Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà 10 năm hình thành và phát triển

Ngày 19 tháng 11 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1240/QĐ-TTg V/v Chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup – Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có chức năng và nhiệm vụ: (1) Bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt; (2) Bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa, nơi cội nguồn của thành phố Đà Lạt; (3) Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới; (4) Phát triển du lịch sinh thái; (5) Góp phần củng cố an ninh – quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.

Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có diện tích 70.038 héc ta, trong đó diện tích đất có rừng hơn 62.000 héc ta, bằng 88.5% tổng diện tích quản lý. Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm ở trung tâm cao nguyên Lang Biang – nơi được đánh giá là một trong bốn Trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn do Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã thế giới (WWF) đề xuất. Giá trị đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là tài sản vô giá mang tính toàn cầu và không thể thay thế. Ngoài ra việc sử dụng hiệu quả các dịch vụ tổng hợp hệ sinh thái và du lịch là cơ hội lớn trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định 9 Chương trình hoạt động của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà bao gồm: (1) Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; (2) Chương trình phòng chống cháy rừng; (3) Chương trình phục hồi sinh thái rừng; (4) Chương trình nghiên cứu khoa học; (5) Chương trình tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; (6) Chương trình hợp tác quốc tế; (7) Chương trình phát triển du lịch sinh thái; (8) Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn vùng đệm; (9) Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật.

Trong 10 năm qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Lâm Đồng, của Bộ Nông nghiệp & PTNT; được sự hỗ trợ có hiệu quả của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế, sự phối hợp của chính quyền cơ sở huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông và các Sở, Ban, ngành trong tỉnh; Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã không ngừng được đầu tư xây dựng và phát triển. Tài nguyên rừng được quản lý, bảo vệ tốt và đời sống của cộng đồng dân cư được cải thiện. Trong năm 2014, Vườn đã ký hợp đồng giao 48.467 héc ta rừng cho 1.460 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông quản lý bảo vệ, với kinh phí chi trả từ dịch vụ môi trường là 19,24 tỷ đồng. Kể từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền chi trả cho các hộ dân lên đến 59,2 tỷ đồng. Đề xuất và thực hiện 8 dự án viện trợ không hoàn lại (ODA) với kinh phí trên 100 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học không ngừng được đầu tư, xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Từ một đơn vị có 9 cán bộ nhân viên khi mới được thành lập, đến nay toàn đơn vị có 115 người, trong đó có 14 thạc sĩ khoa học, 01 nghiên cứu sinh, 45 kỹ sư chuyên ngành. Hợp tác quốc tế được mở rộng với nhiều đối tác trên 21 nước, trong đó có nhiều tổ chức có uy tín toàn cầu như: Đại học Columbia, Đại học Wicossin, Bảo tàng thiên nhiên New Yok, Mỹ. Đại học Mice, Nhật Bản, Quỹ các vườn thực vật Sydney, Úc. Vườn thực vật Brest, Cộng hòa Pháp… Thông qua quá trình hợp tác, nhiều thành quả nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín của thế giới. Ngoài ra, việc triển khai và thực hiện đồng bộ chín Chương trình hoạt động theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ đã minh chứng cho sự tham gia tích cực của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong các cam kết toàn cầu về lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Qua các hoạt động của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh tại địa phương.

 

Ngày nay, bảo tồn đa dạng sinh học đặt trong bối cảnh toàn cầu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề liên quan đến sự suy giảm và mất đi của tài nguyên đa dạng sinh học; sự vận hành của các dịch vụ hệ sinh thái; sự phá hủy và chia cắt các sinh cảnh tự nhiên ở các nước đang phát triển. Vấn đề khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các loài xâm lấn, cháy rừng và biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam các thách thức đối với các Vườn quốc gia và các khu bảo tồn cũng đã được nhận định đó là: Vấn đề mở rộng đất nông nghiệp, khai thác rừng trái phép, xây dựng thủy điện, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, cháy rừng, khai thác quá mức các lâm sản ngoài gỗ… Những thách thức này không nhỏ trong quá trình quản lý bảo vệ, xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả các hệ sinh thái tự nhiên của các Vườn quốc gia và các khu bảo tồn, trong đó có Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong mười năm qua, bằng nghị lực, ý chí và trí tuệ. Chúng ta tin tưởng rằng tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà sẽ vượt qua khó khăn, đối diện với thách thức, tìm kiếm cơ hội để phát triển vì một tương lai tốt đẹp cho các thế hệ mai sau trên chính mảnh đất huyền thoại này.

Lê Văn HươngGiám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà