Hiện tượng biến đổi khí hậu trong những năm qua đã làm cho trái đất nóng lên: Nhiệt độ của bề mặt trái đất đã tăng lên 0,80C kể từ năm 1860. Cơ chế của sự nóng lên toàn cầu là do: Phát thải khí nhà kính (GHG) từ cuộc sống của con người, quá trình hình thành bẫy nhiệt, phát thải từ tia nắng mặt trời, phản xạ của tia nắng bằng bẫy nhiệt. Để đối phó với sự nóng lên toàn cầu có 2 biện pháp đó là giảm thiểu và thích ứng:
Giảm thiểu tức là giảm tác động của GW thông qua việc giảm trực tiếp phát thải GHG;
Thích ứng nhằm mục tiêu giảm tác động của GW bằng cách làm cho cuộc sống của con người trở lên thích ứng hơn.
Năm 1992 tại Rio de Janero công ước liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu đã được thông qua, có 155 nước phê chuẩn công ước này. Mục tiêu của công ước là nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính (GHG) trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được trước những tác động của con người.
Để đưa công ước đi vào hoạt động cụ thể, một nghị định thư Kyoto ra đời vào năm 1997. Nội dung chính của nghị định thư Kyoto (KP) bao gồm: (1) KP định lượng các chỉ tiêu giảm phát thải GHG cho các bên theo phục lục I (các nước phát triển); (2) Các nước không thuộc Phụ lục I (các nước đang phát triển) không có các chỉ tiêu giảm phát thải GHG theo KP; (3) Không bắt buộc phê chuẩn KP; (4) Thời hạn cam kết 2008-2012.
Cụ thể là 39 nước phát triển (theo phục lục I) cam kết sẽ cắt giảm mức phát thải khí nhà kính của họ xuống 5% trong giai đoạn 2008-2012 so với năm 1990 (cụ thể USA 7%, EU 8%, Nhật bản 6%), KP có hiệu lực từ 16/02/2005, đã có 166 nước phê chuẩn KP. Cơ chế của Nghị định thư Kyoto là: Cách tốt nhất để giảm phát thải GHG là các nước phát triển tự giảm lượng phát thải GHG tại đất nước mình.
Tuy nhiên, một số nước phát triển đã theo đuổi hệ thống năng lượng của mình và cảm thấy khả năng tiếp tục giảm GHG rất hạn chế; Cơ chế Kyoto tại COP3 ở Kyoto; Nhằm giảm phát thải GHG có 3 cơ chế: (1) Cơ chế phát triển sạch (CDM), (2) Cùng thực thi (JI), (3) Buôn bán giảm phát thải (IET), trong đó cơ chế CDM là cơ hội cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Cơ chế CDM cho phép các nước phát triển đạt được một phần mục tiêu giảm phát thải bắt buộc của họ thông qua các dự án trồng rừng tại các nước đang phát triển.
Nội dung cơ bản của CDM là: CDM có tiềm năng tái định hướng các nguồn đầu tư đáng kể vào các công nghệ mới và giảm hấp thụ carbon; CDM có thể bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển;
Tại các nước đang phát triển, có rất nhiều các dự án viện trợ ODA không có sự hỗ trợ O&M, vì vậy một số dự án bị hỏng là do thiếu sự hỗ trợ bền vững; CDM có thể hỗ trợ giúp phát triển bền vững; Để tạo cho các nước ngoài phụ lục I thực thi CDM, đã xây dựng quan điểm CDM một bên, các bên tham gia sẽ tìm ra đối tác CDM một bên trước khi cấp CER; Nguyên tắc CDM không cho chuyển hướng sử dụng ODA. Tuy nhiên vốn ODA có thể sử dụng cho dự án nhưng không được nhận CER.
Điều kiện để tham gia CDM: Các nước đang phát triển phải đáp ứng được 3 điều kiện sau: (1) Tự nguyện tham gia; (2) Thành lập cơ quan thẩm quyền quốc gia về CDM; (3) Phê chuẩn KP và ngoài ra có thể bổ sung một số yêu cầu sau: Đặt ra lượng chỉ định theo quy định tại điều 3 (KP); Cơ quan quốc gia tính toán khí nhà kính; Đăng ký quốc gia; Kiểm kê hàng năm; Kiểm kê hàng năm; có hệ thống kế toán mua và bán khí giảm phát thải.
Lợi ích khi tham gia CDM: (1) Đối với nước chủ nhà: Dự án CDM là nguồn vốn đầu tư có nhiều tiềm năng; (2) Nước đầu tư: Dự án CDM là cách để các nước phát triển thu được tín dụng giảm phát thải với mức chi phí thấp hơn; (3) Đối tác đầu tư: Dự án CDM cho phép đối tác tư nhân thực hiện quy định giảm khí nhà kính trong nước, giúp các nước phát triển thực hiện theo KP với chi phí thấp hơn.
Tiêu chí rừng của CDM là: Diện tích tối thiểu 0.05 ha; tàn che của cây trên 10%-30%; chiều cao cây thuần thục 2-5m.
Các nguyên tắc và điều kiện của CDM trong lâm nghiệp: (1) Trồng rừng CDM ở những vùng đất không có rừng trước 31/12/1989; (2) Các dự án đảm bảo giảm phát thải ổn định lâu dài, có thể đo đếm được và được tổ chức thứ 3 xác nhận; (3) Khi tính toán lượng phát thải hoặc lượng hấp thụ Co2 cần phải tính đến khả năng hấp thụ làm giảm phát thải của thảm thực vật hiện có khi chưa có dự án; (4) Dự án phải đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; (5) Dự án bắt đầu từ năm 2000 trở đi mới đủ tiêu chuẩn, giai đoạn tín chỉ có thể kéo dài tối đa 20 năm và kéo dài không quá 2 lần; giai đoạn tín chỉ cố định tối đa 30 năm, không gia hạn; (6) Lợi nhuận từ bán chứng chỉ carbon được trích 2% để chi cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhằm chi phí khắc phục hậu quả và một phần chi cho bộ máy quản lý hành chính CDM; (7) Rò rỉ là phát thải GHG và giảm bể chứa carbon xảy ra ngoài ranh giới có thể đo đếm được và có liên hệ trực tiếp tới hoạt động của dự án CDM; (8) Không sử dụng vốn ODA cho dự án CDM.
Những hoạt động của CDM trong lâm nghiệp: Dự án CDM chỉ chấp nhận 02 hoạt động trong lâm nghiệp đó là trồng rừng và tái trồng rừng: Trồng rừng là hoạt động lâm nghiệp trên đất không có rừng trong vòng ít nhất là 50 năm qua; tái trồng rừng là những hoạt động lâm nghiệp trồng lại rừng trên đất đã bị mất rừng trước 31/12/1989.
Một số hoạt động CDM ở Việt Nam: (1) Ký KP ngày 03/12/1998 và phê chuẩn ngày 25/9/2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối quốc gia CDM; (2) Thành lập đội chuyên gia trong nước về biến đổi khí hậu và sách hướng dẫn kỹ thuật về CDM; (3) Gửi thông báo quốc gia đầu tiên về biến đổi khí hậu cho ban thư ký UNFCCC vào 11/2003; (4) Hoàn thành dự án nghiên cứu chiến lược quốc gia về CDM, đang triển khai dự án tăng cường năng lực thực hiện CDM tại Việt Nam, (5) Dự án hợp tác tổ chức và đối thoại đa quốc gia liên minh Châu Âu, tăng cường sự tham gia hiệu quả Việt Nam, Lào, Campuchia vào CDM, (6) Dự án trồng rừng môi trường tại huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế do SNV (Hà Lan) đề xuất, xây dựng dự án trồng rừng CDM 4000 ha tại Hòa Bình.
CDM – Cơ hội và thách thức cho ngành lâm nghiệp Việt Nam:
Cơ hội: (1) Khi trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch thì ngành lâm nghiệp có quyền bán Co2 từ rừng, nâng cao được đời sống của người dân và những người làm lâm nghiệp; (2) CDM phù hợp với quan điểm phát triển lâm nghiệp bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đa dạng phong phú, góp phần bảo tồn, đa dạng loài cây trồng, sinh trưởng nhanh; (3) Cơ chế CDM khuyến khích duy trì bể chứa carbon trong cây và đất, góp phần bảo vệ độ phì và đa dạng sinh học; (4) Sau CDM là những cơ hội cho ngành lâm nghiệp định giá các giá trị về sinh thái nhân văn, giá trị nguồn nước và các giá trị khác.
Tuy nhiên thách thức không nhỏ đối với ngành lâm nghiệp: (1) Kiến thức và kinh nghiệm về việc chỉ đạo thực hiện dự án CDM còn hạn chế; (2) Kiến thức và kinh nghiệm về đánh giá tác động môi trường, kinh tế, xã hội của các dự án CDM còn yếu; (3) Mặc dù chúng ta có khoảng 2 triệu ha có thể trồng rừng CDM nhưng manh mún, không tập trung, khó thực hiện; (4) Nhìn chung các đơn vị trồng rừng như Lâm trường, các doanh nghiệp,…chưa mặn mà với trồng rừng theo cơ chế CDM vì đòi hỏi tốn nhiều công, đầu tư nhiều, giai đoạn đầu lượng hấp thụ Co2 của rừng chưa bao nhiêu, do đó thu nhập thấp; (5) Những tiêu chí, tiêu chuẩn của việc thực hiện dự án CDM khi đánh giá còn thiếu và chưa rõ ràng, chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia trong việc chi trả do đó chưa thể lượng giá trị Co2 từ rừng; (6) Quan điểm của cộng đồng và chính quyền chưa quen với các dự án CDM có mục tiêu quản lý lâu dài và bền vững; (7) Trình độ và nhân công lao động rất quan trọng khi thực hiện dự án trồng rừng CDM; (8) Rào cản về thể chế, công nghệ, vốn đầu tư; (9) Truyền thống phong tục địa phương của từng vùng; (10) Rào cản về điều kiện xã hội, điều kiện sinh thái địa phương; (11) Rào cản liên quan đến việc sử dụng đất, quyền sở hữu đất.
Thạc sĩ Hoàng Đình Quang (VQG Bidoup – Núi Bà)
Tin liên quan
- PHÂN CẤP NĂNG SUẤT RỪNG TRỒNG KEO LAI (Acacia mangium x auriculiformis). TẠI HUYỆN LẮK – TỈNH ĐẮK LẮK.
- Sử dụng công cụ phân tích SWOT để lập kế hoạch trong việc giải quyết vấn đề
- Phân cấp năng suất rừng trồng keo lai làm cơ sở cho việc dự báo sản lượng rừng tại huyện Lắc tỉnh Đắc Lắc.
- Ứng dụng phần mềm Statgraphics vào việc giải quyết hàm đa biến trong nghành Lâm nghiệp
- Nghiên cứu đặc điểm tái sinh dưới tán rừng kín thường xanh ẩm á nhiệt đới tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng