Đề tài nghiên cứu KH&PTCN

Điều tra, đánh giá, phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng

Nấm là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng tuy nhiên đa phần chưa biết cách thu hái và nhận biết nấm ăn được nên số người bị ngộ độc do nấm hàng năm khá nhiều.

Thời gian thực hiện: 24 tháng
Tổng kinh phí: 200.000.000 đồng

Nấm là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng tuy nhiên đa phần chưa biết cách thu hái và nhận biết nấm ăn được nên số người bị ngộ độc do nấm hàng năm khá nhiều. Khi đề tài thực hiện sẽ giải quyết các vấn đề trên và phổ biến cho cộng đồng nhằm tăng nguồn thu nhập và giảm thiểu tối đa các trường hợp ngộ độc đồng thời đảm bảo sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Nhìn chung, các nghiên cứu về nấm dưới tán rừng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu cơ bản, chưa phải là công trình nghiên cứu ứng dụng. Do đó, để có một nghiên cứu hoàn thiện  nhằm đưa vào thực tiễn thì cần có những nghiên cứu sâu hơn về mùa vụ thu hái, các điều kiện lập địa có thể tìm ra các loài nấm ăn, chọn lọc một số phương pháp chế biến và bảo quản đơn giản phù hợp với điều kiện thực tế của cộng đồng nhằm tăng thêm nguồn thu và nguồn thực phẩm. Đồng thời cũng phải tập trung vào một lĩnh vực mới là nhân giống các loài nấm tự nhiên để xâm nhiễm vào môi trường tự nhiên và môi trường bán nhân tạo. Điều này có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng trong việc sử dụng nấm tự nhiên tán rừng làm thực phẩm.

Mục tiêu tổng thể:
Định danh, kiểm định các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng; xây dựng qui trình kỹ thuật trồng một số loài nấm ăn được có giá trị trong điều kiện bán nhân tạo làm cơ sở để khai thác và phát triển sản phẩm nấm ăn được dưới tán rừng thông.
Mục tiêu cụ thể:
1. Điều tra khu phân bố các loài nấm ăn được và nấm độc dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng.
2. Mô tả, định danh, phân loại và xác định các loài nấm ăn được và nấm độc thường gặp dưới tán rừng thông.
3. Xây dựng qui trình trồng một số loài nấm ăn có giá trị trong điều kiện nhân tạo và bán nhân tạo.
4. Xây dựng bộ sưu tập nấm ăn được bằng hình ảnh minh hoạ và mô tả chi tiết từng loài.
Nội dung:
1. Điều tra các loài nấm mọc dưới tán rừng thông tại Lâm Đồng:
Kết hợp điều tra kiến thức bản địa với việc thu mẫu nhằm nắm bắt khu phân bố nấm dưới tán rừng thông ba lá tự nhiên, số lượng các loài nấm cũng như mức độ sử dụng trong cộng đồng và phân tích đánh giá những vấn đề liên quan đến sự phân bố của nấm trên từng kiểu rừng thông khác nhau tại Lâm Đồng. Đồng thời, gắn với điều tra môi trường nấm mọc, cơ chế giá thể làm nền tảng cho hoạt động tái xâm nhiễm các loài nấm ăn vào môi trường tự nhiên.
2. Thu thập mẫu, phân tích số liệu:
Kế thừa các tài liệu nước ngoài đã có về phân loại & phân tích thành phần dinh dưỡng của nấm ăn được, độc tố đối với nấm độc kết hợp với phân tích mẫu vật thu được để xác định các loài nấm ăn được và nấm độc.
3. Thu thập, chọn lọc thông tin về chế biến, bảo quản các loài nấm ăn được:
Chọn lọc và đề xuất các phương pháp chế biến và bảo quản các loài nấm ăn hiện có phù hợp với điều kiện của các cộng đồng địa phương sống gần rừng.
4. Thực hiện các nghiên cứu về phân lập, tạo meo giống:      
Chọn 2 loài nấm ăn được có giá trị và có triển vọng trong nhân giống để tạo hệ sợi và bào tử làm nguồn giống trong phòng thí nghiệm và bằng phương pháp thủ công phục vụ cho việc tái xâm nhiễm.
5. Xâm nhiễm nấm rễ tại hiện trường để tạo quả thể:
Tái tạo nấm ăn được dưới tán rừng cho 02 loài nấm ăn có triển vọng tại 02 địa điểm Lạc Dương và Đơn Dương.
+ Tuy nhiên, việc xâm nhiễm vào môi trường để nuôi trồng bán nhân tạo là một nội dung có tính rủi ro cao vì các tài liệu xâm nhiễm nấm vào tự nhiên hầu như chưa có. Giải pháp khắc phục: đề tài cố gắng tìm ra những điều kiện lập địa (môi trường nấm mọc, cơ chế giá thể) cũng như mùa vụ phù hợp thông qua những nghiên cứu đã có về sinh lý thực vật nói chung và về nấm nói riêng.
6. Xây dựng bộ sưu tập:
– Chụp hình, mô tả các loài nấm được dưới tán rừng và xây dựng bộ mẫu vật (bằng phương pháp sấy khô vả bảo quản trong dung dịch) để phân biệt các loài nấm ăn được với nấm độc nhằm góp phần bổ sung kiến thức nấm ăn và an toàn thực phẩm cho cộng đồng sống gần rừng.

Theo: Tôn Minh