Từ năm 2008 đến 2010, nhóm các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Ô-xtrây-li-a, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Khoa học Tự nhiên bang North Carolina, Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều đợt khảo sát thực địa Vườn Quốc gia Bidoup–Núi Bà, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để thu thập mẫu vật và nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài ếch nhái. Gần đây nhóm các nhà khoa học vừa công bố một loài ếch cây mới trên tạp chí Zootaxa số 2727, năm 2010.
Ếch cây ma cà rồng Rhacophorus vampyrus. Ảnh: Trần Thị Anh Đào
Loài ếch mới này được đặt tên khá ấn tượng Ếch cây ma cà rồng, tên khoa học là Rhacophorus vampyrus Rowley, Le, Tran, Stuart & Hoang, 2010. Tên loài xuất phát từ màu sắc kỳ lạ của loài ếch cây này: lưng màu vàng nhạt hay đỏ gạch; họng, ngực và bụng màu trắng; phần dưới sườn, mặt trước và mặt sau đùi màu đen; màng bơi ở tay và chân màu xám đến đen. Các đặc điểm hình thái đặc trưng khác của loài này là: con đực có chiều dài mút mõm đến hậu môn khoảng 42–45 mm, con cái có cựa da nhỏ ở cổ chân, đầu ngón tay và ngón chân có đĩa bám lớn, tay có màng bơi nhưng không phát triển.
Loài Ếch cây ma cà rồng sống trong rừng thường xanh, ở độ cao từ 1470 đến trên 2000 m so với mực nước biển, thường hoạt động vào ban đêm. Các mẫu vật được tìm thấy trên cây, cách mặt đất khoảng 0,5–2 m, ở nhiều vị trí khác nhau như ven suối đá, trên suối cạn hay trên thân cây cách xa nguồn nước. Con cái đẻ trứng vào các ổ bọt trong các hốc cây, xa suối hoặc ao trong rừng. Loài ếch cây mới này hiện mới chỉ biết phân bố ở cao nguyên Langbiang của Việt Nam.
Cung cấp tin: ThS.Nguyễn Quảng Trường
Viện Sinh thái&Tài nguyên sinh vật
Xử lý tin: Minh Tâm
Theo: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà