vào sản xuất. Một số máy móc như: máy Cày, máy Gặt, máy Bơm nước, máy Bơm thuốc trừ sâu, máy tra hạt,… tác động vào sản xuất với mục đích tạo ra nhiều sản phẩm, năng suất cao, thu nhiều lợi nhuận. Giai đoạn này con người đã khai thác tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên đất nói riêng một cách triệt để: sử dụng nhiều máy móc, sử dụng nhiều nhiên liệu đồng thời thải ra môi trường và gây ôi nhiễm môi trường, sử dụng quá nhiều thuốc hóa học,… Ảnh hưởng đến chính con người chúng ta đang sống, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên.

Giai đoạn 3: Do tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ôi nhiễm môi trường ngày càng nhiều. Để tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên đất nói riêng được sử dụng lâu bền thì phải có chiến lược, kế hoạch, sử dụng, tổ chức có hệ thống. Do đó giai đoạn này đặt ra là phải sử dụng bền vững các tài nguyên nói chung và sử dụng tài nguyên đất nói riêng, sử dụng hệ thống NLKH cho ra nhiều sản phẩm, đa dạng sản phẩm, có lợi nhuận cao nhưng phải mang tính bền vững.

Như vậy có thể nói hệ thống sử dụng đất luôn ở trạng thái cân bằng động bởi bản thân các nhân tố bên trong luôn luôn biến đổi, tác động qua lại với nhau và còn tác động đến môi trường và làm cho hệ thống này luôn luôn vận động. Hệ thống sử dụng đất ở mỗi vùng sẽ có những khác nhau, nó tùy thuộc vào phong tục tập quán, địa hình, đất đai, khí hậu, trình độ kỹ thuật,… Ví dụ: hệ thống sử dụng đất ở vùng Tây Bắc khác với hệ thống sử dụng đất ở vùng Tây Nguyên khác với hệ thống sử dụng đất ở vùng Miền Trung và hệ thống sử dụng đất này chỉ tồn tại ở một giai đoạn nhất định.

Khi trình độ sản xuất kỹ thuật của con người nâng lên, điều kiện sản xuất tốt hơn, phương tiện, dụng cụ, máy móc sẵn có thì hệ thống sử dụng đất cũ sẽ được thay thế bởi hệ thống sử dụng đất mới phù hợp hơn. Ở vùng Tây Bắc trước kia có hệ thống sử dụng đất lúa nương rẫy là chủ yếu nhưng hiện nay người ta đã biết sử dụng hệ thống sử dụng đất lúa nước sẽ cho năng suất cao hơn, phù hợp hơn hoặc trước kia chỉ sử dụng hệ thống sử dụng đất dạng bậc thang nhưng ngày nay người ta đã biết làm bậc thang kết hợp với trồng băng xanh (trồng cây họ Đậu – cải tạo đất) làm giảm xói mòn, che chắn gió,…

Hệ thống sử dụng đất còn thay đổi theo môi trường, môi trường thay đổi thì hệ thống sử dụng đất cũng thay đổi theo ví dụ: hệ thống sử dụng đất du canh, du cư chỉ tồn tại và phù hợp với điều kiện môi trường như đất vẫn còn tính chất của đất rừng (nhiệt độ, độ ẩm, chất dinh dưỡng, oxi và co2 trong đất). Khi đất không còn tính chất của đất rừng nữa (môi trường thay đổi) thì hệ thống sử dụng đất du canh, du cư không còn phù hợp nữa mà nó phải chuyển sang hệ thống sử dụng đất luân canh hoặc thâm canh. Đối với Hệ thống sử dụng đất ven biển: Khi bị nước biển xâm thực thì đất trở lên chua phèn, bí chặt,…không thể sản xuất được. Lúc này ta phải khử chua phèn, kết hợp đắp nhiều bờ chạy song song nhau để ngăn chặn nước biển xâm lấn hoặc kết hợp trồng cây Đước, Vẹt, Sú, Trang.

Ngoài ra hệ thống sử dụng đất còn thay đổi theo mục đích sử dụng đất: Mục đích sử dụng đất là để trồng Cà phê thì hệ thống sử dụng đất cũng phải thay đổi để phù hợp với mục đích trồng Cà phê. Mục đích sử dụng đất trồng Cà phê thì không thể áp dụng hệ thống sử dụng đất lúa nước được bởi vì đặc tính sinh thái của cây Cà phê khác với đặc tính sinh thái của cây lúa nước.

Tóm lại qua sự phân tích ở trên nó cho ta thấy hệ thống sử dụng đất luôn thay đổi theo thời gian, không gian, môi trường, mục đích sử dụng đất. Như vậy hệ thống sử dụng đất là một trạng thái cân bằng động.

Hoàng Đình Quang